Nửa hồn thương đau - Đỉnh cao của nỗi đau trong tâm hồn của Phạm Đình Chương - Ca sỹ Họa My:
Đó là giai đoạn những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước. Bấy giờ vợ chồng Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc nổi tiếng khắp miền Nam – Bắc, bỗng nhiên trở thành tâm điểm của dư luận và báo chí bởi một cuộc li hôn đầy tai tiếng, chấn động.
Và hơn ai hết nỗi đau đớn tột cùng này Phạm Đình Chương đã không ngờ đến. Đó là thời gian đầu ông nghe tin phong thanh rằng Khánh Ngọc đã có một người đàn ông khác.
Tuy nhiên vì tình yêu vợ của ông quá lớn, ông không tin rằng vợ mình đang có những chuyện tày trời như thế và hai vợ chồng đang có đứa con nhỏ hơn 4 tuổi nên Phạm Đình Chương đã bỏ ngoài tai những lời đồn đại vô căn cứ, hơn ai hết ông hiểu rằng cái đời “xướng ca vô loài” này đối diện với những tai tiêng của dư luận sẽ như thế nào.
Do đó ông đã có một thời gian im lặng mà sống, tránh tiếp xúc với những câu hỏi của dư luận, báo chí về việc này.
Thế nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, một buổi tối định mệnh, theo yêu cầu của một người bạn thân, Phạm Đình Chương đã có mặt và bắt quả tang vợ mình đang cùng nhân tình “ăn chè” ở tận miệt Nhà Bè – vùng ven Sài Gòn.
Nỗi đau đớn nhân lên gấp bội, khi nhân tình của Khánh Ngọc không ai khác chính là một thành viên trong gia đình của ông, một mối quan hệ cay đắng và oan nghiệt.
Thời điểm ấy trời đất như sụp đổ dưới chân Phạm Đình Chương, nhờ có người bạn dìu, ông mới gắng gượng ra về với cõi lòng tan nát.
Ngay hôm sau và liên tiếp nhiều ngày cái “kỳ án ăn chè Nhà Bè” được báo chí lá cải Sài Gòn khai thác triệt để, với những hình ảnh nóng hổi cập nhật từng ngày, bởi vì những người trong cuộc này không ai khác đều là những người nổi tiếng lẫy lừng, là các thành viên trong một gia đình tài tử danh tiếng.
Trở về với đứa con thơ hơn 4 tuổi, Phạm Đình Chương đã khóc hết nước mắt cho một bi kịch gia đình. Sau đó ông gạt nước mắt, đâm đơn ra tòa xin li dị. Cuối cùng tòa phán quyết thuận tình cho ông li hôn và ông cũng được quyền nuôi đứa con chung của hai người.
Thế là sau đó, cuộc đời Phạm Đình Chương đã chuyển sang một lối rẽ khác, những nỗi buồn luôn thường trực. Ông không còn tâm trạng để cùng ban hợp ca Thăng Long phục vụ khán giả, ông tách biệt với thế giới bên ngoài.
Và đó cũng là bước ngoặt ông chuyển hướng sáng tác, đem những nỗi buồn của mình gửi gắm vào những bài tình ca đầy tâm trạng như: “Người đi qua đời tôi”, “Đêm cuối cùng”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”…
Có giai thoại kể rằng, trong một đêm mưa buồn, ông tình cờ đến giải khuây ở sân khấu Đại Nhạc Hội. Không ngờ tại đây ông gặp lại người xưa, tức ca sĩ Khánh Ngọc đang biểu diễn.
Kết thúc đêm diễn, trời đang mưa như trút nước giữa đường phối Sài Gòn, đêm lại buồn hiu hắt ông tiếp cận và ngỏ lời muốn đưa vợ cũ về nhà. Thế nhưng Khánh Ngọc từ chối. Ông lặng lẽ đi dưới trời mưa về nhà với ngổn ngang những tâm trạng buồn bã và ký ức miền hạnh phúc với người đàn bà trong cuộc đời đã vụt qua đời mình.
Có giai thoại kể rằng, trong đêm đó khi về đến nhà, Phạm Đình Chương buồn day dứt, ngay thời khắc ấy ông nghĩ đến quyết định quyên sinh. Thế nhưng giữa đêm mưa gió, nghe tiếng đứa con trai bé bỏng đang khóc thế là ông trở lại với thực tại, quên đi cái ý nghĩ rồ dại kia.
Cũng trong cái đêm đó, khi mà nỗi buồn bi kịch gia đình, hôn nhân tan vỡ khuấy động trong lòng Phạm Đình Chương thì những lời thơ của bài “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền lại vang lên trong lòng ông.
Những lời thơ như đánh động trúng tâm hồn đơn điệu, bi kịch của ông và trong đêm mưa gió bão bùng của lòng người, mượn một phần lời thơ của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương đã viết một mạch nên tình ca bất hủ “Nửa hồn thương đau”, thể hiện nỗi đau đớn lớn nhất trong cuộc đời ông.
Sau năm 1975, Phạm Đình Chương xuất ngoại, định cư tại Mỹ và mất tại đây. Trước đó vợ cũ của ông, nữ ca sĩ Khánh Ngọc cũng sang Mỹ và đã có một gia đình mới. Có nhiều lời kể, thi thoảng vô tình nghe nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của chồng cũ vang lên ở xứ người, bà đã lấy tay quệt vội những giọt nước mắt.
Đời người đã qua, nỗi đau cũng đã trở thành miền quá vãng và những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương để lại cho đời đến nay vẫn còn vang vọng.