Em có nhặt trên internet về mẹo đổ xăng đây các cụ:
Dưới đây là vài chiêu “mách nước” giúp chủ xe đối phó với hành vi gian lận của một số chủ cây xăng.
Xăng cũng cần được “cân, đo, đong, đếm”
Thông thường, bạn hay yêu cầu nhân viên ở cây xăng đổ vào xe bạn 20.000 đồng, 50.000 đồng … hay đổ đầy bình xăng rồi hết bao nhiêu thì trả tiền, nhưng đây lại chính là sai lầm lớn nhất của bạn giúp các nhân viên ở cây xăng “vớ bở” với khoản dư ra từ số tiền đó. Báo chí đã từng đưa tin rất nhiều về hiện tượng “nhảy số tiền” ở một số cây xăng – một hành vi gian lận mà các chủ cây xăng đó đã nghĩ ra để “chặt, chém khách hàng”. Thậm chí, đã từng có người tiêu dùng ghi lại được cận cảnh một cây xăng bị nhảy số tiền trên địa bàn Hà Nội vào mấy tháng trước đó. Vì vậy, bạn không nên để tình trạng này tái diễn một lần nữa, mà bạn lại chính là nạn nhân trong những trường hợp đó.
Bạn hãy mua xăng bằng cách đong đo theo lít để tránh bị thiệt. Nếu cẩn thận, bạn có thể mang theo can thang đo, hoặc chai, lọ (có ghi rõ thể tích) để đựng xăng, và kiểm nghiệm giá trị của số xăng bạn vừa mua có trùng khớp với số tiền bạn phải bỏ ra hay không trước khi đổ vào bình xăng xe của bạn. Còn nếu thấy điều đó bất tiện, bạn hãy đo trực tiếp lượng xăng bạn nhận được từ số tiền bạn bỏ ra thông qua vạch chỉ xăng trên chính xe của bạn. Chắc chắn rằng, nếu chuyển qua mua xăng theo thể tích thay vì theo số tiền, bạn sẽ trở thành người tiêu dùng thông thái, khó bị lừa nhất.
Quan sát cây xăng
Có lẽ bạn thường chỉ quan sát xem đã tới lượt mình đổ xăng hay chưa hoặc xem cây xăng nào ít người hơn để chuyển tới đó, chứ ít khi bạn để tâm tới những nhân viên bán xăng cũng như cây xăng mà họ sử dụng để bán xăng cho bạn. Vậy thì, đã đến lúc bạn nên quan tâm tới những nhân viên ở đây một chút, để đỡ bị thiệt rồi.
Cần cảnh giác để khỏi bị móc túi khi mua xăng. ảnh QL
Nếu có hai người thao tác trên cùng một cây xăng, có thể bạn sẽ bị lừa bởi một trong hai người đó sẽ điều chỉnh làm nhẩy chỉ số trên đồng hồ xăng. Hơn nữa, trong lúc bạn chăm chú mở cốp xe mà chưa kịp để ý đồng hồ, chỉ vài giây thôi bạn có thể mất vài chục nghìn như chơi bởi nhân viên đứng gần trụ bơm đó sẽ để nguyên đồng hồ ở những lần bơm trước, và tiếp tục bán xăng cho bán. Như vậy tức là bạn phải trả cả cho người trước một ít trong khi người ta cũng phải trả tiền rồi, chứ chẳng nhờ vả gì tới bạn. Vậy nên nhân viên bán xăng được lời hơn cả.
Cách tốt nhất là hãy nói “không” với trường hợp có hai nhân viên phục vụ xe của mình như thế này bởi mức phí phục vụ có thể sẽ quá cao và dù muốn hay không bạn vẫn phải trả mà không thể kêu ca với ai.
Nếu xe bạn đang trong tình trạng dưới vạch đỏ của đồng hồ xăng, bạn buộc phải lựa chọn một cây xăng để “nạp năng lượng” cho xe, bạn sẽ làm gì?
Bạn nên “chọn mặt, gửi vàng”
Trong thời buổi hiện nay, rất khó để tin tưởng những người lạ, những kẻ qua đường. Vì vậy, việc đầu tiên mà bạn nên làm là tìm được nơi tin tưởng để xe của bạn không bị “đói”, đồng thời bạn cũng không quá tốn kém khi “nuôi” xe.
Đôi khi bạn cũng nên hỏi những người bạn của mình xem cây xăng nào đáng đến hơn cả bởi có thể người ta có kinh nghiệm hơn bạn, hoặc đã từng bị lừa nên sẽ đưa ra được những lời khuyên xác đáng nhất giúp bạn tránh việc bị “móc túi”. Có một mẹo mà nhiều người cùng đồng tình là nên vào những cây xăng quen thuộc, được người thân tin tưởng giới thiệu hoặc những cây xăng có nhiều tài xế taxi, ô tô tải kéo đến. Dễ hiểu là những tài xế này sẽ bị thiệt hại nặng nhất nếu họ bị lừa nên chắc chắn họ sẽ cẩn thận, khôn khéo hơn ai hết khi chọn nơi để đổ xăng. Và nếu đã là nơi đáng tin cậy, bạn nên đổ đầy bình xăng sẽ tiết kiệm hơn là đổ ít một. Hơn nữa như thế cũng tránh được rủi ro cho bạn nếu đang đi giữa đường mà hết xăng, và buộc phải chọn “mặt lạ”.
Dù cây xăng đó có đáng tin cậy đi chăng nữa, bạn vẫn nên so sánh giữa các lần đổ xăng. Đó cũng là một trong những lý do khiến các nhà sản xuất xe tạo ra đồng hồ đo Km. Mặc dù giá cả xăng có thể chênh lệch, thay đổi từng ngày, nhưng dung tích xăng bạn đổ và quãng đường bạn đi luôn được đo đạc rất chính xác nhờ có các đồng hồ đo dung tích xăng và đồng hồ đo đường. Vì vậy, hãy xem quãng đường bạn đi được với cùng một lượng xăng ở các cây xăng khác nhau liệu có bị giảm đi hay không để biết chất lượng xăng và độ tin cậy của nơi bán xăng cho bạn.
Nếu phải đổ ở cây xăng lạ, bạn không nên đổ quá nhiều xăng, chỉ nên để xe đủ năng lượng cầm chừng cho tới khi gặp được nơi đáng tin cậy.
Bảo vệ những “nạn nhân” khác
Tôi đã từng tận mắt chứng kiến cảnh có một nữ nạn nhân phát hiện ra việc nhân viên bán xăng gian lận bởi theo cô này, lượng xăng trong xe của cô ấy còn khá nhiều, nhưng số tiền cô ấy phải chi trả cho lần đổ xăng này chẳng khác nào xe của cô ấy đang ở tình trạng hết xăng. Vì vậy, cô ấy đã thắc mắc ngay với nhân viên bán xăng: “tại sao xe của em (xe Wave Alpha – một dòng xe nổi tiếng tiết kiệm nhiên liệu của Honda) còn tới gần nửa bình xăng nữa mà vẫn ngốn thêm được hẳn 40 nghìn tiền xăng cơ (lúc đó xăng đang ở mức 17,5 nghìn đồng/lít) ?”. Nhưng thay vì một thái độ ân cần với khách hàng như chúng tôi mong đợi, nhân viên bán xăng này đã gay gắt, nói lớn tiếng với chị kia khiến vị khách này vô cùng phẫn nộ.
Những khách mua xăng khác, rất hiếu kì trước cuộc cãi vã của hai phụ nữ, nhưng có vẻ như chẳng ai can ngăn hay lên tiếng bảo vệ, thậm chí họ vẫn đổ xăng bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Có người còn thờ ơ buông một câu “đôi co làm gì cho mất thời gian, có bằng chứng gì đâu mà đòi kiện. Kiện củ khoai à!”. Nạn nhân trong câu chuyện này có lẽ đã dần hiểu ra vấn đề rằng mình là “thượng đế” thật nhưng đang yếu thế, thêm nữa cô đang vội đi làm nên cũng chỉ càu nhàu thêm vài câu rồi bỏ đi, nhường phần thắng về cho nhân viên quầy xăng dù chỉ có người trong cuộc mới biết ai đúng, ai sai.
Qua câu chuyện này, có thể thấy một số người tiêu dùng Việt vẫn chưa thực sự biết bảo vệ lẫn nhau, vẫn chưa biết tự đề phòng để tránh gặp phải những rắc rối tương tự. Bằng chứng là dù cô kia phát hiện ra gian lận, họ vẫn đổ xăng bình thường, thậm chí còn cảm thấy phiền nhiễu vì cô này làm nhân viên ở đây làm việc trì trệ hơn, làm mất thời gian của họ, đặc biệt là những người đang vội tới công sở cho kịp giờ.
Cảnh báo người thân, báo cho cơ quan chức trách
Bạn nên khuyên bạn bè, người thân của mình tới những nơi đổ xăng tin cậy mà chính bạn đã kiểm nghiệm được. Và nếu có bị lừa một lần, hãy báo để họ không bị mắc bẫy lần nữa, thêm vào đó, đừng ngại mất mấy phút gọi điện, gửi thư tới các nhà chức trách để phản ánh tình trạng đó, tránh để những hành vi gian lận hoành hành khiến nhiều người tiêu dùng Việt bị mắc lừa mãi.
Quan sát thái độ người bán xăng
Mặc dù một ngày, mỗi người bán xăng phải tiếp nhận ít nhất là vài chục tới vài trăm khách hàng, nhưng cũng không phải vì thế mà họ được vô lễ hay nổi cáu với khách hàng. Vì vậy, nếu bạn có kiến nghị, hay thắc mắc gì, nhất là liên quan tới lượng xăng và số tiền bạn bỏ ra mà họ giải đáp không thỏa đáng, đừng bỏ cuộc! Hãy tìm các nhân chứng, bằng chứng cụ thể để có thể vạch mặt kẻ xấu.
Nguồn:
http://www.baomoi.com/Meo-do-xang-tranh-bi-moc-tui/145/4723135.epi