Tăng vì dầu, giảm cũng vì dầu...
CNG – Mua - Giá mục tiêu: 36,688 đồng/cổ phiếu (+16,84%)
CNG là doanh nghiệp chuyên kinh doanh khí nén thiên nhiên CNG. Năm 2016, sản lượng tiêu thụ của CNG sẽ tăng khoảng 11% nhờ việc tiêu thụ khí CNG tại miền Bắc. Đồng thời, năm 2016, một số tài sản của doanh nghiệp sẽ hết khấu hao giúp chi phí khấu hao được tiết giảm 40-50 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng của sản lượng và biên lợi nhuận được cải thiện nhờ giảm chi phí khấu hao sẽ giúp lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn có thể tăng trưởng nhẹ trong năm 2016 mặc dù giá bán giảm. BSC dự báo năm 2016, CNG sẽ đạt 1,138 tỷ đồng doanh thu và 128 tỷ đồng LNST, tương đương EPS 2016 đạt 4,732 đồng/cổ phiếu. Tại ngày 26/01/2015, cổ phiếu CNG đang được giao dịch với mức P/E forward= 6.72 và P/B forward = 1.29. Ngoài ra, công ty mẹ là PGS đã thông qua việc thoái toàn bộ 55% vốn của công ty tại CNG Việt Nam trong quý 1/2016.
PVG - Mua- Giá mục tiêu 9,533 đồng/cổ phiếu (+17,69%)
PVG là doanh nghiệp chuyên kinh doanh khí hóa lỏng LPG. Từ tháng 8/2015, PVG sẽ phân phối khoảng 30% sản lượng khí CNG tại mỏ Thái Bình, tương ứng khoảng 50 triệu m3/năm. Tuy nhiên, đây là mảng kinh doanh mới đối với doanh nghiệp trong khi phải cạnh tranh với 2 doanh nghiệp đã có kinh nghiệm là PGD và CNG, trong bối cảnh giá dầu được dự báo tiếp tục ở mức thấp nên chúng tôi nhận định mảng kinh doanh CNG sẽ chưa mang lại sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Đối với mảng phân phối LPG, giá LPG được kỳ vọng nhích nhẹ cộng với việc mở rộng tại thị trường miền Trung sẽ giúp doanh thu của PVG tăng nhẹ. Tuy nhiên, do từ quý 3/2015 doanh nghiệp phát sinh khoản vay dài hạn 100 tỷ để đầu tư dự án Tổng kho Đà Nẵng khiến chi phí lãi vay năm 2016 tăng mạnh. Do đó, chúng tôi nhận định PVG sẽ duy trì lợi nhuận ổn định trong năm 2016. Chúng tôi dự báo doanh thu và LNST năm 2016 của PVG lần lượt là 2,941 tỷ đồng và 27 tỷ đồng. Tương đương EPS 2016= 809 đồng/cổ phiếu. Tại ngày 29/01/2016, cổ phiếu PVG đang được giao dịch với mức P/E forward= 9.27. Đây là mức P/E cao so với các cổ phiếu dầu khí của Việt Nam. P/B của PVG đang ở mức thấp nhất trong ngành với P/B forward 2016= 0.55
PGC - Theo dõi
PGC là doanh nghiệp chuyên phân phối khí hóa lỏng LPG. Cùng hoạt động tại thị trường miền Bắc và miền Trung, PGC có lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh lớn nhất là PVG về mặt chất lượng và cơ cấu sản phẩm. Do nguồn LPG của PGC từ Dinh Cố và Nhập khẩu có chất lượng cao hơn, đồng thời cơ cấu LPG dân dụng lớn- mảng sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn LPG công nghiệp. Do đó, PGC luôn duy trì biên lợi nhuận cao và ổn định. Với dự báo giá LPG sẽ tăng nhẹ, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2016. Tuy nhiên cổ phiếu PGC đang được giao dịch với mức P/E tương đối cao so với các cổ phiếu trong ngành.
PGD – Theo dõi
PGD là doanh nghiệp chuyên kinh doanh khí thấp áp và khí nén thiên nhiên CNG. PGD sẽ tăng khoảng 30% sản lượng tiêu thụ trong năm 2016 nhờ việc tiêu thụ khí CNG tại mỏ Thái Bình. Tuy nhiên, do mỏ Thái Bình có chi phí khai thác cao hơn nên biên lợi nhuận tại miền Bắc của PGD sẽ thấp hơn nhiều so với miền Nam. Đồng thời nếu giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp do giá mua và giá bán đều dựa theo chiết khấu giá dầu. Do đó, chúng tôi nhận định PGD sẽ duy trì lợi nhuận ổn định trong năm 2016. Hơn nữa, PGD hiện đang được giao dịch với mức P/E tương đối cao so với các cổ phiếu trong ngành.
PVS - Theo dõi
PVS là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịnh vụ dầu khí. Cùng với các doanh nghiệp khác như PVD và GAS thuộc nhóm thượng nguồn (upstream) và trung nguồn (midstream), khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ của PVS chịu ảnh hưởng mạnh từ việc giá dầu suy giảm, đặc biệt là các mảng dịch vụ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh như cơ khí dầu khí, bảo dưỡng và vận hành, khảo sát. Tuy nhiên đây lại là những hoạt động có tính chuyển đổi cao, chuyển từ các hợp đồng dưới biển (offshore) thành các hợp đồng trên bờ (onshore). Bên cạnh đó, có một số mảng hoạt động tương đối ổn định như cảng thương mại và FSO/FPSO. Năm 2016, trước tình hình giá dầu ở mức thấp, chúng tôi nhận định việc giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp là không thể tránh khỏi nhưng mức ảnh hưởng sẽ thấp hơn GAS và PVD. Năm 2016, doanh nghiệp đặt kế hoạch 22,000 tỷ đồng doanh thu và 960 tỷ đồng LNST, giảm lần lượt 9% và 40% so với thực hiện 2015. PVS hiện tại đang được giao dịch với mức P/E và P/B thấp so với các cổ phiếu trong khu vực và
Việt Nam. Đồng thời PVS là mã cố phiểu có mức vốn hóa lớn tại HNX. Do đó, nếu giá dầu phục hồi trong năm 2016 thì nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư đối với mã cổ phiếu này.
GAS - Theo dõi
GAS là doanh nghiệp chuyên thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.. Sản lượng tiêu thụ năm 2016 sẽ tăng lên do nhu cầu tiêu thụ từ các hộ điện, đạm, công nghiệp đều tăng. Đồng thời doanh nghiệp cũng đưa và khai thác các mỏ khí mới. Tuy nhiên, từ 08/2015 khoảng 60% sản lượng khí bán ra của GAS sẽ được tính theo giá thị trường- chiết khấu theo giá dầu (46%MFO+ chi phí vận chuyển). Do đó giá bán khí sẽ trực tiếp giảm theo giá dầu. Hơn nữa, các mỏ khí mới đưa vào khai thác đều có giá đầu vào cao. Chúng tôi nhận định, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2016. Năm 2016, doanh nghiệp đạt kế hoạch 54,751 tỷ đồng doanh thu và 8,574 tỷ đồng LNTT, giảm lần lượt 14% và 24% so với thực hiện năm 2015. Với bối cảnh giá dầu suy giảm mạnh, doanh nghiệp kế hoạch tập trung tăng trưởng ở mảng khí bán cho thấp áp và công nghiệp trong khi mảng khí bán cho điện duy trì ổn định hoặc tăng trưởng nhẹ. Trong dài hạn, GAS kỳ vọng vào việc thay đổi chính sách giá khí và điều chỉnh quy hoạch điện VII sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định. Cụ thể (1) Chính phủ, PVN và EVN đang thảo luận thiết lập chính sách giá khí mới cho PVGAS, đảm bảo cho việc mua khí từ chủ mỏ không bị lỗ. Chính sách giá khí mới này có thể được áp dụng từ 1/1/2016 và nếu được áp dụng GAS có thể duy trì lợi nhuận 6000-7000 tỷ đồng/năm với bất kể biến động của giá dầu và duy trì cổ tức 3000 đồng/cổ phiếu. (2) Theo như cập nhật từ doanh nghiệp, quy hoạch điện VII sẽ được điều chỉnh, chuyển các dự án nhiệt điện than sang nhiệt điện khí. Như vậy, nhu cầu khí cho sản xuất điện sẽ tăng nhanh. Cố phiếu GAS hiện có mức vốn hóa lớn thứ 4 trên HSX và mức P/E thấp so với khu vực. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mã cổ phiếu này khi giá dầu có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.
PVD - Theo dõi
PVD là doanh nghiệp chuyên cho thuê giàn khoan và cung cấp các dịch vụ khoan. PVD là doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc giá dầu suy giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cho thuê giàn của PVD đã giảm khoảng 20%. Số lượng giàn khoan thuê giảm 50%. Với diễn biến giá dầu được dự báo tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016, chúng tôi nhận định giá cho thuê cũng như khối lượng công việc của PVD sẽ tiếp tục suy giảm mạnh. Hiện 3 giàn khoan sở hữu của PVD đang ngừng hoạt động để đàm phán lại thời gian và đơn giá hợp đồng. Năm 2016, PVD đặt kế hoạch 7,500 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế- giảm 55% và 70% so với thực hiện 2015. Tuy nhiên, PVD là cổ phiếu có mức vốn hóa lớn của thị trường và ở mức chiết khấu thấp so với khu vực. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mã cổ phiếu này khi giá dầu có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.
Nguồn: BSC.