Sáng nay lang thang thấy bài viết hay hay nên mạn phép chia sẻ:
Liệu…khi đi xa em có nhớ Sài Gòn?
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
(Chế Lan Viên)
Sài Gòn là gì ta vẫn không thể định nghĩa rõ ràng. Nó là mọi thứ mà cũng chẳng là thứ gì cụ thể cả.
Nói thế nào nhỉ?
Sài Gòn trẻ- Dĩ nhiên là thế.
Sài Gòn là cơm tấm, là bánh mì thịt, là những quán cà phê bên dày đặc hai bên đường.
Sài Gòn của những Bún chả Hà Nội, bánh xèo Miền Trung, Mì Quảng...cho những ai đi xa bớt nỗi nhớ quê nhà.
Sài Gòn là bánh tráng trộn cay xè đầu cổng trường
Sài Gòn là những cơn mưa nắng đỏng đảnh bất chợt. Mưa chưa kịp thấm ướt áo là nắng đã lên hong khô.
Sài Gòn là cung đường vào xóm trọ nhỏ, là những buổi chiều lang thang quanh trường, là những buổi tụ tập bạn bè sau buổi học.
Người ta bảo Sài Gòn giống như nước Mỹ thu nhỏ- Đa chủng tộc, đa sắc màu.Lúc nào nhớ quê chỉ cần dắt xe ra đường, chạy loanh quanh một chút là thấy đủ biển số từ 11-99.
Sài Gòn chứa cả tuổi trẻ của ta trong đó, của những khờ dại, những ước mơ, niềm vui và những cảm xúc vụn vỡ không thể gọi tên.
Đôi khi ta thấy ghét Sài Gòn. Ta ghét cái thành phố "không có mùa đông này". Ghét đồ ăn ngòn ngọt. Ghét cả giọng nói và cách sống nơi đây. Ghét người ta dùng bút bi màu xanh. Ghét phải hòa nhập. Ta buồn bực và ta khóc. Đó là ta của những năm đầu đại học, như bao người xa quê khác-vật vã trong nỗi nhớ nhà và cố gắng thích nghi với nhịp sống trôi vun vút nơi phố thị.
4 năm đã làm thay đổi nhiều thứ. Xét đến cùng thì tình cảm và cả sức lực của con người là một thứ hữu hạn. Giữ mãi một thứ cảm xúc tiêu cực trong lòng sẽ rất mệt mỏi. Ta nhận ra ta chẳng còn đủ sức để ghét nơi đây nữa. Sài Gòn trở nên quen thuộc trong mỗi câu chuyện ta kể. Nỗi với Sài Gòn là một thứ kì lạ, nó không day dứt khắc khoải, mãnh liệt như nỗi nhớ quê. Nó dìu dịu, mỏng và nhẹ tênh. Nó len lỏi dần dần vào mọi ngõ ngách trong trái tim ta, âm thầm đến độ ta chẳng thể nhận ra .Rồi phải đợi đến một hôm đi xa và nhận ra lòng mình khang khác…Không phải là “nhớ” mà là “nhơ nhớ”. Nó chẳng đủ làm ta khóc, nhưng đủ để ta thấy có chút hụt hẫng.
Đôi khi ta thấy thương Sài Gòn. Ta bảo Sài Gòn xô bồ và bon chen. Nhưng liệu Sài Gòn có “xô bồ và bon chen” đến thế nếu không có ta và những người như ta?.Sài Gòn thực ra rất cô đơn. Người ta đến với Sài Gòn phần lớn ở tuổi trưởng thành để kiếm kế sinh nhai, tức là khi đã tích lũy đủ tình yêu và một hệ thống giá trị các giá trị theo chuẩn mực tại quê nhà. Sài Gòn sẽ luôn là đối tượng bị so sánh, kiểu như “ở quê mình thì cái này gọi là…”, “ở quê mình cái này ngon hơn/rẻ hơn/đẹp hơn….”. Và do vậy người ta luôn tâm niệm “đây là nơi để đến, không phải là nơi để về”. Sài Gòn-trong rất nhiều con xa quê-luôn chỉ là nơi đất khách.
Lắm lúc ta nghĩ quê như mẹ đẻ còn Sài Gòn như mẹ chồng. Tinh yêu với Sài Gòn là thứ tình yêu ít ràng buộc. Bạn có thể yêu, có thể ghét, chẳng ai có thể đánh giá. Và vì vốn không xuất phát từ mối quan hệ ruột thịt nên để có tình cảm cần có sức mạnh của thời gian, sự thấu hiểu và tấm lòng rộng mở.
Vậy cần bao lâu? 5 năm, 10 năm, 20 năm…Ta chẳng thể có câu trả lời thỏa đáng. Ai có thể đặt lịch cho cảm xúc cơ chứ? Hãy cứ mở lòng, đúng thời điểm tình cảm sẽ chín hoặc có thể héo úa đi. Và đến lúc đó, ngay khoảnh khắc ta cất bước đi xa ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “ Liệu….khi đi xa em có nhớ Sài Gòn?”.
Tre trăm đốt