Lần đầu tiên, ông Hideakin Ohmura, Tỉnh trưởng tỉnh Aichi (Nhật Bản) dẫn đầu đoàn hơn 50 người gồm quan chức, DN tỉnh Aichi sang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cùng tổ chức buổi tọa đàm giao lưu kinh tế Aichi - Việt Nam. vào đầu tuần này. Đặc biệt, trong chuyến đi, các DN tỉnh Aichi không chỉ đem đến cơ hội trong lĩnh vực sản xuất khuôn đúc, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mà còn muốn hợp tác đầu tư trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị linh kiện máy bay.
“35% thiết bị linh kiện sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner thuộc Tập đoàn Boeing (Mỹ) do chúng tôi sản xuất”, ông Hideakin Ohmura cho biết.
Ngoài ra, DN Aichi cũng sản xuất máy bay cỡ vừa phù hợp với quy mô thị trường Việt Nam. “Đây là ngành công nghiệp đứng đầu thế giới và nhiều DN Nhật Bản đang muốn chuyển một số nhà máy sản xuất linh kiện nhỏ ra nước ngoài, để các nhà máy nội địa tập trung vào các linh kiện phức tạp có giá trị cao. Chúng tôi mong sự ủng hộ từ Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo những nấc thang để Việt Nam hội nhập dần vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành này”, ông Hideakin Ohmura nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Toshio Mita, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Chubu nhận định: “Mặc dù thị trường hàng không Việt Nam chưa hình thành rõ nét và để làm được ngành đó, DN phải đạt chứng chỉ nhất định về công nghệ. Chúng tôi có thể giúp Việt Nam thực hiện điều đó, nếu các bạn có nguồn nhân công tốt”.
Được biết, trong chuyến công tác lần này, đoàn DN Aichi cũng có buổi làm việc với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm đi đến thỏa thuận tăng tần suất chuyến bay trực tiếp tới Aichi, để việc giao lưu giữa DN 2 nước được thuận tiện hơn.
Từng có kinh nghiệm làm việc và hợp tác với các DN Nhật Bản trong lĩnh vực chế tạo linh kiện khuôn đúc cho nhà máy nhiệt điện, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng: “Công nghệ đóng tàu du lịch cỡ lớn, công nghiệp sản xuất linh kiện máy bay… là những ngành cần vốn lớn, công nghệ cao và là thế mạnh của Nhật Bản. Vì vậy, chúng ta nên đón nhận sự hợp tác đầu tư từ DN Nhật Bản trong lĩnh vực này”.
Về hình thức hợp tác đầu tư, ông Toshio Mita cho biết: “Trước mắt, DN tỉnh Aichi muốn hoạt động 100% vốn Nhật Bản. Trong trường hợp liên doanh, tùy theo quy mô dự án sẽ xem xét kỹ khả năng tài chính từ phía đối tác Việt Nam. Quan trọng nhất là hợp tác phải xuất phát từ lợi ích 2 bên”.
Thực tế, DN Aichi muốn tìm một đối tác tin cậy để chuyển giao công nghệ sản xuất phục vụ cho sự phát triển của họ. Ngược lại, DN Việt Nam có thể học được kinh nghiệm quản lý, nâng tầm quản lý chất lượng sản phẩm sao cho phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu, có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều hình thức liên doanh sau một thời gian nhất định lại không bền vững. Nguyên nhân, theo ông Thụ, là do chênh lệch đóng góp vật chất. “Có liên doanh Việt Nam chỉ đóng góp đất đai, còn Nhật Bản bỏ vốn, công nghệ, quản lý. Cuối cùng, do năng lực điều tiết, xử lý vấn đề, mâu thuẫn chiến lược… Vì vậy, nên để họ hoạt động 100% vốn, sau đó họ tìm đối tác Việt Nam đặt hàng gia công linh kiện, thì sẽ tốt hơn nhiều”, ông Thụ khuyến cáo.
Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cũng nhấn mạnh: “Hợp tác công nghiệp hàng không và tăng chuyến bay trực tiếp, ngành công nghiệp cơ khí… là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm. Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện cho DN 2 nước hợp tác đầu tư mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính để họ triển khai kế hoạch đầu tư kinh doanh trong thời gian sớm nhất”.