(Viết tặng những ai đã và đang đi qua thời thơ ấu)
…Nửa đêm, chuông điện thoại ré lên như cave đứng đường vớ được đại gia. Đầu dây bên kia một giọng nhừa nhựa : “Tau – Hải đây”. Đời mình quen dăm chục người tên Hải, nam phụ lão ấu có cả, đến thánh cũng chẳng nhớ được Hải nào với Hải nào, nhất là vào cái lúc đêm hôm khuya khoắt thế này. “Hải Liệu đây” – nhận ra ngay thằng bạn cùng xóm ngày xưa, thuở cởi truồng tắm mưa với nhau. Hải là tên khai sinh, Liệu là tên mẹ nó. Sở dĩ phải kèm tên đấng sinh thành vì ở xóm còn một thằng Hải nữa, gọi là Hải Thân (phần sau của note sẽ kể về thằng này). Trẻ con đơn giản, réo thêm tên bố mẹ cũng chỉ để phân biệt, không hề có ý gì khác…
1.Trong số mấy chục đứa con trai sàn sàn tuổi nhau hồi ấy, Hải Liệu thuộc dạng “đối tượng cộm cán”. Trèo tường, bẻ mía, chửi bậy, đánh nhau, ném đá vào nhà người khác…chẳng có việc gì nó không làm. Thế nên thỉnh thoảng mới diễn ra cái cảnh mẹ nó cầm cái roi chạy sau, nó chạy đằng trước, chốc chốc dừng lại, quay đầu chọc tức bà bu mấy câu rồi co giò phóng thẳng… Người lớn ở xóm bảo : Thằng này sau kiểu gì cũng làm đến cấp tướng, nhưng mà là tướng…cướp…
Thế mà không hiểu sao mình lại thích chơi với cái thằng…mầm non tướng cướp ấy. Nhớ có lần hai thằng đi ăn trộm dứa. Thuật ngữ chuyên môn của tụi trẻ con gọi là “đi tháo bom quả dứa”. Tháng sáu, mùa dứa chín. Những quả dứa chỉ lớn hơn nắm tay tí chút, vàng rộm, thơm lừng cả góc vườn, trở thành thứ ăn vặt không thể cưỡng nỗi. Hai thằng cởi trần, mỗi hai cái quần đùi, chui hàng rào hành sự. Xui xẻo gặp phải lão chủ nhà thính như chó, chưa kịp bẻ quả nào đã phải chạy bán sống bán chết. Mình chui ra trước, thoát. Đến lượt nó thì quần đùi vướng vào dây thép gai, gỡ mãi không ra, đành phải chọn phương án bỏ quần chạy lấy người. Dở khóc dở mếu, nó hai tay che của quý, chui vào bụi ngồi, chờ mình về lấy quần đến giải cứu…Cái cảnh ôm quần bỏ chạy ấy, mãi sau này lớn gặp nhau, nó vẫn nhắc…
2.Nhân nói đến “ôm quần bỏ chạy”, kể luôn bí mật to tát này của đời mình. Vẫn là chuyện hồi bé. Một bữa mình ở nhà, cả em Nhung nữa, hai anh em mải chơi quên nấu cơm. Lúc nhìn đồng hồ thì đã trưa trật, mẹ sắp về. Vội vội vàng vàng đi vo gạo, vo xong sờ bao diêm thì chẳng còn que nào. Mình sai em đi xin lửa. Em Nhung vác cả cây nứa làm đuốc sang nhà bác Liên. Lấy lửa xong, dọc đường về chả hiểu thế nào cô em bất cẩn để tàn lửa bay lên hố xí nhà bà Sửu. Ngày xưa nghèo, hố xí tạm bợ chỉ là đóng cọc, bao xung quanh và lợp đều bằng lá cọ. Về nhà một lúc, cơm chưa sôi đã nghe tiếng kêu thất thanh, bà Sửu ôm quần vọt ra từ hố xí đang bốc lửa ngùn ngụt. Hú hồn, suýt nữa đi ỉa mà thành đuốc sống. Về sau bà Sửu điều tra mãi nhưng không thể tìm ra thủ phạm. Hai anh em mình im tịt, đến bây giờ, mấy chục năm sau mình mới dám kể ra…
3.Trong số mấy chục thằng giặc ở xóm nhà mình, Hải Thân là đứa ngoan nhất. Nó học giỏi, việc nhà thứ gì cũng làm, từ giặt quần áo, cơm nước, thậm chí đi chợ giúp mẹ…Với nó, lời mẹ là lời của Thánh, chỉ có tuân theo và tuân theo, cấm cãi, cấm quên bao giờ. Thành thử, nói như cái ông ra đề văn ở Bộ Giáo dục vừa rồi, là nó trở thành “thần tượng” của cả xóm. Mỗi lẫn mình phạm lỗi gì, thể nào mẹ cũng nói một câu : “Đấy, nhìn vào thằng Hải Thân mà học”…
Hồi ấy thằng Hải Thân có quả bóng da. Những năm ấy, có được quả bóng da như nó khối thằng uống cả tạ thuốc ngủ nằm mơ cũng chẳng thấy. Được cái nó thoáng, chiều nào cũng mang ra bãi đất hoang cạnh nhà bác Ái, rủ cả bọn chia quân, đá rồi cãi nhau ỏm tỏi. Hàng rào nhà bác Ái toàn bằng cây hóp, ken dày, rậm rịt. Mỗi lần bóng bay vào vườn là cả bọn lại phải hò nhau vạch cây cho một thằng chui vào, lúc sau lại phải hợp sức vạch cho nó ôm bóng chui ra. Lần ấy, Hải Thân xung phong đi lấy bóng. Lấy xong, mặt nó tái mét, cắt không ra máu, mãi mới thì thào : “Bọn bay biết tau vừa thấy chi không ?”. Cả bọn nhao nhao : “Chi rứa, chi rứa ?”. “Tau thấy chị Quyết (con bác Ái) đang tắm nhưng quên đóng cửa nhà tắm”…Cả bọn ồ ồ, rứa à rứa à, rồi đực mặt ra. Duy chỉ có anh Thường (hơn bọn mình 4 tuổi, bằng tuổi chị Quyết) là nói : “Bọn bay ở đây, để tau vô nhặt bóng”. Nói xong, anh cầm quả bóng ném qua hàng rào, bắt mấy đứa vạch cây để anh chui vô. Cả bọn chờ mãi chẳng thấy anh ra. Một lúc sau nghe tiếng chị Quyết ré lên, bác Ái cầm gậy đuổi anh Thường chạy quanh xóm. Lúc về, bác giận, lấy dao băm nát quả bóng, lại còn sang nhà thằng Hải Thân chửi một trận te tua. Lần đầu tiên “thần tượng” bị mẹ cho ăn đòn. Dù cả bọn biết nó bị oan, nhưng chẳng đứa nào hé răng nói nửa lời. Tất cả đều nghĩ, cho nó nếm tí roi để biết mùi vị thế nào chứ…
4. Lớn lên, buồn cười nhất là anh Thường với chị Quyết lại còn yêu nhau, suốt 4, 5 năm trời…
Thằng Hải Liệu, cái thằng mà khối người lớn ở xóm hồi ấy tiên đoán sẽ thành tướng cướp thì lại làm cán bộ. Nó lấy vợ, sinh con, phụng dưỡng mẹ già, ăn nói, đi đứng đạo mạo đúng dáng cán bộ, tịnh không có tí hơi hướm “đối tượng cộm cán” hồi bé tẹo nào…
Hải Thân – thần tượng của cả xóm – về sau đi học đại học kinh tế, ra làm ngân hàng, lên đến chức trưởng phòng. Buồn thay, năm ngoái nó dính chưởng, chả biết kinh doanh buôn bán kiểu gì để hụt vốn, bí quá hóa liều, làm hồ sơ giả rút tiền Nhà nước, đến lúc công an điều tra, khởi tố vụ án thì thiệt hại đã lên đến trên 2 chục tỷ đồng…Giờ chắc nó vẫn nằm ở trại Nghi Kim – Nghệ An. Đời – đúng là chẳng biết đằng nào mà lần…
Trong mấy chục thằng trời đánh hồi ấy, có thằng bây giờ thành đạt, cũng có thằng sa cơ lỡ bước…thậm chí có thằng “mãi mãi tuổi 20”…nhưng chắc đứa nào, dù ở thế giờ bên này hay bên kia, đều luôn hoài niệm về những năm tháng thơ ấu đẹp như những giấc mơ. Những giấc mơ có thật…
Một cú điện thoại của thằng bạn say lúc nửa đêm, tự nhiên khiến mình nhớ những ngày đã xa ấy nao lòng. Toàn những chuyện nghe bậy bậy thôi, nhưng như thế mới là trẻ con…
Đường đời vạn nẻo, chỉ có thời thơ ấu là trong veo và đáng sống…
Là khi bụi trần chưa vướng víu, cơm áo gạo tiền chưa níu bước…
“Ai cho tôi một vé đi tuổi thơ ?”