Bạn đồng đội
angkorwat luôn có được các bóng hồng ưu ái. Và bạn lính
angkorwat còn có thể được ‘ăn cỗ’ ở chỗ có ‘ma nào biết’ nữa.
Cũng là lính, nhưng số phận của tôi hẩm hưu hơn nhiều.
Xin góp một câu chuyện tình cảm của tôi, nhân sắp đến ngày sinh nhật Hải quân Việt Nam – ngày 07 tháng 5.
== === === ==== ==
QUÂN CẢNG CÓ CHIẾC KHĂN MẦU TÍM
(Nhớ về ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân 05/08)
Đợt ấy, hạm tầu cập quân cảng Quảng Khê, ở sông Gianh-Quảng Bình, làm công tác tiếp liệu.
Theo lệnh hải trình, tầu sẽ neo ở quân cảng hơn một tuần, khá là nhiều thời gian.
Tuổi thanh niên vốn bồng bột và biết bao khát khao tìm hiểu. Bởi thế, chỉ sau nửa ngày neo ở cảng, chàng sỹ quan trẻ của hạm tầu, đã biết ngay rằng, ở thôn Thanh Giang, gần quân cảng, có lớp học bổ túc văn hóa mở vào buổi tối, do cô giáo trẻ tên là Phương, vửa mới tốt nghiệp sư phạm 10+3 đứng lớp.
Chẳng cần chờ đợi lâu, đến buổi tối thứ hai neo ở quân cảng sông Gianh, chàng lính trẻ đã thay bộ quần áo sỹ quan, bằng bộ quân phục chiến sỹ có giải yếm sọc trắng xanh huyền thoại, lò dò đi vào sân kho hợp tác thôn Thanh Giang, đến lớp của cô Phương, xin ghi danh học bổ túc văn hóa lớp 2.
Không biết có phải là do những giải đuôi dài bay bay, trên chiếc mũ chiến sỹ Hải quân đã làm cô giáo trẻ măng xinh đẹp xiêu lòng, hay do sỹ số của lớp vắng quá, mới có vài cô bác lớn tuổi, nay thêm chàng lính lớ ngớ, thì lớp học mới có tầm chục người, nên chàng lính trẻ nhanh chóng được nhận vào lớp và xếp ngay lên bàn đầu, trong lớp học là cái nhà kho để nông cụ, không có cánh cửa.
Anh chàng lính trẻ, có cuốn vở, vốn là cuốn sổ công tác, chẳng thấy ghi chép gì, chỉ thấy mở to cặp mắt thao láo lên nhìn cô.
Trong gian nhà kho tối mờ, chỉ được soi sáng bằng mấy ngọn đèn dầu, mà có bóng đèn thì lành, có bóng đèn bị vỡ và được dán bằng giấy bản, nhưng lớp học dường như luôn sáng bừng lên. Ánh sáng ấy, như tỏa ra từ người thiếu nữ có mái tóc dài, cặp mắt nâu tròn long lanh trên khuôn mặt trái xoan- trắng hồng, xinh xinh.
Buổi tối học bổ túc văn hóa thứ nhất, cũng là buổi tối thứ hai trên quân cảng sông Gianh, trôi qua bình yên như làn gió mát Quảng Bình.
Nhưng cuộc đời đâu luôn đẹp như mơ. Đến buổi tối học văn hóa thứ tư, cô giáo nghiêm nghị ra lệnh:
-Anh bộ đội, hết giờ học ở lại, để nghe tôi hỏi vài điều.
Mừng nhiều hơn lo, người lính hớn hở mong hết giờ học, hơn cả mong kẻng cơm.
Rồi cũng đến lúc cô giáo tra khảo:
-Sao không thấy anh ghi chép gì, mà nom mặt mũi của anh, cũng khá là sáng sủa, mà lại lười thế.
Người lính ấp úng:
-Thì tôi bỏ học lâu qúa, nên chẳng còn nhớ được gì.
Cô giáo nghiêm nghị:
-Thế thì anh làm được cái gì !!!
Trúng tủ rồi, chàng lính trẻ gần như thầm thì:
-Tôi biết hát ạ.
Cô giáo không còn nghiêm nghị, mà đã trở về hiền lành, non tơ, mọng nước, đúng với con gái 19 tuổi Quảng Bình:
-Thế anh hát đi.
Và trên dòng sông Gianh khi ấy, có lẽ lần đầu tiên, người con gái 19 trăng tròn, được nghe bài hát Nga: Chiều hải cảng.
-“…Thành phố xinh xắn mến yêu ơi
Ngày mai ta sẽ lướt khơi xa.
Làn sóng thúc hối ta,
Biển khơi đón chúng ta,
Trên bờ khăn xanh thắm vẫy chào ta…”
Giai điệu mượt mà, lời của bài hát dịu dàng, như vờn vào gió biển, như hòa vào sóng nước sông Gianh, và có thể còn ngân mãi, nếu không có tiếng tút tút báo hiệu 9 giờ đêm, nghe thoang thoảng trong làn gió đêm hè.
Cô gái xinh xinh như giật mình, khi chàng lính trẻ chào tạm biệt, để trở lại hạm tầu.
Và câu hỏi cuối cùng của cô gái, mà người lính hải quân còn nhớ là:
- Trên bến cảng, cứ nhất định phải là khăn quàng mầu xanh à, anh ơi.
Và một câu trả lời đầy tinh nghịch của chàng lính trẻ, học trò ‘giả hiệu’ là:
-Khăn mầu gì mà trả được, miễn đừng là khăn trắng !!!!
+++
Thế rồi, quân lệnh lúc nào mà chẳng bất ngờ.
Sáng hôm sau, hạm tầu nhận lệnh ra khơi.
Và đã rất nhiều chục năm, con tầu ấy và người lính trẻ, không có dịp quay trở lại bến cảng ngày xưa.
Có điều, nghe kể lại rằng: sau khi tầu các anh nhổ neo, ngoài cổng quân cảng Quảng Khê, suốt gần hai tuần liền, chiều nào cũng có một thiếu nữ, quàng chiếc khăn mầu tím, đứng rất lâu, hướng cái cái nhìn ra phía khơi xa.
Hỡi em gái nơi rừng dừa đan lưới, đã từng cười với anh hải quân trên tầu, em chắc đã lấy chồng và có nhiều con lâu rồi.
Và những chàng lính hải quân trẻ năm xưa, người lính học trò bổ túc văn hóa lớp 2 năm ấy, tin rằng, trong tất cả các con của em, em sẽ đặt tên cho một người con gái là Hải, và một người con trai tên là Quân.
Người lính ấy vẫn tin rằng, tình yêu với những người lính Hải quân ở trong lòng em, và trong người dân Quảng Bình, sẽ vẫn là mạch tình cảm dài mãi, như dòng sông Gianh quê em.
Tôi trong một chuyến hải trình khơi xa.
Tôi khi là chiến sỹ Hải quân