CNN: Trung Quốc vẫn thu hoạch nội tạng từ tù nhân ở quy mô lớn
Tác giả:
James Griffiths, CNN
Dịch giả:
Trần Văn Minh
Tổ chức Ân xá Quốc tế: tử hình ở mức cao nhất trong hơn 25 năm qua
Một báo cáo mới cho biết, Trung Quốc vẫn thực hiện thu hoạch nội tạng trên diện rộng và có hệ thống từ các tù nhân, và nói rằng những người có quan điểm xung khắc với ************* Trung Quốc cầm quyền đang bị giết để lấy nội tạng.
Bản báo cáo – được soạn bởi cựu dân biểu Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas, và nhà báo Ethan Gutmann – đối chiếu các số liệu được công bố của các bệnh viện khắp Trung Quốc để chứng minh những điều họ tuyên bố về sự khác biệt lớn lao giữa các số liệu chính thức về số lượng các ca cấy ghép được thực hiện trên cả nước.
Báo cáo quy trách nhiệm cho chính phủ Trung Quốc, *************, hệ thống y tế, các bác sĩ và các bệnh viện đã đồng lõa với nhau.
“(*************) cho biết tổng số các ca giải phẫu cấy ghép hợp pháp là khoảng 10.000 ca mỗi năm. Tuy nhiên, chúng tôi có thể dễ dàng tìm thấy con số cao hơn con số chính thức của chính phủ Trung Quốc, chỉ cần xem xét hai hoặc ba bệnh viện lớn nhất”, ông Matas nói trong một tuyên bố.
Báo cáo ước tính rằng 60.000 đến 100.000 nội tạng được giải phẫu cấy ghép mỗi năm trong các bệnh viện ở Trung Quốc.
Theo báo cáo, khoảng cách biệt đó được các tử tù trám vào, nhiều người trong số họ là tù nhân lương tâm, bị giam giữ vì niềm tin tôn giáo hay chính trị của họ. Trung Quốc không báo cáo tổng số các vụ tử hình, điều mà họ coi là bí mật.
Những phát hiện của bản báo cáo hoàn toàn tương phản với tuyên bố của Bắc Kinh rằng, kể từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã chuyển từ gần như hoàn toàn dựa vào nội tạng của các tù nhân sang “hệ thống tự nguyện hiến tạng lớn nhất ở châu Á”.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc có “luật pháp và các quy định chặt chẽ về vấn đề này”.
“Để làm chứng và báo cáo công khai, tôi muốn nói rằng những câu chuyện như vậy về việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng ở Trung Quốc chỉ là tưởng tượng và vô căn cứ – chúng không có bất kỳ căn cứ thực tế nào”, bà nói.
Cơ quan Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia, là cơ quan giám sát việc hiến nội tạng ở Trung Quốc, đã không trả lời yêu cầu bình luận về chuyện này.
Bệnh nhân xếp hàng tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Hơn 300.000 người cần giải phẫu ghép nội tạng mỗi năm. Ảnh: CNN
Các cuộc giải phẫu cấy ghép bí mật
Theo báo cáo này, hàng ngàn người bị hành quyết trong vòng bí mật tại Trung Quốc và nội tạng của họ được thu giữ để sử dụng trong các ca phẫu thuật cấy ghép.
Vậy, ai là người bị giết? Các tác giả nói rằng, chủ yếu là những người tù tôn giáo và sắc tộc, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, người theo đạo Thiên Chúa giáo chui, và học viên của phong trào tâm linh Pháp Luân Công bị cấm.
Trong khi phần lớn hệ thống ghép tạng của Trung Quốc được giữ bí mật, con số chính thức cho thấy 2.766 người tình nguyện hiến nội tạng trong năm 2015, với 7.785 nội tạng lớn thu được.
Con số chính thức cho biết các cuộc giải phẫu cấy ghép vào khoảng 10,000 ca một năm, là điều bản báo cáo phủ nhận.
Các tác giả chỉ vào các báo cáo phổ biến công khai và hồ sơ được các bệnh viện trên khắp Trung Quốc đưa ra để xác định rằng các bệnh viện đã thực hiện hàng ngàn ca cấy ghép nội tạng hàng năm, và các cuộc phỏng vấn và tiểu sử của riêng từng bác sĩ cho biết, họ đã thực hiện hàng ngàn ca giải phẫu cấy ghép trong suốt sự nghiệp của họ.
“Chỉ đơn giản bằng cách cộng lại [các ca giải phẫu cấy ghép của] vài bệnh viện được đề cập trong bản báo cáo này, thật dễ dàng để đạt tới số lượng cấy ghép hàng năm cao hơn 10.000”, các tác giả đã viết.
Theo thống kê chính thức, có hơn 100 bệnh viện ở Trung Quốc được chấp thuận để thực hiện các cuộc giải phẫu cấy ghép nội tạng. Nhưng báo cáo này khẳng định các tác giả đã “kiểm chứng và xác nhận 712 bệnh viện thực hiện cấy ghép gan và thận”, và tuyên bố số ca cấy ghép thực sự có thể cao hơn hàng trăm ngàn ca so với báo cáo của chính quyền Trung Quốc.
Học viên Pháp Luân Công phô diễn một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hồng Kông.
Lối thực hành ma quỷ và vô nhân đạo’
Báo cáo cho biết, rõ ràng sự khác biệt của các số liệu cấy ghép chính thức [và số ca cần cấy ghép thực tế] được lấp đầy bởi các tù nhân lương tâm.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, “hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tùy tiện” kể từ khi chính quyền phát động chiến dịch đàn áp năm 1999.
Chính quyền Trung Quốc coi Pháp Luân Công như một “tà giáo” và tuyên bố những hội viên tham gia vào “các hoạt động chính trị chống Trung Quốc”.
“Chính quyền coi Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với quyền lực của họ, và đã bắt giữ, giam cầm và tra tấn những người đi theo”, Maya Wang, nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền nói.
Bản báo cáo nói rằng, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bị buộc phải thử máu và kiểm tra sức khỏe. Kết quả thử nghiệm được cho vào cơ sở dữ liệu nguồn nội tạng còn sống để việc tìm người thích hợp được nhanh chóng, các tác giả khẳng định.
Nguồn cung cấp nội tạng lớn lao phục vụ lợi ích của bệnh viện và bác sĩ, tạo nên một ngành công nghệ ngày càng phát triển.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ nghe các tác giả của bản báo cáo điều trần vào thứ Năm.
“Trung Quốc có lẽ vẫn duy trì một số các vi phạm nhân quyền khủng khiếp và nghiêm trọng nhất đối với học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, nhưng hầu như chưa gặp phải bất kỳ sự chỉ trích nào, chưa nói đến trừng phạt, đối với các lạm dụng này”, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, cựu chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Hoa Kỳ, nói trong một tuyên bố đăng tải trên mạng.
“Lối thực hành ma quỷ và vô nhân đạo của chế độ trong việc cướp đi quyền tự do của người ta, ném họ vào các trại lao động hoặc nhà tù, và sau đó hành quyết và thu hoạch nội tạng của họ để cấy ghép là vượt khỏi giới hạn của sự hiểu biết và phải bị chống đối toàn cầu và chấm dứt vô điều kiện”.
‘Ý định tốt’
Trong nhiều thập niên, các quan chức Trung Quốc kịch liệt phủ nhận việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân, gọi những lời tố cáo là sự “vu khống có ác ý”.
Cuối cùng vào năm 2005, các quan chức thừa nhận rằng sự việc này đã diễn ra và hứa sẽ sửa đổi.
Tuy nhiên, 5 năm sau, Huang Jiefu, Giám đốc Hội đồng Hiến tặng Nội tạng Trung Quốc, nói với tạp chí y khoa ‘The Lancet’ rằng, hơn 90% nội tạng cấy ghép vẫn đến từ các tù nhân bị hành quyết.
Trung Quốc thi hành nhiều án tử hình hàng năm hơn so với tất cả các nước còn lại trên thế giới, ít nhất 2.400 vụ trong năm 2014, theo ‘Death Penalty Worldwide’. Con số chính thức của Trung Quốc không được công bố.
Vào cuối năm 2014, Trung Quốc loan báo sẽ chuyển sang một hệ thống hiến tặng, hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên tuyên bố này được chào đón với thái độ đầy hoài nghi, với thực tế rằng, từ năm 2012 đến năm 2013, chỉ có khoảng 1.400 người đăng ký hiến tặng (so với hơn 300.000 người cần cấy ghép nội tạng mỗi năm).
Kể từ đó, chính quyền chỉ thấy những thành công giới hạn trong việc kêu gọi dân chúng đăng ký vào sổ đăng ký quốc gia.
Một người phụ nữ 86 tuổi, họ là Zhou, nói với CNN rằng, bà muốn hiến tặng nội tạng vào năm 1996 nhưng lúc đó cơ sở Hồng Thập Tự địa phương của bà chưa hề nghe nói đến một ai làm như vậy.
“Do bản thân tôi không thể làm trong ngành y, nên tôi muốn đóng góp sau khi tôi qua đời”, bà nói.
Bà Zhou cho biết, trong khi gia đình bà hầu hết hỗ trợ quyết định của bà, “ở Trung Quốc, sự khôn ngoan thông thường là cắt xén thi thể của người chết là không thích đáng”.
Trong khi những người như bà Zhou bước ra để lấp khoảng trống mà các tù nhân để lại, các chuyên gia cảnh báo rằng không có gì để ngăn cản tù nhân bị hành quyết khỏi chuyện “tình nguyện” và các quy định hợp pháp hóa việc sử dụng các bộ phận cơ thể của tù nhân vẫn có hiệu lực.
Thông báo 2014 “tốt nhất chỉ là một tuyên bố về ý định tốt, nhưng không có hiệu lực pháp lý”, tạp chí y khoa BMJ cho biết.
Việc dần dần xóa bỏ [sử dụng] nội tạng tử tù là một sự “đánh lừa chữ nghĩa”, giáo sư Li Huige của Đại học Johannes Gutenberg cho biết trong một báo cáo gần đây được Nghị viện Âu Châu ủy quyền.
Tại sao Trung Quốc đã phải vật lộn trong việc chấm dứt thu hoạch nội tạng từ các tử tù?
Ông chỉ vào các tuyên bố của ông Huang đối với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng “các tử tù cũng là công dân”.
“Nếu (họ) sẵn sàng để chuộc tội ác của họ bằng cách hiến nội tạng, họ nên được khuyến khích”, ông Huang nói với tờ Nhân dân Nhật báo.
Bằng cách định nghĩa lại tù nhân như những công dân bình thường, ông Li nói, “Hệ thống hiến tạng quốc gia của Trung Quốc có thể bị lạm dụng để che giấu các bộ phận cơ thể của cả tử tù và tù nhân lương tâm”.
Trong một bức thư công khai gửi tới tờ báo y khoa Lancet, 5 bác sĩ viết rằng “Trung Quốc vẫn còn sử dụng nội tạng của tử tù. Sự khác biệt duy nhất là các nội tạng này hiện nay được phân loại là nội tạng tự nguyện hiến tặng của công dân”.
Ông Huang đã không trả lời yêu cầu bình luận. Nói với tờ New York Times, ông cho biết ý kiến của ông đã bị “bóp méo” và không phù hợp với chính sách của chính phủ.