Bác Cung ra tay
Liên quan đến việc dư luận đang có nhiều ý kiến về những vấn đề những khuất tất trong bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (28 tuổi – con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi ngắn với báo Dân Trí.
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ts-nguyen-dinh-cung-sabeco-da-pham-luat-thi-dung-noi-dung-quy-trinh-20160615202743426.htm
Sabeco đi "xin" Bộ Công Thương là trái luật
Thưa ông, xung quanh câu chuyện bổ nhiệm, ông có thể nói rõ quy trình của DN như Sabeco hiện nay?
-Trước hết đây là công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch HĐQT chỉ được quyền đề cử vào thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), sau đó HĐQT mới bổ nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc (TGĐ) và các Phó TGĐ... Ở đây, Sabeco đi “xin” Bộ Công Thương là trái luật.
TS Nguyễn Đình Cung:"Sabeco đi xin Bộ Công Thương là trái luật"
Thứ hai, Nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ, các cổ đông nhỏ chỉ 20%, cổ đông nhỏ nhưng tiền này không phải vỏ hến và 20% vốn của họ phải có tiếng nói và phải có thành viên trong HĐQT. Chính vì thế, đầu tiên là phải tuyển người là phải tuyển người giỏi nhất, không phải cơ quan Nhà nước nên không giới hạn trong công chức, viên chức mà thuê ai cũng được. Miễn sao họ đáp ứng được tiêu chí của Sabeco đưa ra.
Việc vin cớ xin người và nói là đúng quy trình là sai, bởi như vậy anh đã làm không vì lợi ích tối đa của cổ đông. Vì mục tiêu của doanh nghiệp (DN) thì anh phải chọn người tốt nhất, minh bạch nhất có những tiêu chuẩn đưa ra công khai chứ không phải đi xin ai cả.
Sabeco dẫn lý do ông Hải là người có năng lực, kinh nghiệm và có ngoại ngữ (tiếng Anh) tốt để đảm nhiệm chức vụ Phó TGĐ của công ty này, điều này có thuyết phục?
-Chọn người tốt nhất thì trước tiên Sabeco phải đưa ra tiêu chí, có bao nhiêu tiêu chí: 10, 12 hay 5, 7 tiêu chí cũng phải công khai cho dư luận biết. Xong rồi thì phải thi cử, phỏng vấn và cho điểm. Đã nói quy trình thi tuyển tiếng Anh thì phải nói tiếng Anh bao nhiêu điểm là trúng. Chứ đừng nói chắc chắn tiếng Anh của anh ấy tốt nhưng không có tiêu chí nào để cạnh tranh và chấm điểm cả.
Tại sao không có cạnh tranh mà lại cho rằng anh ấy là tiếng Anh tốt nhất, kinh nghiệm nhất được? Tốt nhất phải là cao điểm nhất! Thông thường ở thế giới, mấy ông HĐQT sẽ không trực tiếp chấm điểm đâu, họ phải thuê chuyên gia độc lập, hội đồng độc lập để làm khách quan.... Ai lại quân của ông lại đi chấm điểm con ông làm sao bảo đảm khách quan được?
Những vấn đề bổ nhiệm chức danh của Sabeco đang khiến dư luận nghi ngờ rằng Luật Doanh nghiệp của chúng ta đang có những kẽ hở và quy định chưa chặt chẽ?
-Luật Doanh nghiệp của chúng ta dù trước đó và mới sửa đổi đều rất rõ. Riêng về quy định bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của đại diện vốn Nhà nước, cơ cấu Ban Giám đốc đúng với chuẩn mực quốc tế. Không có câu nào kẽ hở cả. Nói rất rõ là những người liên quan như anh Hải là không được làm!
Như vậy, việc bổ nhiệm ông Hải có đúng luật hay không?
Hồi bổ nhiệm ông Hải vào Sabeco, tôi đã nói với các bên là ông Hải không được quyền làm như thế bởi theo Điều 57 về tiêu chuẩn giám đốc của Luật Doanh Nghiệp và về tiêu chuẩn thành viên quản trị, đối với các công ty con mà Nhà nước nắm trên 51% vốn điều lệ thì người có liên quan của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý không được làm giám đốc.
Trong trường hợp này, anh Hoàng - (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương
Vũ Huy Hoàng) ngày ấy là người đứng đầu Bộ Công Thương, Cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại Sabeco (trên 80% vốn chủ sở hữu), ông Hoàng có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của Sabeco.
Nếu cứ bảo lưu "đúng quy trình": Sabeco sẽ hỏng, không phát triển được
Các bên như Sabeco vẫn bảo lưu quan điểm của mình: Việc bổ nhiệm các thành viên của Bộ Công Thương là đúng quy trình, ông nghĩ sao về vấn đề này?
-Tôi nói bao nhiêu lần, đừng có nói quy trình nữa. Quy trình chỉ là công cụ, chứ không phải là mục tiêu, mục đích chứ không phải cứ lôi quy trình ra để thực hiện. Quy trình đặt ra là để tìm được những con người như thế mà nếu chưa tìm được thì phải làm lại quy trình. Bây giờ phải tìm người tốt nhất, có tâm và tầm chứ không phải tìm người theo quy trình.
Sabeco và các bên có lý giải kiểu gì thì vấn đề này cũng không ổn! Nếu Sabeco vẫn bảo lưu quan điểm và những vấn đề của mình là đúng quy trình thì Sabeco "hỏng", không phát triển được. Như thế, thiệt là thiệt cho Nhà nước với 80% vốn điều lệ và là cổ phần chi phối.
Tôi khẳng định, Sabeco đã vi phạm quy chuẩn quản trị công ty tốt. Trong luật đặt ra rõ rồi nhưng vẫn vi phạm, đây là lệ xấu cần bỏ, đã phạm luật thì đừng nói đúng quy trình.
Chiều nay (15/6), anh Tuất – (ông Phan Đăng Tuất - Cựu Chủ tịch HĐQT của Sabeco) trả lời về bổ nhiệm ông Hải làm đúng quy trình tôi rất buồn, không nói chuyện. Luật hoàn toàn có và rất chặt chẽ thì phải nói về việc nhận thức trong quản lý. Anh Tuất nói đúng quy trình thì phải chăng những kiến thức mà anh em chúng tôi, những người nghiên cứu chính sách, làm Luật, những gì tôi học và giảng dạy đều không dùng được? Tôi buồn thật!
"Ông Hải nên rút khỏi Sabeco. Đây là lòng tin, lòng tự trọng"
Dư luận đang trông chờ vào việc tân Bộ trưởng Bộ Công Thương – người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm đề cử người quản lý 80% phần vốn Nhà nước tại Sabeco sẽ phải làm sáng tỏ nghi vấn. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
-Việc này chẳng cần vào cuộc làm gì cả, rõ như ban ngày thế rồi còn gì. Vụ việc đã thế này, nói như nào cũng bất tiện, coi chừng ảnh hưởng đến việc Sabeco lên sàn nữa. Vì vậy, nên nhẹ nhàng với nhau. Ông Vũ Quang Hải nên rút khỏi Sabeco, đây không phải là chuyện hình sự. Đây là lòng tin, là lòng tự trọng!
Giữa năm 2015, Chính phủ yêu cầu Sabeco phải thoái vốn, tuy nhiên đến nay tỷ lệ vốn Nhà nước tại đây vẫn trên 80% ( 89%), những việc liên quan đến bổ nhiệm lãnh đạo, có ảnh hưởng gì đến kế hoạch này thưa ông?
Việc Chính phủ quyết định Sabeco lên sàn là việc của Chính phủ, nhưng rõ ràng những người quản lý của Sabeco - đại diện phần vốn Nhà nước phải chuẩn bị những gì tốt nhất để anh lên sàn, khi lên sàn anh bán được giá, để Nhà nước có lợi và cổ đông cũng không thiệt.
Sabeco không lên sàn thì cũng phải minh bạch, còn nếu lên sàn, thoái vốn thì càng phải minh bạch, lấy lại niềm tin và xây dựng quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Từ đó phải công khai minh bạch, anh lên sàn lúc nào cũng được, vấn đề lúc này là anh làm thế nào để cho dư luận tin và lấy lại niềm tin để anh gia tăng giá trị công ty vì thế anh lên sàn bán được giá cao. Đáng lẽ phải làm như thế, nếu như này ai tin, dư luận xã hội đặt ra mà anh không trả lời, vòng vo thì chẳng ai tin cả.
Về một số vấn đề bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ Sabeco, trước đó, tháng 8/2015 Bộ Công Thương quyết định cho ông Phan Đăng Tuất thôi là người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại Sabeco.
Đến tháng 9/2015, Bộ này quyết định trao cho ông Võ Thanh Hà - Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Thư ký của nguyên Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng là người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco. Tiếp đó, trong tháng 10/2015, ông Hà tiếp tục được Bộ Công Thương giới thiệu làm chức danh Chủ tịch HĐQT Sabeco trong cuộc làm việc giữa nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và ông này.
Về các chức danh Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của Sabeco. Báo cáo tài chính năm 2015 của công ty này nói rõ. Tháng 12/2015, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc của Sabeco đã nghỉ hưu. Hiện, chức danh này do ông Võ Thanh Hà - (Chủ tịch HĐQT) kiêm nhiệm. Theo ông Nguyễn Đình Cung, về Luật, điều này vi phạm. Về chức danh Phó Tổng Giám đốc Sabeco của ông Hải, ông này được Cựu chủ tịch Sabeco "xin" và được Bộ Công Thương chấp thuận từ tháng 2/2015. Khi về Sabeco làm Phó TGĐ, ông Hải cũng là thành viên HĐQT của công ty này.