(...) tôi hôm đó tôi ở nhà chơi với mọi người. Ngoài đường thì ồn ào đến 12h đêm. Sáng hôm sau, tôi đi đến nhà các cô bác họ hàng chào để hôm sau về đơn vị. Chiều đến nhà bạn bè cùng lớp. Ngoài đường từ đường Trương Định đến Bờ Hồ chỉ thấy màu xanh K74. Lính đi từng tốp 4-5 thằng ngang nhiên trêu gái, đánh CA, vào mấy cửa hàng ăn mua đồ không trả tiền... Khổ mấy ông CA chỗ chợ Trời nhìn thấy bóng áo xanh là lẩn mất dạng. Về tối thì càng loạn thêm. BTL thủ đô phải huy động toàn bộ quân cảnh ra dẹp mới yên. Tôi rủ mấy đứa bạn cả trai cả gái ra Quán Gió uống cafe mà nhìn thấy đám K74 ấy cũng run, chúng nó mà trêu mấy đứa con gái thì không biết phải làm sao. Có lẽ thấy trong đám cũng có K74 nên chúng nó tha.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi trở lại sân đình Quỳnh Đô tập hợp điểm danh, ông bạn nông dân đèo tôi xuống bằng chiếc Pơ giô con vịt ( xe thiếu nhi Liên xô). Điểm danh xong, mỗi thằng lại được cái bánh mì. 11h chúng tôi bắt đầu hành quân xuống ga Thường Tín. Mới đầu đi còn hăm hở bám sát đội hình. Được khoảng 2km lính bắt đầu bò ra đường, đi đứng không ra hàng lối gì nữa. Những thằng có gia đình đi theo bắt đầu nhảy lên xe đạp. Phần lớn vẫn phải đi bộ. Đến Quán Gánh thì lính hết cả hơi, tạt vào mấy quán ven đường mua bánh dầy. Có một bà cụ mang cả thúng bánh ra phát cho mỗi thằng một cặp : " Hôm nay u không bán, ủng hộ chúng mày hết"
Lúc này mới thấy ông bạn nông dân đạp xe xuống đưa tôi xuống thẳng ga. Nó móc túi đưa tôi hai bao Sông Cầu và nói : " Cho mày 2 bao thuốc, đi đường mà hút, tao về luôn đây."
Mãi 5h chiều chúng tôi mới vào ga lên đoàn tàu quân sự. Các toa đều là toa chở hàng, lính trải chiếu ra nằm ngổn ngang. Người yêu, vợ con đứng dưới khóc như ri. Trên tàu nhiều thằng cũng khóc sụt sùi. Nhìn cảnh họ chia tay tôi cũng thấy mủi lòng. Chui vào một góc toa, tôi đặt ba lo xuống gối đầu lấy thuốc lá ra nhả khói mù mịt.
9h tối tàu mới chạy và chiều hôm sau bọn tôi đổ bộ vào trạm giao liên Vinh. Trời hơi mưa, trong trạm lính vào, lính ra đông như kiến. Mấy dãy lán dài, có sạp tre để nằm đầy lính. Chúng tôi được phát mỗi thằng một cục bột mì luộc to hơn nắm tay. Hơn 7h tối đói quá mấy thằng kéo nhau ra ngoài, trời bắt đầu mưa to, thành phố không có điện tối um. Đường lép nhép bùn đất, từng tảng đất đỏ bám chặt vào dép rất khó đi. Lò mò mãi cũng kiếm được cửa hàng ăn uống. Cũng chẳng có đèn, trước cửa cắm hai cây đuốc cháy rừng rực, phía trong có ngọn đèn bão. Cửa hàng cũng chẳng có gì ngoài mì sợi nấu với rau trong một cái chảo to, nhìn qua như chảo cám lợn. Vậy mà chen lấn hồi lâu mới mua được một bát với giá 5 hào ( Nếu ở HN thì được bát phở ngon rồi) ăn xong lại lội mưa về ngủ.
5h sáng chúng tôi đã bị đánh thức, lại mỗi thằng một cục mì luộc và chuẩn bì thu dọn đồ ra xe.
Mấy chục cái xe ca đã đỗ chờ ngoài sân. Lần đầu tiên nhìn thấy xe phía nam sơn đủ các màu trông vui mắt, mỗi thằng ngồi một ghế, ghế được đan bằng sợi nhựa giả mây cũng rất lạ mắt. Nhìn mấy chiếc xe hơn rất nhiều xe buýt HN lúc ấy.
7h xe bắt đầu chạy, chẳng ai biết sẽ đi đâu. Đến Kỳ Anh thì cái cầu tạm bị gẫy phải chờ công binh đến làm lại, thế là mấy trăm thằng lính nằm giữ đồng không mông quạnh. Không có ăn có uống, xóm làng thì xa. Mãi sau dân quanh đó mới mang nước chè xanh ra bán. Lính đổ xô ra mua. Mới đầu có 1 hào/ bát, sau lên đến 5 hào/ bát vẫn phải mua mà không có.
Xe cứ vậy chạy đến sáng hôm sau thì qua cầu Hiền lương và 12h trưa thì xe đổ chúng tôi ở bãi bóng Đông Hà đầu đường 9. Lúc này quân số chỉ còn hơn 300 một nửa đã dừng ở Vĩnh linh nơi tiểu đoàn huấn luyện 28 đóng quân. Ngồi nghỉ được hơn tiếng ae tranh thủ vào chợ Đông Ha kiếm ăn, sau đó xe của sư ra đón chúng tôi. Hơn chục cái xe Zin đến và nhét tất cả lên thùng chạy lên đường 9, dọc đường vẫn còn xác xe tăng, pháo... Lâu lâu có vài xe chở quân đi ngược lại, trên xe toàn lính cũ, ông nào cũng có khôn mặt sốt rét điển hình, nhìn thấy xe chúng tôi các ông anh hô:
- Vào đây thi khổ rồi các em ơi.
Đường 9 lúc này tuy chưa được như bây giờ nhưng cũng tốt hơn đường ngoài bắc rất nhiều. Xe cứ chạy không thấy nhà dân, chỉ thấy đồi núi chập trùng. Mấy anh già có vợ con bắt đầu khóc mếu. Rồi đến 2/3 xe sụt sịt : " Chở các bố mày đi đâu thế này.?"
Mãi hơn 5h chiều chúng tôi mới tới Khe Sanh. Chạy qua chợ một chút thì rẽ vào nơi đóng quân của tiểu đoàn 27. Đại đội 3 được ở ngay gần đường, rồi đến C2. C1 chúng tôi phải qua con suối nhỏ lên sườn đồi mới thấy 3 cái lán dài hai bên là 2 hàng sạp nứa, mỗi B một lán chia nhau tìm chỗ nằm. Phía sau lán được thưng bằng mấy tấm tranh cao hơn m, phía trước trống hếch trống hoác. Nhận chỗ nằm xong thì kẻng cơm chiều. Chúng tôi đổ ra sân đại đội xếp thành 6 hàng dọc, và cứ 6 thằng vào một mâm. Cơm độn sắn tươi, thức ăn là sắn luộc rồi đánh nhuyễn ra trộn với chút thịt hộp và mìn chính, nước gạo rang thành thứ bột sền sệt màu cà phê, rau sắn luộc và canh cũng là lá sắn nốt. Nhớ mãi bữa ăn chính quy đầu tiên của quân đội.
Sau này, mỗi buổi trưa chúng tôi thường ra trước cổng tiểu đoàn mua bánh trưng ăn thêm 5 hào/cái toàn thấy lá, cắn 2 miếng thì hết. Chủ quán là hai vợ chồng cựu đại úy Thủy quân lục chiến VNCH. Ông này bị cụt mấy bàn tay trái: " Tôi bị miểng pháo 130 ly của VC phang trúng năm 72 ở Quảng Trị " hai bên cổ tay ông ta vẫn còn xăm dòng chữ " TQLC" "Sát cộng" .
Từ đó chúng tôi bước vào những tháng huấn luyện của tân binh sư 473.
Ảnh chụp tại Khe Sanh 11/1976. Những ai đã ở D27 thời gian này chắc chắn có cái ảnh chụp tại gốc cây này.