(...)
Nằm đếm thời gian trôi qua và cầu mong cho hai anh em đến đích bình an. Với BN tôi đã làm hết sức để giúp anh ta, những điều tôi làm cho anh ta ở đất K này hiếm có ai làm được, cũng có nhiều người đủ khả năng thì không đủ liều và vô kỷ luật như tôi để làm. Nên cũng chẳng còn điều gì ân hận. Còn với BY thì phải chăng tôi có chút nhẫn tâm với em ? Em đã yêu và cũng được yêu. Chỉ có điều bản thân tôi còn nhiều ràng buộc nên không thể theo em. Nếu là người dân bình thường thì có lẽ tôi không suy nghĩ 1 giây và sẽ theo em ngay. Mà người bình thường thì lại không gặp BY. Nghĩ đến em tôi lại ứa mắt vì thương cảm. Đêm nay lại là một đêm khá dài đây. Đồng hồ đã chỉ hơn 1h sáng. Giờ này hai anh em họ chắc đã vượt biên giới. Dù là thằng vô thần tôi cũng ngồi dậy chắp tay cầu cho họ đến đích bình an, và cứ ngồi như vậy đến 3h sáng. Đến giờ này thì mọi việc đã an bài. Cái gì xảy ra thì nó đã xảy ra tôi không còn khả năng can thiệp nữa. Nằm xuống tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn hình bóng BY. Ôi, mệt mỏi, bất lực. Mở mắt ra đúng 5h như mọi ngày. Tôi gấp chăn màn đánh răng, rửa mặt. Chị chủ nhà cũng đã dậy mang hàng ra bày, tôi giúp chị một chút. Rồi thả bộ đi ra ngoài. Loanh quanh gần 2km mới kiếm được một quán Hủ Tiếu, tôi vào ăn một bát và gọi một ly cafe nhâm nhi giết thời gian. Thời tiết K lúc này đang chuyển mua nên mát mẻ và dễ chịu. Nhìn những người vào quán tôi nhận ra một số người VN, trai gái trẻ có cả. Nét mặt ai cũng có sự lo âu. Chắc lại mấy cha vượt biên. Có một người đàn ông khoảng 40 đầu cắt cua, tay trái cụt gần bả vai, đi cùng một phụ nữ khoảng 30 tuổi vào quán. Ông ta liếc quanh quán thấy bàn tôi còn trống liền đi tới, nói tiếng Việt xin ngồi cùng. Tôi gật đầu giơ tay mời họ. Người phụ nữ đi cùng chắc là vợ. Ông ăn rất nhanh và cũng kêu ly cafe móc trong túi ra bao Mai.
- Chú và cô chắc mới qua đây nên vẫn còn thuốc Mai để hút.
- Tôi mới qua hai ba hôm. Còn cậu qua đây khi nào ? Sao ngồi đây ?
- Dạ, cháu qua lâu rồi. Hôm nay lên đây thăm người nhà. Cháu ở PP, không ở đây.
- Cậu là lính Bắc Việt à ?
- Cháu bên dân sự. Không ở lính. Qua đây nghiên cứu văn hóa Kh'Mer.
Chắc hồi xưa chú là lính VNCH ( chỉ lính VNCH mới hay gọi lính Bắc Việt)
- Tôi giải ngũ từ 1973, bị miểng pháo 130 ly phang cụt cánh tay. Xưa tôi là đại úy TQLC bị thương ở QT năm 1972. Vậy mà sau này mấy ông giải phóng cũng bắt đi cải tạo gần 5 năm. Kỳ cục.
- Có lẽ cô chú lên đây tìm đường.
Hai người im lặng. Nói chuyện một lúc với họ cho nhanh hết thờ gian. Mới gần 9h quán đã vắng dần tôi đứng lên chào họ và chúc họ may mắn. Người phụ nữ nói :
- Cậu em đi mạnh giỏi. Chuyện đâu bỏ đó nghe.
- Dạ, em quên rồi. Chị yên tâm.
Lại về nằm võng hút thuốc.
(...)
(...)
Nằm mãi đầu óc luôn lởn vởn hình bóng của BY. Thuốc hút liên tục, miệng khô đắng. Hơn 11h, chị chủ nhà kêu vào ăn cơm. Tôi lắc đầu từ chối. Với lon Bò húc uống cho đỡ đắng miệng. Cả một đêm hầu như không ngủ nên lúc này tôi bắt đầu thiu thiu rồi ngủ lúc nào không hay. Bỗng tôi choàng dậy vì cảm giác có người, nhìn ra ngoài thấy cậu phụ xe đi vào, cậu ta đi xe máy nên nhẹ nhàng hơn cái ô tô cổ lỗ sĩ hôm qua.
1h15', thấy cậu ta cười nên mọi lo âu từ hôm qua đến giờ tan biến. Đi đến gần cậu ta móc túi đưa tôi tờ giấy. Vồ lấy tờ giấy trong tay cậu ta, liếc nhanh có chữ " cảm ơn" tôi thở phào cả người xẹp xuống như quả bóng xì hơi. Vậy là xong. Vẫn là mảnh giấy bị BN xé đôi hôm qua. Bút bi nét nhỏ, mực đen là cây bút hôm qua tôi lấy của cửa hàng đưa cho BN. Dân K hay dùng bút mực xanh, nét to, trơn dễ viết chữ K hơn, nên tôi cố tình chọn bút đen nét nhỏ.
Nhìn tờ giấy tôi đoán BN viết tờ giấy hoàn toàn thoải mái không bị trong trạng thái ép buộc.
Tôi cảm ơn cậu thanh niên rồi móc ví lấy 100$ đưa cho cậu ta. Cậu ta cầm lấy cảm tôi và nổ máy đi thẳng. Ngồi xăm soi tờ giấy thêm vài phút nữa tôi yên tâm. Quay vào nhà lấy túi thay bộ quân phục đội mũ. Quẳng tất cả đồ còn lại vào ba lo. Xỏ thêm đôi dép cao su. Tôi đưa cho chị chủ quán 100 Riel, chào chị và ra khỏi nhà dừng trước cửa ngó nghiêng, châm điếu thuốc tiện tay đốt tờ giấy của BN tôi đi về phía đường nhỏ dẫn ra quốc lộ. Vui mừng vì tất cả mọi việc đã xong. Nhưng trong lòng vẫn day dứt nỗi buồn. Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không bao giờ gặp lại BY nữa. Giờ này không biết em đang ở đâu, có còn khóc và nhớ tôi không ?
Đi qua một chợ cóc nhỏ ven đường tôi dừng lại mua cân mì chính, 2 cái quần King Jo, vài cái áo phông...nhét vào ba lo cho căng và giống như bộ đội ở biên giới về. May mắn gặp luôn một đơn vị pháo đang đi cùng hướng tôi vẫy tai xin đi nhờ. Người ngồi ghế phụ thò đầu ra hỏi :
- Đi đâu cha nội ?
- Battambang?
Anh ta chỉ tay ra sau thùng xe. Tôi vứt ba lo và leo lên thùng. Trên thùng có gần chục cậu lính trẻ, chắc mới nhập ngũ cuối 1980. Toàn dân miền Tây. Họ ngồi nói chuyện ồn ào náo nhiệt. Nhìn họ, chợt nghĩ đến tháng 12/76 chúng tôi cũng như vậy, rời tiểu đoàn huấn luyện về 531. Vậy mà đã 5 năm từ khi lên tàu ở ga Thường Tín tôi chưa một lần quay ra. Càng ngày càng đi xa HN.
Đường xấu, xe kéo thêm khẩu pháo đằng sau nên chạy như rùa bò tốc độ chắc 20 km/ h. Một cậu lính quay sang hỏi tôi :
- Anh hai đi đâu lên đây, tôi ở đoàn 478 lên đây công tác giờ quay về.
- Anh đi năm nào ?
- Mình đi 76.
- Vậy 5 năm rồi sao anh chưa về ? 3 năm là về rồi mà.
- Hồi tôi đi là luật nghĩa vụ 5 năm. Giờ chắc cũng sắp được về.
- Anh hai có thuốc lá xin điếu hút chơi.
Tôi lấy trong ba lo 2 bao đưa cho học. Chia nhau thuốc hút họ lại quay sang nói chuyện với nhau rôm rả. Gần 4h chiều, xe chắc đã chạy được 2 giờ. Có lẽ mới được nửa đường cả đoàn xe gồm 4 chiếc dừng cho lính tráng nghỉ ngơi. Tôi khoác ba lo nhảy xuống. Đứng tầm 10' thì lại thấy một đoàn 4 xe chạy đến, dừng lại nghỉ. Tôi chạy đến xe đi đầu hỏi đi nhờ. Họ đồng ý và đưa tôi đến xe hậu cần đi cuối cùng. Đưa tay tạm biệt anh em pháo binh tôi nhảy lên xe hậu cần. Trên xe chỉ có hai lính trên 20 tuổi, vài bao gạo, ít rau xanh, một thùng cá khô. Nồi xoong bát đĩa ...
Hai cậu lính trẻ vần một bao gạo và sát góc xe và nói tôi ngồi vào đó cho êm. Tôi lấy thuốc mời họ hút. Sau màn chào hỏi, quê quán. Tôi dựa lưng vào có xe nhắm mắt. Hai người lính chắc cùng quê, nhà gần nhau nên họ nói chuyện với nhau về làng xã, cô này xinh, cô kia xấu...lần này xe chạy nhanh hơn nên chỉ 1 tiếng sau tôi đến Battambang. Hỏi đường ra ga và biết 9h tối có tàu về PP. Nhìn đồng mới hơn 6h chiều. Thừa sức đi về kịp. Tôi rảo bước cuốc 5km tới ga. Tìm chỗ có nước tôi lau mặt tay chân, phủi bụi quần áo. Đi xe tải nên bụi đất tung ra mù mịt. Tạm thời sạch sẽ. Tôi đi tìm đồ ăn tạm, chẳng có đành mua cái bánh mì ngồi nhai với nước bò húc.
Hơn 8 giờ tôi chen được vào sân ga và lên tàu. Người soát vé thấy tôi mặc quân phục VN nên cũng chẳng hỏi han gì. Qua dân tình nói với nhau tôi biết chỉ còn 2 đoạn phải đi bộ. Tàu về nên chất đầy hàng hóa. Tìm được góc toa tôi bỏ dép ngồi xuống.
Tàu chạy đến 3h chiều hôm sau thì đến PP. Ra khỏi ga mệt mỏi đói khát. Tôi gọi chiếc xe ôm đi về Oscar. Anh Hêng thấy tôi về hất hàm dò hỏi, tôi gật đầu, ra hiệu Ok.
Leo lên tầng 3 nơi anh em họ tá túc một thời nỗi nhớ BY càng da diết. Tôi cởi bộ quân phục đầy bụi đất đường xa đi tắm. Thay quần áo, không muốn ở lại nơi đầy kỷ niệm này tôi xách túi xuống nhà nói vài câu chuyện với anh Hêng rồi đi bộ về nhà. Qua Pet Chân tôi đừng lại ăn hủ tiếu, uống ly cafe đá. 5h tôi về nhà. Đã hết giờ làm việc nên phòng thường trực đóng cửa, giờ này mọi người đang ở sân bóng. Mặc dù mệt tôi cũng thay quần áo xỏ giầy ra sân là vài séc bóng chuyền. Xong đi tắm vào phòng nằm. Chị cấp dưỡng gõ cửa thò đầu vào gọi tôi đi ăn cơm, tôi xua tay không ăn. Lúc này có lẽ đã quá mệt mi mắt tôi nặng trĩu. Giấc ngủ ập đến tôi ngủ ngon lành không mộng mị. Mở mắt ra 5h sáng. Cơ thể đã phục hồi. Tôi ra tập thể dục, đánh răng rửa mặt. Pha cafe chờ đến giờ làm việc. Đầu giờ tôi báo cáo trưởng đoàn đã trở lại làm việc.
Từ hôm đó tôi trở lại sinh hoạt bình thường như ngày chưa quen hai anh em BY. Hàng sáng vẫn ra chị Năm ăn sáng. Vào chợ mua mấy thứ đồ ăn cô T nhờ. Chiều ra trường học. Tối có việc thì đi không thì thôi. Thường là tối có việc Chú Đ đều nhắc tôi từ 4-5h.
Cuộc sống như vậy trôi đi hơn 1 tuần nữa. Nỗi nhớ BY vẫn day dứt, mỗi buổi sáng ra quán chị Năm. Nhìn chỗ ngồi quen thuộc của em giờ chỉ là cái ghế nhựa vô tri vô giác.
(...)