[CCCĐ] Nhà em xuyên 4/5 Việt (5110 km) trong 15 ngày

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Chào các cụ mợ, em đọc các chuyến đi của các cụ mợ đã từ rất lâu rồi, thấy thích quá nhưng mãi năm nay mới sắp xếp để làm 1 chuyến. Em xin ít đất để log lại chuyến đi của em ở đây ạ.
Days 0: Chuẩn bị.
Công tác chuẩn bị diễn ra trước ngày xuất phát hơn 1 tháng.
- Xe: Vì con xe của em cũ kỹ (Ford Escape 2009) nên phải cẩn thận để không phải nằm đường. Cứ mỗi cuối tuần làm một hạng mục. Từ đèn chiếu sáng đến dàn gầm đều được kiểm tra và kiện toàn để đảm bảo vận hành an toàn. Hệ thống điều hòa được vệ sinh, thay phin lọc, bổ sung gas và tháo táp lô để xử lý tối ưu, loại bỏ luồng gió quẩn bên trong dẫn đến kém mát. Trần nỉ được tháo để gắn thêm một lớp vật liệu cách nhiệt nhằm giảm nhiệt cho những ngày qua miền Trung-Tây Nguyên nắng nóng.
-Quần áo: mỗi người 5 bộ, kèm 1 áo khoác, mũ nón, giày, dép, …
-Đồ ăn vặt như bánh kẹo, nước uống, … mua vừa đủ dùng trong 2-3 ngày, dự định hết thì mua dọc đường vì Winmart có ở khắp nơi.
-Đồ vệ sinh cá nhân: kem đánh răng, dao cạo râu, …
-Túi thuốc đau đầu, hạ sốt, đau bụng…
-Bộ đàm, pin sạc dự phòng.
-Sắp xếp thời gian trùng khớp lịch nghỉ mát của đa số thành viên đoàn. Thống nhất lịch trình, đặt phòng tại các điểm đến.

Một số hình ảnh:
1. Bảo dưỡng hệ gầm gồm có thay bộ càng A Moog, bảo dưỡng láp, thay toàn bộ rotuyn lái trong ngoài, rotuyn cân bằng, cao su cân bằng, ...
1.jpg
2.jpg


2. Sau đó thì cân chỉnh chụm:
3.jpg
4.jpg
5.jpg

3. Tháo nỉ trần, lót thêm 1 tấm cách nhiệt Cát Tường loại dày nhất để chống hơi nóng trực tiếp phả vào đầu
6.jpg

4. Thay cặp bóng xenon gầm thành 5500K vì cặp 3000K đã già
7.jpg

5. Vệ sinh bảo dưỡng điều hòa chỗ Tỵ - cuối đường Thành Thái - gần Công viên Cầu Giấy
8.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 1: Hà Nội-Đồng Hới (500km).
Xăng đổ đầy bình, reset trip.
Đoàn 2 nhà-2 xe tập trung trước lối lên đường trên cao đầu Nguyễn Xiển để xuất phát lúc 6h15, muộn 45p so với kế hoạch ra khỏi thành phố trước 6h phòng tắc đường, dù đang ngày Thứ Bảy.
Từ Hà Nội đi Thanh Hóa giờ toàn cao tốc, đường vắng, đẹp. Nói chung là nhàn. Chạy đều chân mất 2 tiếng, 8h15 đã ăn sáng ở chợ Vườn Hoa, tp Thanh Hóa.
Chặng Thanh Hóa-Vinh đường khá đẹp, biển báo rõ ràng, 11h30 đoàn có mặt tại Vinh nghỉ ăn trưa.
Chặng Vinh-Đồng Hới đã quen thuộc nhưng vẫn chạy từ tốn vì từ Nghệ An đến Quảng Ngãi nổi tiếng bắn rát và cơ bản là đi chơi nên không cần phải vội.
Mất 3 tiếng để có mặt checkin khách sạn tại Đồng Hới lúc 16h. Tắm táp nghỉ ngơi ăn uống.
Ngày đầu tiên chỉ đi và đi.

Một số hình ảnh:
1. Đoạn cao tốc Mai Sơn-QL45 đường đẹp, giới hạn tốc độ 80km/h đủ dùng. Quan trọng là tránh được Tam Điệp, Bỉm Sơn và Hà Trung. Rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi tp Thanh Hóa từ khoảng 3 tiếng xuống còn 2 tiếng.
1.jpg


2. Từ Vinh đi Kỳ Anh đường thoáng, đường tránh Kỳ Anh hơi xấu, nhiều biển cấm vượt. Từ Kỳ Anh đi Quảng Bình đường đẹp hơn. Camera cắm khá dày.
2.jpg


3. Tới QB lúc 16h00, checkin khách sạn, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi đi ăn uống. Đây là ảnh em chụp sáng ngày hôm sau, khi đi trượt cát về.
3.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 2: Đồng Hới-Đà Nẵng (300km)
Cả đoàn dậy từ 5h30 sáng để tranh thủ cho trẻ con đi trượt cát khi nắng chưa lên. 7h30 đã về ăn bánh canh ở trung tâm thành phố.
Đoàn rời Đồng Hới lúc 8h, bọn em chọn cung đường Hồ Chí Minh để viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Gio Linh-Quảng Trị).
Đường mòn đoạn này khá đẹp, ít xe cộ, kể cả xe máy vì dân cư thưa thớt, thỉnh thoảng mới gặp xe container, xe chở đất và để vượt một đoàn vài xe như vậy khá mất thời gian vì phải chờ tới đoạn đủ điều kiện an toàn (hết cua, dốc, …).
Sau 45 phút thắp hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, 11h15 đoàn tiếp tục chạy đường mòn thêm khoảng 20km để vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Cao tốc này không có dải phân cách cứng, mỗi chiều chỉ một làn xe chạy nên tốc độ tối đa bị hạn chế còn 80km/h. Cứ cách khoảng vài km lại có đoạn cho phép vượt và liên tiếp có biển chỉ dẫn còn bao xa thì tới đoạn được vượt để người đi đường đỡ sốt ruột khi đi sau xe tải nặng. Với mình đường xá vậy là quá được. Hiện tại cao tốc đoạn này đang được miễn phí.
Chạy cao tốc khoảng 100km thì tới La Sơn, đoàn nghỉ ăn trưa rồi đi theo QL1A lên đến đỉnh đèo Hải Vân lúc 15h30.
Hải Vân Quan đang được tu sửa nên không leo lên ngắm cảnh được, so với hồi tháng 4/2019 em qua thì quán xá mọc lên nhiều hơn. Phía cuối, đối diện Hải Vân Quan có 1 quán sâu phía bên trong có view rất chill, bao quát toàn bộ Vịnh Đà Nẵng.
17h30 đoàn tới homestay là một chung cư ven biển đầy đủ tiện ích để checkin, tắm biển, ăn tối, giặt giũ, phơi phóng.

Một số hình ảnh:
1. Cổng vào nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
1.jpg

2. Một cảnh trên đường CT Cam Lộ - La Sơn
2.jpg

3. Đỉnh đèo Hải Vân nhìn về phía Huế
3.1.jpeg

4. Đỉnh đèo Hải Vân nhìn về phía Đà Nẵng
3.2.jpeg

5. Hải Vân Quan đang được tu sửa
4.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 3: Đà Nẵng-Kon Tum (350km)
Rời Đà Nẵng lúc 7h sáng. Đoàn em chạy theo QL14 hướng đi ngã ba Ngọc Hồi-Kon Tum. Mất khoảng 40km đoạn đèo Lò Xo, ranh giới giữa Quảng Nam và Kon Tum, đường bê tông xuống cấp nên cứ vài km lại gặp những đoạn đang tu sửa ở một chiều đường.
Đèo Lò Xo không khó đi với xe con nhưng với xe tải thì khác vì nhiều đoạn dốc dài. Nên chủ động nhường đường trước các đoạn đang sửa để xe tải không bị mất đà khi leo dốc.
11h30 có mặt tại ngã ba Ngọc Hồi-Kon Tum. Vợ em xuống mua bơ, sầu riêng và khen ngon mà giá thì siêu rẻ.
Em chọn ăn trưa ở quán cơm dành cho xe tải. Các cụ đi đường dài chịu khó quan sát quán cơm nào xe tải đỗ nhiều thì thường ngon bổ rẻ. Tránh những quán đông xe khách dừng đỗ, những chỗ như vậy đa phần nhộm nhoạm.
Từ quán cơm lên cửa khẩu Bờ Y theo lối chị Google chỉ khoảng 30km đường dốc quanh co, vắng ngắt, suốt chặng mỗi 2 xe nối đuôi nhau, chỉ sợ cướp. Các cụ có đi cung này thì từ quán cơm chạy thêm 5km rồi mới rẽ vào QL40 đường dễ đi và yên tâm hơn.
13h30 checkin tại cửa khẩu. Các chú bộ đội nhiệt tình chỉ lối lên cột mốc với 30p chạy xe. Đường lên cột mốc dốc quanh co được đổ bê tông, kiểu độc đạo, giữa đường mà gặp xe ngược chiều thì tránh nhau cũng vất vả. Hên là không gặp ai.
Đứng bên cột mốc biên giới bao giờ cũng có cảm xúc thiêng liêng bởi niềm tự tôn dân tộc. Khác với các lần khi tham quan các cột mốc biên giới phía bắc, nơi này cho mình cảm giác an toàn và tin cậy hơn rất nhiều. Cao điểm 1.086m, không khí trong mát, đứng đây có tầm nhìn bao quát cả 3 nước: Việt Nam-Lào-Campuchia, tất thảy đều đẹp và hùng vĩ cả.
Tới Kon Tum lúc 16h, trời mưa rả rích. Đoàn vẫn quyết định tham quan nhà rông và cầu treo Konklor trước khi về khách sạn.
Buổi tối trời mưa to. Sau khi đi ăn xong, mấy cô cháu rủ nhau đi ăn kem. Em ngủ sớm lấy sức mai chạy tiếp.

Một số hình ảnh:
1.QL14 đoạn đầu khá đẹp
1.1.jpeg

2. Đến đoạn trước và sau Phước Sơn bắt đầu xấu
1.2.jpeg
2.jpg

3. Một quán cơm xe tải ở ngã 3 Ngọc Hồi - Kon Tum
3.1.jpg

4. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y
3.2.jpeg

5. Cột mốc biên giới Ngã 3 Đông Dương
4.jpg

6. Bắt đầu vào thành phố Kon Tum
5.1.jpeg
5.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 4: Kon Tum-Buôn Ma Thuột (230km)
Cơn mưa tối hôm trước làm cho trời se lạnh hoặc có thể thời tiết buổi sáng ở đây vốn dĩ đã vậy. Rất dễ chịu.
Đoàn khởi hành lúc 7h, sau bữa sáng tại một hàng bánh đa cua trên đường Hùng Vương-Kon Tum, bánh đa cua ở đây dễ ăn, không bị ngọt, nhiều rau, nhiều ớt. Nói chung là ăn được.
8h-8h45 tham quan hồ T’Nưng-Biển Hồ Pleiku, Google cho biết hồ được hình thành bởi 3 miệng núi lửa cổ thông với nhau, điểm sâu nhất lên tới 20m và hầu như không bao giờ cạn, là thắng cảnh và nguồn nước sinh hoạt cho người dân toàn thành phố Pleiku.
9h15-10h tới học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Khuyến cáo các bạn trẻ là nữ nếu có dịp đi qua thì không nên vào đây vì sau khi ngắm dàn cầu thủ về lại chán bạn trai không biết chừng. Đoạn này đường vẫn đẹp nhưng nhiều sương mù. Không khí vẫn mát dịu như đang đi mạn Tây Bắc vào tiết tháng 3.
Đường tránh Buôn Hồ dài 30km, nhiều đoạn xuyên rừng cao su tuyệt đẹp. Tại các điểm giao cắt có biển hạn chế tốc độ 40km/h, đồng bào vùng này uy tín, viết rõ bằng sơn trắng dưới lòng đường dòng chữ cảnh báo "bắn tốc độ" khiến anh em chạy xe qua đây ai nấy cảm thấy hoan hỉ, ấm lòng.
Tới Buôn Ma Thuột lúc 13h15, sát giờ như dự tính. Để hai nhà xuống quán ăn trưa, em vào hàng cafe bên cạnh để tham gia một cuộc họp từ 13h30-15h. Bên ngoài trời lại đổ cơn mưa rào.
Họp xong vừa lúc trời tạnh ráo, đoàn nhổ neo tới bảo tàng "thế giới cà phê" để tìm hiểu tinh thần, tư tưởng của Mr. Đặng Lê Nguyên Vũ và khát vọng mang cafe Tây Nguyên hay rộng hơn là cafe Việt Nam ra thế giới.
Dạo một vòng quanh Buôn Ma Thuột đến khi trời xẩm tối, đoàn checkin homestay là một căn hộ chung cư tại trung tâm thành phố. Bạn hậu cần đã tính toán rất thông minh khi cứ cách 2 ngày lại thuê căn hộ để ở vì có thể thoải mái giặt giũ, phơi phóng.
Kết thúc ngày thứ tư với ấn tượng về con người ở đây mặc dù mới tiếp xúc không nhiều: họ thân thiện, nhiệt tình và dễ gần.

Một số hình ảnh:
1. Đang trên đường tới Biển Hồ thì thấy một dải mây vắt qua núi đẹp quá nên em dừng chộp mấy bức, điện thoại cùi bắp nên không thể hiện được hết các cụ ạ
1.jpeg

2. Một góc Biển Hồ Pleiku, ở đây không khí buổi sáng mát rượi
2.jpeg

3. CT02 đoạn qua CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, sương mù như đường Tây Bắc
3.jpeg
4.jpeg

4. QL14 qua Chư Sê-Gia Lai
5.jpeg

5. Đường tránh Buôn Hồ
6.jpeg
7.jpeg
8.1.jpeg
8.jpeg

6. Bảo tàng thế giới cafe - Buôn Ma Thuôt
9.1.jpeg
9.2.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 5: Buôn Ma Thuột-Đà Lạt (200km).
“Đến thủ phủ cà phê mà không được thưởng thức một ly thì quá phí” vì nghe lời rủ rê mà "bạn gái cùng xe" say suốt hành trình hôm đấy.
Đoàn rời Buôn Ma Thuột lúc 8h, sau khoảng 1 tiếng ăn sáng và ngồi chill ở một quán cafe có không gian xanh trên đường Lê Thánh Tông-Buôn Ma Thuột.
QL27 nhiều đoạn xấu, gia súc được chăn thả rông nhiều trên đường. Anh em gặp tình huống này tránh bấm còi khi đi sát đám trâu bò vì có thể làm cho chúng hoảng sợ, lồng lên bỏ chạy tán loạn rất nguy hiểm.
Đang bon chân tới gần hồ Lắk thì bị một đồng chí CSGT vẫy lại, thoáng giật mình, xuống chào hỏi thì đồng chí chỉ nhắc nhở về cái tăng bạt treo trên nóc, hỏi han từ đâu tới, đi đâu, nhắc chạy an toàn, ... rồi cho đi. Tỉnh gì đâu mà cả anh cán bộ cũng dễ thương ^^
Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và là hồ tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Cùng với Biển Hồ và Hồ Xuân Hương, Hồ Lắk là một trong ba hồ đẹp nhất Tây Nguyên. Khí hậu nơi đây tương đối ôn hòa. Thời tiết của vùng hồ thay đổi như 4 mùa trong ngày: mát mẻ vào sáng sớm, oi nồng giữa trưa, dịu êm buổi chiều và se lạnh vào đêm (theo Google).
Đoàn ghé dinh Bảo Đại, biệt điện tọa lạc trên một ngọn đồi độc lập bên cạnh hồ Lắk. Hơi ngạc nhiên khi em lễ tân cho biết giá thuê phòng ở đây khá rẻ, khoảng 400K/đêm vào ngày thường và 600K/đêm vào cuối tuần cho phòng King.
Tới đây thì bạn gái bắt đầu say cafe. Xui đúng chặng từ ngã ba Bằng Lăng qua lần lượt đèo Chuối, đèo Phi Liêng tới Phú Sơn khoảng 40km đường xấu nhất trong 5 ngày, xấu hơn rất nhiều so với đoạn đèo Lò Xo từ Quảng Nam đi Kon Tum nên càng say.
Có khi cả đoàn xe dài bò sau một chiếc xe tải nặng cả 5-7km không vượt được vì đường hẹp và nhiều khúc cua. Được cái các bác xe tải đường dài rất lịch sự vì đến đoạn đủ an toàn thì có tín hiệu nhường cho xe sau vượt lên.
Dừng nghỉ ăn trưa cuối Đam Rông đến 13h, chạy tiếp qua cầu Đạ Đờn 500m thì rẽ trái, rời QL27 đi vào đường nhỏ qua xã Phi Tô để đến Đà Lạt. Đoạn này dài khoảng 50km, đường đẹp và ít xe.
Checkin khách sạn ở Đà Lạt lúc 15h, trời bắt đầu mưa như trút, cơn mưa đến nhanh và cũng tạnh rất nhanh. Chặng đường hôm nay ngắn nhất nhưng xấu nhất nên chạy mất nhiều thời gian và khá mệt, nhất là với bạn say cafe.
Đà Lạt buổi tối lạnh, điện thoại báo khoảng 18-20 độ C, người hơi run run vì vẫn mặc áo cộc tay từ chiều.
Bữa tốt được chọn là món lẩu gà lá é trong một quán nhỏ, ấm cúng trên đường Lê Đại Hành-con đường dốc dẫn từ nhà thờ Chính tòa Đà Lạt tới bờ Hồ Xuân Hương-trung tâm thành phố.
Sau bữa tối, đoàn chia hai nhóm, một nhóm đi tham quan chợ đêm, ... một nhóm về phòng nghỉ.

Một số hình ảnh:
1. Mình gọi ly cafe đen đá nhiều gấp đôi bình thường để mang đi uống dọc đường.
IMG_1117.jpeg


2. Ra khỏi BMT bắt đầu gặp gia súc thả rông nhiều. Có đoạn khi em đang đi giữa đàn bò đông thế này thì một cụ Everest đi sau bấm còi giục dã. May mà đàn bò không lồng lên:-ss
IMG_1127.jpeg


3. Dinh Bảo Đại bên hồ Lắk
IMG_1133.jpeg


4. Đèo Chuối, một con đèo khá dốc và quanh co. Xe tải phía trước chạy chậm làm cả đoàn nối đuôi nhau theo sau một đoạn khá dài
IMG_1139.jpeg


5. Đoàn tới Đà Lạt thì trời bắt đầu đổ mưa
IMG_1155.jpeg

6. Kiểu nhà như thế này được bắt gặp rất nhiều:
IMG_1177.jpeg

IMG_1401.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 6: Đà Lạt-TP Hồ Chí Minh (320km)
5h sáng đã bị đánh thức kèm lời dụ dỗ đi ngắm Đà Lạt bởi “bạn gái. Hai vợ chồng làm một tour ngắn quanh thành phố trong khi hai bạn con vẫn đang say ngủ.
Đà Lạt sáng sớm se lạnh và thanh bình như vẫn thường được nhắc đến trong sách vở. Thành phố trên cao nguyên này hấp dẫn bởi mờ ảo trong sương những con đường uốn lượn, những hẻm nhỏ rêu phong và những ngôi nhà có kiểu dáng cổ lẻ loi bên đường vắng, khiến cho lữ khách đi qua vương một chút gì đó buồn man mác.
Đoàn rời Đà Lạt lúc 10h, sau khi ghé thăm XQ sử quán-làng nghề tranh thêu Đà Lạt.
Mình chọn đường theo Google Maps gợi ý đi lối QL28B rồi nhập vào ĐCT Vĩnh Hảo-Phan Thiết để được nhanh hơn 20 phút. Tuy nhiên nên cân nhắc đi QL28 qua đèo Gia Bắc đổ ra Tp Phan Thiết, nhiều khúc cua nhưng đường đẹp hơn QL28B qua đèo Đại Ninh.
Khoảng 12h đoàn nghỉ ăn trưa ở Đại Ninh.
Xuống tới cao tốc thì chạy khỏe. Đoạn Long Thành-Dầu Giây mật độ xe bắt đầu đông như nêm và các loại xe 7 chỗ từ Innova đến Sedona, đa phần biển LD, không hiểu do thói quen hay vì vội mà họ tạt đầu liên tục.
18h mới vào được thành phố sau khi tắc mất 1 tiếng ở cửa ngõ Sài Gòn.
Buổi tối đoàn có vài hoạt động trong thành phố.
Chạy xe ở Sài Gòn mệt, xe máy ở đây cứ rào rào chiếm lối một cách rất nhanh và nguy hiểm nên với mình thì việc nhập làn khó hơn chạy ở Hà Nội tương đối nhiều.

Một số hình ảnh:
1. Đà Lạt buổi sáng trong lành, mát mẻ khiến lữ khách có cảm giác thoải mái, tích cực. Là lý do để các cặp đôi chọn Đà Lạt làm nơi refresh, hâm nóng tình cảm các cụ ạ;;)
IMG_1255.jpeg

2. Khoảng 6h sáng, ngoài đường vẫn còn vắng người qua lại
IMG_1373.jpeg

3. Một quán cafe mở sớm
IMG_1382.jpeg

4. …
IMG_1437.jpeg
IMG_1498.jpeg

5. View từ đèo Đại Ninh, trên đường đi tp Hồ Chí Minh
IMG_1551.jpeg

6. Tắc đường trên cao tốc Long Thành-Dầu Giây hướng vào tp Hồ Chí Minh
IMG_1558.jpeg

IMG_1560.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 7: Tp. Hồ Chí Minh tour.
Vụ tắc đường mất 1 tiếng trên cao tốc Long Thành-Dầu Giây chiều hôm trước làm mình cảnh giác nên quyết định rời thành phố từ 6h sáng, điểm đến là khu di tích địa đạo Củ Chi.
Đường từ Sài Gòn đi Củ Chi dài khoảng 60km, đường đông nên 8h mới dừng ăn sáng ở một quán hủ tiếu nhỏ nằm trên TL7 xã An Nhơn Tây, cách nơi cần đến khoảng 10km. Đặc điểm của các hàng quán như vậy trong miền Nam là rau rất nhiều và ngon mắt, ăn hết có thể hỏi thêm mà không thấy phiền. Ấn tượng với rau đắng không bị quá đắng và có vị ngọt dịu khi ăn.
Các cụ lưu ý khi xem bản đồ, quần thể khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có 2 điểm là "Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định" và "Địa đạo Củ Chi". Nếu không có nhiều thời gian thì có thể chỉ thăm quan địa đạo vì riêng địa đạo đã mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, bao gồm cả thời gian xem phim tư liệu và đi các điểm. Nhà em đi cả hai.
Lối vào khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nằm trên đường huyện nối TL15 với DT87, gồm khu đền thờ, nhà văn bia, khu lễ, khu hồ sen, cầu đá, cảnh quan đặc trưng Tây Nam bộ.
Lối vào khu di tích địa đạo Củ Chi nằm ở mặt đường TL15. Hình thành năm 1946, được phát triển liên tục trong gần 30 năm đến ngày giải phóng Miền Nam-thống nhất đất nước. Theo số liệu thống kê đến năm 1965, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn bộ lên tới 250km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 5-8m, tầng dưới cùng sâu khoảng 12m, mạch nước ngầm xuất hiện ở độ sâu 13-15m. Kết cấu từ đường "xương sống" toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí,...
Khi đó, nơi đây chỉ cách Sài Gòn, trung tâm đầu não chế độ cũ 5-60km, dù bị đàn áp, đánh phá tàn bạo nhưng tinh thần và ý chí chiến đấu quật cường của nhân dân Củ Chi đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của cả dân tộc.
Kết thúc chuyến tham quan, đoàn được mời ăn lót dạ món khoai mì (sắn) hấp chấm muối mè (vừng), bụng đói sau một buổi vận động nhiều nên món ăn ngon trở nên thơm ngon lạ.
12h, thấy từ địa đạo Củ Chi đi Trảng Bàng-Tây Ninh khoảng 30km, mất hơn 30 phút chạy xe nên mình chọn món bánh canh, bánh tráng thịt heo cho bữa trưa. DT87 nối Củ Chi với Trảng Bàng đang được rải đá để mở rộng nên xóc và nhiều bụi, không chạy nhanh được. Nắng Tây Ninh oi bức, em dùng một chiếc khăn lớn tối màu vắt lên táp lô để hạn chế hơi nóng do mặt trời chiếu qua kính lái táp lên mặt khá hiệu quả.
Ăn trưa và nghỉ ngơi từ 13h-14h.
Chặng Trảng Bàng về Sài Gòn theo QL22 qua An Sương đường đông, đi chậm.
Tới dinh Độc Lập lúc 15h30, kịp mua vé tham quan. Mình đi Sài Gòn nhiều lần, chủ yếu do công việc. Lần này vào mới chính thức tìm hiểu sâu hơn, về kiến trúc, lịch sử hình thành và các sự kiện lịch sử gắn liền với dinh.
Không kịp tham quan bảo tàng chứng tích chiến tranh ngay cạnh dinh Độc Lập, nhưng thấy cũng vừa đủ thông tin cho trẻ con kịp nạp vào trí nhớ rồi.
Buổi tối mấy cô cháu rủ nhau đi chơi, mình bận xử lý mấy việc rồi nghỉ sớm.

Một số hình ảnh:
1. Mới ngoài 6h sáng Thứ Bảy nhưng đường xá đã rất đông đúc
IMG_1571.jpeg


2. Em rất thích phong cách của các hàng ăn miền Nam. Dù vỉa hè nhưng thái độ phục vụ rất tốt
IMG_1574.jpeg


3. Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định
IMG_1589.jpeg


4. Khu địa đạo Củ Chi
IMG_1405.jpeg
IMG_1421.jpeg
IMG_1620.jpeg
IMG_1631.jpeg
IMG_1636.jpeg


5. Một quán bánh canh ở Trảng Bàng
IMG_1661.jpeg


6. QL22 về Sài Gòn lại đông đúc
IMG_1663.jpeg


7. Vài hình ảnh trong dinh Độc Lập
IMG_1676.jpeg
IMG_1679.jpeg

IMG_1478.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 8: Tp. Hồ Chí Minh-Mũi Cà Mau-Tp. Cà Mau (520km)
6h30 xuất phát, đi hết đường Nguyễn Văn Linh rẽ vào QL1A đổ xăng, vừa quay ra thì bị CSGT vẫy. Lỗi không chấp hành biển cấm quay đầu.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 100km, đường đẹp, đoạn đầu hạn chế tốc độ 80km/h, đoạn sau cho phép 120km/h. Cả chặng hết khoảng hơn 1 tiếng.
QL1A từ Mỹ Thuận đi tp. Ngã Bảy-Hậu Giang dài 90km qua 3 tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang. Phần lớn là đường 2 chiều có dải phân cách cứng. Cả chặng hết 1 tiếng rưỡi, đi nhàn.
Đường Quán Lộ-Phụng Hiệp nối tp. Ngã Bảy với tp. Cà Mau dài 110km, đường 2 chiều, mỗi chiều 1 làn xe, mặt đường láng mịn, không có dải phân cách cứng, nhiều biển cấm vượt. Thời gian chạy khoảng 2 tiếng.
Vì không có núi và nhà dân 2 bên thấp, thưa thớt nên tầm nhìn thoáng, chạy xe dưới "trời xanh, mây trắng, nắng vàng" cảm giác chill.
Tới tp. Cà Mau lúc 12h30, vào quán chưa kịp gọi món thì trời đổ cơn mưa rào. Xe số 3 nhà anh bạn hẹn từ Sài Gòn cũng vừa tới.
Ăn xong thì trời vừa tạnh, đoàn lại nhập vào QL1A đi mũi Cà Mau, chặng này dài 110km. Đường xấu, xuống cấp, mặt đường rỗ nhiều nên không chạy nhanh được.
Cà Mau nhiều kênh rạch, cầu cũng đặc biệt. Phần giữa cầu thường được nâng cao, mình đoán để tàu thuyền dễ đi qua hơn, nhưng mố cầu cũng được làm cao lên thì không hiểu. Mỗi lần xe qua không kịp giảm tốc thì phần phía trước xe bị nẩy tung lên. Các xe gầm thấp rất dễ bị bung ba đờ sốc.
Qua Năm Căn, càng gần Đất Mũi thì càng thấy rõ nét đặc trưng rừng ngập mặn với chủ yếu là đước và mắm, một thể hiện của sức sống mãnh liệt với giá trị lấn biển giữ đất của hai loài cây này.
Một điều thú vị, nếu ai đã từng đi Trà Cổ-Móng Cái-Quảng Ninh hẳn đã checkin tại cột mốc ghi "Từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3,260km". Có 2 điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, chỉ số 3,260km là chiều dài đường bờ biển nước ta tính từ Móng Cái-Quảng Ninh tới Hà Tiên-Kiên Giang (chưa tính đường bờ biển của các hải đảo), chứ không phải là chiều dài đường bộ từ Trà Cổ tới mũi Cà Mau.
Thứ hai, có lẽ vì vậy mà ở Mũi Cà Mau không có cột mốc đối ứng với cột mốc ở Trà Cổ mà chỉ có cột mốc đánh dấu điểm cuối đường Hồ Chí Minh, dài 2,436km tính từ Pác Bó-Cao Bằng đến Đất Mũi-Cà Mau.
Tham quan Đất Mũi xong thì trời xẩm tối. Khoảng 19h, sau khi review chỗ ăn ở tại đây không ổn, cả đoàn chạy về Năm Căn ăn tối. Đây là nơi duy nhất mà đoàn không đặt trước chỗ nghỉ đêm.
Từ Mũi ra Năm Căn khoảng 50km, đường vắng và trời tối nhanh, không có đèn đường nên chạy ghê ghê. Giờ đoàn đã có 3 nhà, những câu chuyện tán dóc qua bộ đàm khiến cho đường về như gần hơn.
Ăn tối xong thì 20h30, hôm nay chạy nhiều nên cơn buồn ngủ đến sớm. Dọc đường phải rửa mặt mấy lần bằng nước đóng chai cho tỉnh táo.
Vừa đỗ xe ở một khách sạn nằm trên đường Trần Hưng Đạo-tp. Cà Mau thì trời lại đổ cơn mưa như trút nước. Mưa to đến nỗi mình phải hỏi chú bảo vệ đến 2 lần là đã bao giờ chỗ này ngập chưa và đều nhận được câu khẳng định: chưa bao giờ.
Quá nửa chặng đường di chuyển thuận lợi, kể cả thời tiết, như lúc này, về đến chỗ nghỉ thì trời mới mưa to.

Một số hình ảnh:
1. Cao tốc tp HCM-Trung Lương đoạn hạn chế tốc độ 80km/h
IMG_1732.jpeg


2. Từ Mỹ Thuận đi tp Ngã Bảy đường 2 chiều có dải phân cách cứng
IMG_1740.jpeg
IMG_1742.jpeg
IMG_1769.jpeg


3. Từ tp Ngã Bảy đi tp Cà Mau đường 2 chiều không có phân cách cứng. Đoạn nào vạch liền mà chạy sau xe tập lái là hơi sốt ruột
IMG_1772.jpeg
IMG_1776.jpeg
IMG_1777.jpeg
IMG_1783.jpeg


4. Từ tp Cà Mau đi Đất Mũi đường không còn đẹp nên đi chậm
IMG_1806.jpeg


5. Một số hình ảnh ở Đất Mũi
IMG_1849.jpeg
IMG_1888.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 9: Tp. Cà Mau-Tp. Vũng Tàu (400km).
Đoàn rời thành phố lúc 7h.
Từ Cà Mau đi Sài Gòn theo đường cũ. Trời vẫn đẹp như ngày hôm trước. Không có gì để kể.
12h, khi qua trạm thu phí cao tốc Trung Lương-tp. Hồ Chí Minh, mình buồn ngủ rũ nên nhờ bạn gái cầm lái rồi ra băng sau ngả lưng chút. Đoạn này giới hạn tốc độ 80km/h, đang lim dim thì có cảm giác chạy hơi nhanh, ngó đồng hồ thấy đang chạy gần 100, giật mình “nhắc nhẹ” và tự nhiên cơn buồn ngủ biến đâu mất, ngồi canh biển báo cho tài xế.
Chặng tp. Hồ Chí Minh đi Long Thành cho chạy 120km/h. Đường thoáng nên khoảng 13h30 đã ra lối Long Thành nghỉ ngơi, ăn uống.
QL51 từ Long Thành đi Bà Rịa Vũng Tàu có 4 làn xe chạy, đường lớn vậy nhưng chiều ngược lại tắc dài phải đến 10km. Phía trên cao biển báo rõ ràng và camera khá dày, gặp 2 chốt CSGT dùng súng bắn tốc độ công khai.
16h, tp. Vũng Tàu đón đoàn bằng một cơn mưa xối xả.
Checkin khách sạn và tắm biển. Biển Vũng Tàu sau mưa nước trong, sóng nhỏ, vị mặn chát ^^
Sau mấy ngày ngồi xe liên tục giờ được ngâm mình trong nước biển mát thấy thư giãn, nói chung là phê.
Vũng Tàu tối Chủ Nhật không nhiều chỗ chơi, trong phố dân tắt điện sớm, ngoài bãi cũng chỉ còn mấy hàng cafe.

Một số hình ảnh:
1. Đường từ tp Cà Mau đi tp Ngã Bảy
IMG_1917.jpeg
IMG_1931.jpeg


2. Từ tp Ngã Bảy đi Cần Thơ
IMG_1937.jpeg


3. Cầu Cần Thơ
IMG_1946.jpeg


4. Cầu Mỹ Thuận
IMG_1953.jpeg


5. ĐCT Mỹ Thuận-Trung Lương
IMG_1962.jpeg


6. Đổi lái và ngồi canh biển báo:D
IMG_1970.jpeg


7. QL51 đi Vũng Tàu
IMG_1975.jpeg
IMG_1978.jpeg


8. Biển Vũng Tàu sau mưa
IMG_1987.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 10: Tp. Vũng Tàu-Tp. Nha Trang (420km).
Hai vợ chồng dậy từ 5h sáng đi công chuyện. Trên đường về qua chợ đầu mối vợ kêu xuống mua hoa quả để ăn dọc đường. Hoa quả ở đây tươi và rẻ.
Sau bữa sáng là món bánh khọt rất ngon trên đường Hoàng Hoa Thám, đoàn rủ nhau đi Hải Đăng.
Từ hàng bánh khọt lên ngọn Hải Đăng chỉ 10 phút chạy xe, nhưng vừa leo dốc được 500m thì bắt đầu dồn ứ, xe ngược chiều thông báo phía trên tắc nghẽn nặng nên đoàn đổi lịch trình, quay lại đi thăm di tích trận địa pháo và hầm thủy lôi Núi Lớn.
Khu di tích này nguyên là trận địa pháo và hầm chứa vũ khí được quân đội Nhật Bản đưa vào sử dụng năm 1944 với mục đích phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu. Thời chống Pháp (1945 - 1954), quân và dân Vũng Tàu đã bí mật lấy hàng chục trái thủy lôi (mỗi trái nặng trên 100kg) để chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch.
10h, chia tay gia đình anh bạn về Sài Gòn, đoàn tiếp tục xuôi ra Bắc theo QL56 ra cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Chạy cao tốc chừng 70km thấy hơi chán, mình báo xe trước rồi rẽ ra Phan Thiết để chạy QL1A và đường ven biển.
Khoảng 14h tới ghềnh đá Mũi Né để tìm đồ ăn. Ngay sát ghềnh đá là bãi tập kết hải sản của dân chài trong vùng, các chậu đựng đồ biển tươi sống bày la liệt mà giá rất rẻ. Muốn ăn gì chỉ cần chọn rồi người bán chế biến tại chỗ luôn. Chủ yếu là luộc, hấp và nướng. Nên chọn luộc, hấp để cảm nhận được đúng độ tươi của hải sản.
Điểm đến tiếp theo là tháp tháp Pô Klông Garai-tp. Phan Rang-Tháp Chàm (17h).
Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Po Klong Garai, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân). Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính, tháp lửa, tháp cổng.
Đến cụm tháp đúng thời điểm hoàng hôn tuyệt đẹp. Lúc xuống, anh lái xe điện cho biết đoàn chụp ảnh lúc nãy gặp trên tháp họ ở đây cả tháng chỉ để săn những cảnh hoàng hôn như thế này.
18h30 nghỉ ăn tối ở một hàng cơm niêu thịt cừu rất ngon trên đường Trần Quang Diệu, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
22h checkin khách sạn nằm trên đường Hùng Vương, tp. Nha Trang.

Một số hình ảnh:
1. Đĩa bánh khọt Cô Ba trên đường Hoàng Hoa Thám lúc đầy đặn trông rất đẹp mắt. Đang ăn thì mới nhớ để chụp lại, các cụ mợ thông cảm ạ
IMG_2020.jpeg


2. Trận địa pháo và hầm thủy lôi, một địa điểm ít người lui tới
IMG_1698.jpeg
IMG_2030.jpeg
IMG_2041.jpeg


3. Bắt đầu vào cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, đoạn Xuân Lộc, Đồng Nai.
IMG_2048.jpeg


4. Chạy một lúc thấy hơi chán nên em quyết định rẽ ra Phan Thiết
IMG_2051.jpeg
IMG_2058.jpeg


5. Đâu đó ở Mũi Né
IMG_2059.jpeg
IMG_2080.jpeg
IMG_2096.jpeg
IMG_2123.jpeg


6. Bàu Trắng
IMG_2155.jpeg


7. Tuy Phong
IMG_2233.jpeg


8.Tháp Pô Klông Garai
IMG_2295.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 11: Tp. Nha Trang tour.
Các hoạt động chủ yếu tập trung vào buổi sáng.
1. Tham quan viện bảo tàng hải dương học trong thành phố, cách khách sạn khoảng 10 phút đi xe.
Bảo tàng có khu thấp tầng nuôi sinh vật sống được bố trí đẹp mắt để chị em selfie. Có một tòa nhà 3 tầng trưng bày nhiều hiện vật, phù hợp cho sinh viên, nghiên cứu sinh tham khảo, nghiên cứu chuyên môn. Khu ngoài trời đang trong thời gian bảo trì, một số hạng mục hơi nhếch nhác.
2. Viếng thăm khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cách tp. Nha Trang 30km về phía nam. Một số ghi nhận về sự kiệm thảm sát Gạc Ma: “Ngày 14/3/1988, khi ở đất liền người dân Việt Nam đang cử hành lễ quốc tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, thì tại Gạc Ma súng địch đã nổ và những người con đất Việt đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ một vùng Biển Đông.”
“Trước đó, đầu tháng 3/1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma.
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi đá Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc xông lên bãi đá cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ. 64 người lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.
Tàu HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm.
Tàu HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin.
Tàu HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma bị bắn chìm xuống đáy biển cùng nhiều thi thể anh em cán bộ chiến sĩ, đến nay vẫn chưa thể trục vớt được do bị phía Trung Quốc ngăn cản.
Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm và xây dựng, mở rộng trái phép từ đó.”
Cá nhân mình chưa bao giờ thích tượng đài. Nhưng với khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma thì quan điểm và thái độ hoàn toàn khác. Công trình này cần thiết phải có và đáng lẽ phải được xây dựng sớm hơn để nhiều người biết về sự kiện thảm sát Gạc Ma 1988, để nhắc nhở cho mọi thế hệ nhận thức sâu sắc về vấn đề chủ quyền biển đảo, về những rủi ro khi sống cạnh một tên khổng lồ luôn có dã tâm rập rình nhòm ngó.

Buổi chiều và tối đoàn có một vài hoạt động trong thành phố.

Một số hình ảnh:
1. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
IMG_2571.jpeg
IMG_2573.jpeg
IMG_2576.jpeg
IMG_2579.jpeg
IMG_2592.jpeg

2. Một điểm dừng đỗ trên đường từ khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma về tp Nha Trang
IMG_2607.jpeg


3. Biển Nha Trang
IMG_2618.jpeg


4. Một bát bún sứa ở Nha Trang, cá nhân em thấy không hợp khẩu vị
IMG_2609.jpeg


5. Theo chân chị em đi ăn quà tối. Phía đầu ngõ này có 1 quán chè hạt đác ăn khá ngon. Em thuộc dạng hảo ngọt nên thích đồ ăn vặt hơn nhậu nhẹt :D
IMG_2638.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 12: Tp. Nha Trang-Tp. Quy Nhơn (230km).
Ngày hôm trước mấy anh em bàn nhau về điểm cực đông Mũi Đôi-Vạn Ninh, Khánh Hòa nhưng nghiên cứu kỹ thấy di chuyển không thuận lợi nên bỏ qua, chỉ chọn Gành Đá Đĩa-Phú Yên là điểm ghé thăm duy nhất dọc đường hôm đó.
Chặng ngắn nên xuất phát muộn. Quãng đường từ Nha Trang đi Gành Đá Đĩa khoảng 150km bao gồm 130km QL1A đường đẹp, còn lại là đường liên xã mặt đường không mượt lắm. Qua hầm đèo Cả tới đất Phú Yên đã thấy bên ngoài gió rất to, xuống cây xăng xin đi nhờ vệ sinh, rửa mặt và đứng hóng gió mát rượi.
Anh em đi đường dài, nơi lạ nên ưu tiên đổ xăng của Petrolimex (có số) để chất lượng xăng được đảm bảo, tránh những rủi ro không đáng có cho động cơ.
Ghềnh đá đĩa được tạo ra bởi sự phun trào của dòng dung nham cực nóng bị co lại khi gặp nhiệt lạnh của nước biển đã hình thành nên những phiến đá kỳ thú.
Gành Đá Đĩa ở Phú Yên là 1 trong 5 ghềnh đá đĩa trên thế giới có hiện tượng nham thạch phun trào tạo ra hình thù đẹp tuyệt này cùng với núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera của Tây Ban Nha, hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay ghềnh đá đĩa Jusangjeolli của Hàn Quốc. Nói vậy để thấy khu di tích Quốc gia này đặc biệt đến mức nào.
Nước ở đây vô cùng trong mát, nên với mấy đứa trẻ, dù ban đầu không có ý định vầy nước nhưng xuống tới nơi đã lội xuống và nghịch ướt hết cả.
Từ Gành Đá Đĩa đi Quy Nhơn chỉ 80km đường ven biển, đường đẹp, cảnh đẹp. Suốt chặng không thấy một bóng CSGT.
Ăn trưa xong về khách sạn thì được thông báo mất điện do khu vực đang cắt điện luân phiên. Thời điểm này Hà Nội cũng vừa trải qua đợt cắt điện tương tự nên dễ hiểu và thông cảm. Trong khi chờ có điện, đoàn quyết định đi tham quan vài điểm trong thành phố.
Quy Nhơn ngoài các Tháp Chăm (8 cụm, 14 tháp) còn có thành Đồ Bàn, kinh đô Chiêm Thành từ thế kỷ X đến XV, hưng thịnh nhất vào thế kỷ XIV (thời vua Po Binasuor-người Việt gọi là Chế Bồng Nga) và được vua Thái Đức-Nguyễn Nhạc cho sửa chữa, đổi tên thành Hoàng Đế và sử dụng cuối thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long-Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi đã cho phá hủy thành Hoàng Đế, lấy gạch xây mộ cho công thần, chuyển đóng đô ở Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định.
Eo gió Nhơn Lý cũng là một điểm nên tới. Cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía bắc, qua cầu Thị Nại-cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (2,477.3m). Đường ít xe, cảnh đẹp, dễ đi. Eo Gió trời xanh, nước trong, cát trắng và cơ số thuyền cá đủ màu sắc tạo nên một bức tranh đẹp tuyệt. Từ làng chài Nhơn Lý có thể đi Kỳ Co, một bãi biển hoang sơ, bằng ca nô nhưng do không nhiều thời gian, mình cho trẻ con về bãi tắm Quy Nhơn để tắm biển.
Điểm cộng là ở trung tâm thành phố có nhiều chỗ đỗ xe không thu phí.
Nước biển Quy Nhơn hôm đấy không được trong mặc dù sóng nhỏ, có thể do đặc thù màu cát ở vùng này. Anh em chú ý biển cảnh báo những chỗ có dòng nước ngầm cuốn ra. Chỉ nên tắm ở nơi an toàn có dấu hiệu nhận biết được quây bằng phao dây. Người dân ở đây cũng nhiệt tình chỉ dẫn khi thấy mấy bố con lưỡng lự nên xuống tắm ở chỗ nào.
Tắm tráng cũng miễn phí chứ không như một số nơi khác.
Có một quán cafe khá hay phía ngoài bãi biển, đối diện quảng trường Nguyễn Tất Thành, buổi tối ngồi đây uống nước, vừa được nghe nhạc live, vừa ngắm sóng vỗ rì rào rất chill.

Một số hình ảnh:
1. Trên đường thi thoảng gặp một cụ ếch ộp, thấy vui vui
IMG_2646.jpeg

2. Hầm đèo Cả, khá dài (4km), ban đầu em còn nghĩ dài hơn hầm Hải Vân (6km) vì đi mãi không thấy hết. Qua hầm là đến đất Phú Yên
IMG_2665.jpeg

3. Gành Đá Đĩa
IMG_2690.jpeg
IMG_2702.jpeg
IMG_2708.jpeg


4. Tháp đôi Quy Nhơn
IMG_2755.jpeg


5. Eo gió Nhơn Lý
IMG_2763.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 13: Tp. Quy Nhơn-Tp. Huế (420km).
Từ tp. Quy Nhơn đến đầu tp. Quảng Ngãi theo QL1A khoảng 170km. Chạy hết 3 tiếng rưỡi. Đường đẹp, camera nhiều. CSGT đứng chốt cũng nhiều, cứ 50km gặp một chốt CSGT.
Chuyện hay gặp: đang chạy ở đoạn đường giới hạn tối đa 60km/h. Tự nhiên thấy một chiếc 7 chỗ biển địa phương vượt qua như một vị thần, nghĩ bụng chắc tay này là dân thổ địa, thuộc vị trí camera nên chạy tự tin vậy. Khoảng 10 phút sau đã bắt gặp cụ ấy đang gãi đầu gãi tai ở chốt CSGT phía trước. Nên các cụ đi đường chỉ nên tin vào tai mắt của mình, đừng tin vào xe khác dù có thể xe đó mang biển số vùng đó. Nếu đang ở đoạn không chắc chắn biển thì chịu khó chạy tốc độ 50/60 cho tới khi gặp biển tiếp theo. Mất thời gian tí nhưng yên tâm.
Từ tp. Quảng Ngãi đi tp. Đà Nẵng toàn tuyến cao tốc khoảng 150km. Giới hạn 120km/h, chạy hết 1 tiếng rưỡi, nhanh nhưng phí cũng mặn: xấp xỉ 200K.
Đến Đà Nẵng đúng bữa trưa nên đoàn vào thành phố để tìm chỗ ăn, dọc đường nhiều đoạn có biển phân làn hoặc biển giới hạn tốc độ 40km/h cho mọi loại xe.
Từ Đà Nẵng trở vào hay áp dụng biển cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ. Camera tự động hoặc cán bộ tuần tra chụp ảnh phạt nguội nhiều. Người dân ở đây thấy chấp hành, tuân thủ tốt.
Đường từ trung tâm tp. Đà Nẵng đi bãi biển Lăng Cô dài khoảng 30km theo QL1A qua hầm Hải Vân. Bãi tắm Lăng Cô thoải, cát trắng, nước trong. Đầu giờ chiều nắng cháy dưới bãi nhưng trong lán bên bãi biển, ngồi sải dài trên ghế tựa để uống nước dừa có thể ngủ lúc nào không biết vì gió mát.
Mình vào Huế cũng vài lần. Có lần cùng gia đình nhưng vẫn style đi và đi nên cũng chỉ kịp thăm Đại Nội và qua Vỹ Dạ ăn cơm hến rồi lại chạy. Có lần dài ngày theo chương trình nghỉ mát của công ty, nhưng không ra ngoài vào buổi tối vì lúc đó thường nhậu say mất rồi. Nên với mình Huế vẫn luôn mới mẻ.
Cố đô buổi tối được chia làm hai vùng gần như tách biệt bởi dòng sông Hương lấp loáng đèn thuyền ca Huế. Một bên là phố mới đèn đóm sáng trưng và đông đúc người xe, quán xá với phong cách vẫn thường thấy ở các thành phố hiện đại. Phía bên kia là phố cổ trầm lắng, đơn điệu mà phải hòa vào nó mới thấy cũng khá nhộn nhịp bởi các khu ẩm thực của bánh và chè đậm hương vị, màu sắc Huế.
Tra Google thấy quán bánh bèo Bà Đỏ rate cao, gọi đặt bàn rồi 2 gia đình kéo nhau tới. Đỗ xe mất 5-10p vì trước quán xe đỗ khá đông thì hậu cần ra báo hết bánh nên phải sang quán bên cạnh.
Quán bánh bèo Hương Cau nằm trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có nét gì đó rất Huế. Quán là sân vườn của một ngôi nhà cũ, vắng khách, lên đồ hơi chậm nhưng cách nói chuyện lễ độ, gần gũi, dễ thương và tất nhiên là các món bánh ở đây thì ngon tuyệt. May quán bên cạnh quá đông mà bọn mình được trải nghiệm một quán chất lượng.

Một số hình ảnh:
1. Đâu đó ở Quảng Ngãi
IMG_2798.jpeg

2. Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi cho chạy 120km/h
IMG_2786.jpeg
IMG_2795.jpeg

3. Chè sầu Liên Đà Nẵng. Sẵn bàn ghế nên bọn em mua ra ngoài ăn dọc đường cho mát
IMG_2800.jpeg

4. Biển Lăng Cô
IMG_2804.jpeg


5. Một quán bánh bèo ngon ở Huế
IMG_2822.jpeg
IMG_2830.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day 14: Tp. Huế-Tx. Cửa Lò (400km).
Bữa sáng là món bún bò Huế trên phố Bạch Đằng theo gợi ý của Google Maps. Về sau tìm hiểu mới biết quán này khá nổi tiếng và đã mở bán được 70 năm rồi. Quán là một ngôi nhà phố, kiểu dáng cũ, mộc mạc, khách ăn đông. Người mua phải xếp hàng chờ đến lượt để gọi số lượng và chọn loại thịt sẽ ăn cùng. Mình thấy lạ vì có cả miếng thịt heo to đùng và bún thì là sợi nhỏ, mềm chứ không phải loại sợi to, dai như các hàng bún vẫn ăn ngoài Hà Nội. Quán không dành cho những ai cần nhanh, tranh thủ ăn sáng để đi làm. Bởi ngoài đông thì phong cách bán hàng cứ chậm chậm, mình quan sát thấy trong này có mấy quán phong cách thư thả như vậy. Mình xếp thứ 4 hay 5 gì đó nên không phải chờ lâu quá. Ăn thấy cũng được, có lẽ do mình không sành ăn nên không cảm nhận được sự khác biệt.
Đường từ Huế đi qua Quảng Trị, Quảng Bình đến đèo Ngang theo QL1A dài 230km. Cũng như ngày hôm trước, chặng hôm nay dễ đi.
Qua hầm đèo Ngang, tới đất Hà Tĩnh, mấy anh em quyết định rẽ vào Vũng Áng ăn trưa. Lối vào Vũng Áng nhiều xe tải nặng hoạt động nên bụi mù mịt. Gia súc được chăn thả chạy tự do trên đường khá nguy hiểm.
Cảng quốc tế Lào - Việt nằm trên đường ra dãy nhà hàng. Để hỗ trợ Lào phát triển lâu dài, Việt Nam tạo điều kiện cho nước bạn sử dụng cầu cảng Vũng Áng 1, 2, 3. Qua đó, giúp Lào từ một nước không có biển trở thành một nước có đường ra biển. Đó là sự thể hiện rõ nét tình cảm đặc biệt tin cậy và chí nghĩa chí tình giữa những người đồng chí, láng giềng hữu nghị Lào - Việt Nam.
Mực, cá, tôm ở Vũng Áng được nuôi quây trong các nhà bè sát biển. Có lẽ rất ít nơi như ở đây, du khách được nhìn thấy con mực được bắt lên vẫn còn bật, nhảy trong vợt và trên bàn bàn cân. Người ta gọi “mực nhảy” là vì vậy. Bữa trưa có mực hấp và 2 món cá mú gồm hấp và nấu canh chua ăn cùng cơm. Đồ ăn tươi, ngon mà giá cả tương đối hợp lý, khoảng 1tr6 cả đồ uống (coca) cho 4 người lớn và 3 trẻ con ăn no căng.
Từ Vũng Áng đi Thiên Cầm theo đường ven biển dài 60km, qua Kỳ Xuân. Biển Kỳ Xuân vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ với bãi cát trắng mịn xen kẽ những bãi đá nhấp nhô. Cảnh đẹp nhưng cần chú ý an toàn nếu muốn xuống tắm. So với Thiên Cầm thì ở đây chưa nhiều hàng quán, với những ai thích gần gũi với thiên nhiên thì đây là một địa điểm nên lưu ý.
Có đoạn đường chạy theo hướng tây bắc, chếch về phía mặt trời lặn, đi xuyên vào các dãy núi xếp xen kẽ nhau, giữa cảnh hoàng hôn vàng vọt và khói lam chiều tỏa ra từ ngôi nhà nhỏ phía chân núi, thấy lòng nao nao. Luôn là như vậy, bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm gây cảm xúc nhất trong những chuyến đi xa nhà.
Qua Thiên Cầm thì nắng bắt đầu tắt. Đường từ Thiên Cầm tới cầu Cửa Hội dài 70km. Từ đây bắt đầu gặp nhiều khu dân cư, không có đèn đường, một lần mình bị phanh dúi dụi vì đám bò thả rông lững thững giữa đường trong khi trời chạng vạng tối.
Hôm nay sau chặng đường dài thấm mệt, đoàn quyết định ăn tối và ngủ lại khách sạn quen ở thị xã Cửa Lò. Khách sạn Sóng Biển có nhiều phòng ở, phòng ăn lớn và khoảng sân rộng có thể tổ chức gala dinner cho đoàn đông người. Nguyên liệu chế biến các món ăn được bạn chủ trực tiếp tiếp nhận từ đối tác nên đảm bảo tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm và điểm mạnh là giá cả vô cùng hợp lý.

Một số hình ảnh (chặng này mình ít chụp):
IMG_3029.jpeg
IMG_3055.jpeg
 
Chỉnh sửa cuối:

anhldit

Xe tải
Biển số
OF-35056
Ngày cấp bằng
11/5/09
Số km
309
Động cơ
476,072 Mã lực
Nơi ở
Chọn tỉnh thành
Day z: Tổng kết.
Mình không kể chặng Vinh-Hà Nội (300km) vì đã quá quen, quen đến mức thuộc hết biển báo từ Vinh ra đến tp. Thanh Hóa. Còn chặng từ Thanh Hóa đi Hà Nội giờ toàn cao tốc nên lại càng không có gì để nói.
Tổng chiều dài quãng đường là 5,110km trong 15 ngày, trung bình mỗi ngày chạy 340km.

Có mấy cụ ping hỏi kinh nghiệm nên em tổng hợp lại mấy ý ra đây:
1. Có mệt lắm không, làm thế nào để chạy với lịch trình căng vậy?
Đúng là trước khi xuất phát, mình có rủ mấy nhà đi cùng nhưng phần vì không sắp xếp được, phần thì mọi người ngại vì lịch trình khá căng nên có thể bị mệt làm mình cũng lăn tăn. Nhưng lúc đi rồi thì càng chạy càng khỏe, đến nỗi bắt đầu từ Cà Mau ra thì cu con xị mặt hỏi "đã về rồi à bố". Các yếu tố để khỏe:
- Trước đôi khi mình chạy chế độ +4, tức là quy định tối đa 60km/h thì mình chạy 64. Chạy như vậy thì rất nhanh, hồi chưa có cao tốc đoạn Thanh Hóa-Ninh Bình, mình từng chạy đêm từ Vinh ra Hà Nội hết chưa tới 4h30p và tất nhiên là không quá tốc độ. Tuy nhiên kiểu chạy này khá căng thẳng, chỉ phù hợp chặng ngắn. Với chuyến XV lần này, mình chạy -5 đến -3, ví dụ đoạn đường quy định tối đa 60km/h thì với -3, tốc độ chạy xe là 57.
Hạn chế đổi làn để tránh làm xe lạng qua lại nhiều gây chóng mặt, ưu tiên chạy làn giữa nếu đường có 3 làn và chạy làn phải nếu đường có 2 làn. Kiểu chạy này không áp lực về thời gian, không gây căng thẳng cho cả tài xế và hành khách nên nếu đường đẹp thì khi đến nơi, mọi người đều khỏe để tham gia các hoạt động luôn mà không cần phải nghỉ ngơi lấy sức.
- Không bám đuổi nhau nếu đi theo đoàn. 2 xe có thể không cần nhìn thấy nhau trong cả chặng. Chỉ cần cách nhau khoảng 1-3km trong tầm thu phát sóng của bộ đàm là OK. Mỗi xe cử 1 thành viên chia sẻ vị trí trong nhóm zalo để tiện nắm vị trí của xe còn lại.
- Tâm lý mọi người trên xe đều quan trọng. Các nhu cầu cá nhân từ ăn uống, vệ sinh, chụp choẹt, … cần được giải quyết, nhanh gọn để cả hành trình diễn ra vui vẻ, thoải mái. Việc năng trao đổi, nói chuyện giữa các xe qua bộ đàm là một cách giải trí rất tuyệt vời.

2. Làm thế nào để sắp xếp được thời gian nghỉ dài vậy?
- Có 6 ngày nghỉ chính thức là các ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật đầu, giữa và cuối 2 tuần. Mình sử dụng 5 ngày cho chuyến đi, còn 1 ngày Chủ Nhật cuối để dự phòng, nghỉ ngơi khi về tới Hà Nội. 10 ngày còn lại trong tuần thì có 3 ngày toàn bộ công ty đi nghỉ mát. Vì vậy, thực tế mình chỉ sử dụng 7 ngày nghỉ phép.

3. Chi phí?
Có nhiều loại chi phí và phụ thuộc vào khả năng kinh tế và nhu cầu thực tế mà mỗi đoàn có một mức chi phí khác nhau. Có mấy khoản cố định như: xăng, phí cầu đường, ăn uống, nghỉ trọ, chơi, …
- Xăng: như xe mình với quãng đường hơn 5.100km đổ hết khoảng 11tr, phí cầu đường khoảng 2tr. Tổng chi phí đi lại chỉ bằng tiền vé máy bay khứ hồi VNA chặng Hà Nội-tp. Hồ Chí Minh cho cả nhà có 4 người.
- Ăn uống: tiện đâu ăn đấy, ưu tiên sản vật địa phương ví dụ ở Thanh Hóa có nem chua, Vinh có cháo lươn, Quảng Bình có bánh canh, Huế có bánh bèo, bún bò, Nha Trang có bún sứa, bánh tráng ...
- Ngủ nghỉ: đoàn mình toàn ở homestay hoặc khách sạn 2-3 sao. Đúng kiểu phượt bụi. Vì book trước cả tuần nên lại càng rẻ và chủ động.
- Chơi: cá nhân mình thích cho trẻ con tắm biển, tham quan các khu di tích lịch sử, bảo tàng, cột mốc biên giới, … hơn các khu vui chơi giải trí vì vì lý do các khu vui chơi ở đâu cũng có và gần như giống nhau. Hơn nữa, đi chơi kết hợp học lịch sử bằng cách tham quan thực tế là nhanh hiểu và có ý nghĩa. Các điểm mình thấy có ý nghĩa nhất là cột mốc biên giới ngã 3 Đông Dương, địa đạo Củ Chi, mũi Cà Mau và khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Hầu hết các điểm tham quan của đoàn hoặc miễn phí, hoặc vé vào cửa siêu rẻ.
Nên cụ mợ nào còn ngại về chi phí thì em confirm khoảng 35tr-40tr là thoải mái.

Một số hình ảnh (tổng hợp):
1. Em chỉ đổ xăng ở cây Petrolimex trong suốt hành trình
361890174_297816615960794_4161963146136746837_n.jpg
 
Chỉnh sửa cuối:

Sắt Vụn

Xe buýt
Biển số
OF-6819
Ngày cấp bằng
7/7/07
Số km
676
Động cơ
594,193 Mã lực
Chúc cụ và gia đình thượng lộ bình, có chuyến đi với nhiều kỷ niệm đẹp.
Khi nào cụ xuất phát thế?
 

Mũi tên bạc

Xe container
Biển số
OF-489283
Ngày cấp bằng
17/2/17
Số km
8,154
Động cơ
83,010 Mã lực
Em cũng mong đi được chuyến như cụ chủ. Thời gian để đi hiện tại chắc không có được. Chúc cụ chủ thượng lộ bình an!
 

firstXpan

Xe buýt
Biển số
OF-813757
Ngày cấp bằng
7/6/22
Số km
853
Động cơ
-319,225 Mã lực
Hay quá, em đánh dấu để lúc nào sắp xếp thời gian cũng làm chuyến cùng gia đình như cụ chủ ạ. Hóng ảnh vi vu của cụ. Xe cụ đời bao nhiêu thế ạ.
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top