Chả là sau khi chuyển nhà, kiếm được cái nhà có ban công rộng thế là nảy sinh ý định trồng cây, ban đầu là 1 cây lan mua về và cứ thế nó lại khơi gợi trong em niềm đam mê trồng lan từ bé. Hồi bé, chưa có điều kiện, chưa được đi nhiều cứ thấy cô dì chú bác họ hàng nhà ai có cây lan là kiểu gì cũng xin 1 nhánh về trông nhưng cũng chả có là bao nên giờ lại bắt đầu tích tụ sưu tầm thêm các loại mà chưa có kinh nghiệm gì mấy về trồng và chăm sóc lan. Em mạo muội lập topic này đề kính các cụ cao niên trồng hoa vào chia sẻ kinh nghiệm chơi lan với ạ.
Nhân tiện em chia sẻ mấy cây lan mới mua về trồng ạ.
Mới tập trồng lan, thường mọi người đều lo rễ nó bị khô nên "ấp ủ" nó ra trò
. Cụ nhà em ở quê mấy năm liền được biếu mấy giò Đai châu với Hồ điệp vào dịp tết, mặc nhiên nghĩ lan cũng như hoa nhài, hoa sói ... nên còn bổ xung cho nó bã chè với ... phân gà
. Lúc em phát hiện ra thì rễ không còn một chiếc nào, lá cũ mỗi giò còn một hai chiếc quắt queo.
Bản thân em cũng chẳng có kinh nghiệm gì nên nếu có ý kiến thì cụ cũng chẳng nghe, vậy nên em phải ra Hoàng Hoa Thám mua một đống đủ các loại về thử nghiệm. Gần một năm nay vừa thử vừa học hỏi nên số lan còn lại của em phát triển tốt, chưa có hoa nhưng rễ rất đều. Cụ già em cũng đồng ý bàn giao cho em giò lan cuối cùng của cụ còn sống sót
.
Vấn đề em học được là:
Cây lan thuộc dòng thực vật chịu hạn, lá không mở những lỗ biểu bì khi quang hợp vào ban ngày nên ít mất nước qua lá. Bù lại, ban đêm lá lan sẽ mở để hô hấp. Cái này giống với nhiều loại thực vật chịu hạn khác như lá bỏng, quỳnh, xương rồng ...
Rễ lan có vỏ ngoài là một lớp mô xốp rất dày, rễ hút hơi ẩm từ không khí, chứa trong những mô xốp này để cung cấp nước cho lan.
Nhánh lan không có mẩu rễ nào, nếu không tiếp tục mọc được ra rễ khác tất nhiên lá sẽ héo dần rồi chết. Nhưng chỉ cần một mẩu rễ ngắn còn sống cũng đủ để nhánh lan sống lay lắt cả năm. Đặc biệt, mẩu rễ này chẳng cần phải chạm vào bất cứ thứ gì, thậm chí chẳng cần tưới nếu treo ở chỗ không quá nắng, quá khô. cái này thấy rõ trên những nhánh Đai châu ghép gỗ nhãn, thậm chí ghép đá, thậm chí treo lửng lơ chẳng ghép vào đâu
Tất nhiên, đủ nước sẽ làm cho Lan phát triển tốt và nhanh. Môi trường vườn lan công nghiệp có mái kính, lưới che hoặc môi trường ẩm thấp trong rừng rậm dưới tán cây là môi trường lý tưởng cho lan, mình tự trồng chơi khó mà duy trì được độ ẩm như vậy nên cây lan thường phát triển chậm hơn nhiều. Để trồng lan trên ban công, sân thượng, ngoài che nắng thì tốt nhất là phải tưới liên tục suốt ngày, tối thiểu cũng 2 lần nếu trời không mưa.
Câu hỏi là, tại sao không che kín rễ lan bằng rong nhật, xơ dừa ... và các chất giữ ẩm khác để giữ độ ẩm cho lan mà không cần phải tưới quá thường xuyên? Câu trả lời là, nếu ẩm ướt thường xuyên như ở trong mớ xơ dừa, rong nhật, rễ lan sẽ ra nhanh và ... chết
. Kết quả là sau cả năm cây lan vẫn còi vì chẳng có cái rễ nào. Cái này em đã thử với cả Đai châu và Hồ điệp, chỉ sau khoảng 2 tuần (không phải mùa nghỉ của lan) rễ đã nhú ra khắp nơi, nhưng không cái nào dài được quá ngón tay, thậm chí có cái chỉ ra được khoảng 1cm đã thâm đen.
Nguyên nhân là do nấm và vi khuẩn. Nước và độ ẩm cao tốt cho Lan nhưng lại làm cho những thứ này cũng phát triển nhanh và chén luôn rễ lan khi vừa mới mọc.
Để ý những chậu Hồ điệp bán tết đều được trồng trong rong nhật, bịch nilon khoét lỗ dưới đáy. Độ ẩm ướt của rong nhật tất nhiên rất cao, nhưng cây Hồ điệp bán chợ vẫn rất to và hoa đẹp. Bới bịch rong nhật ra thấy rễ rất nhiều và không thối. Em đoán nhà vườn chuyên nghiệp họ vừa khống chế được độ ẩm khi tưới, vừa có thuốc kích thích để Lan phát triển rất nhanh, ngược lại có thuốc diệt nấm, diệt khuẩn hoặc giữ môi trường thực sự vô trùng để sự xâm nhập của vi khuẩn với nấm không kịp sự phát triển của cây lan.