Dân trí Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm” của Bộ Công an là vi hiến...
Người dân ghi hình CSGT thực thi nhiệm vụ (Ảnh minh hoạ: Báo Giao thông)
Như
Dân trí đã thông tin, Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh
thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Đáng chú ý nhất, khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định này đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Điều này ngay lập tức gặp phải phản ứng không đồng tình trong giới luật gia.
Trao đổi với PV
Dân trí, luật sư Ngô Ngọc Trai - Giám đốc Công ty Luật TNHH Công chính (Hà Nội) khẳng định, quy định được nêu trong dự thảo vô hình chung không cho phép người dân và doanh nghiệp được sử dụng các thiết bị để ghi âm ghi hình. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có hiệu lực, tại Điều 94, Điều 95 quy định nguồn chứng cứ là các dữ liệu điện tử được thu thập; tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ bằng những biện pháp như thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tới đây có hiệu lực cũng có quy định mới về dữ liệu điện tử ở chương về chứng cứ tại Điều 99: Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
“Như vậy, việc người dân thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự là rất quan trọng đã được pháp luật quy định thành quyền của tổ chức cá nhân. Việc người dân sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình là hợp lẽ đúng đắn. Nhất là để người dân phòng vệ trước những thói lạm quyền tiêu cực của đủ mọi thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay”- luật sư Trai phân tích.
Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng luật An Phát Phạm (Hà Nội) cho rằng, dự thảo nghị định do Bộ Công an chủ trì xây dựng có phạm vi điều chỉnh về điều kiện kinh doanh nhưng lại “gom” cả người sử dụng vào là vượt phạm vi và thẩm quyền của Chính phủ. Hơn nữa, Hiến pháp 2013 đã có các điều khoản cho phép hạn chế quyền công dân, quyền con người nhằm mục đích an ninh quốc gia an toàn xã hội nhưng phải đảm bảo bằng những đạo luật chứ không thể bằng một nghị định như thế này.
Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu đề nghị ban soạn thảo xem xét lại đề xuất trong dự thảo trên, bởi hiện nay các quy định về xâm phạm bí mật đời tư hoặc xâm phạm đến an ninh quốc gia đã có các luật khác điều chỉnh.
“Trong khi người dân ngày càng sở hữu, sử dụng nhiều điện thoại thông minh có chức năng ghi âm, ghi hình, định vị, nếu thêm quy định cấm đoán kể trên thì sẽ dễ phức tạp”- ông Hậu nói.
Chung nhận định, luật gia Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phân tích: Việc sử dụng điện thoại thông minh có chức năng ghi âm, ghi hình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Đó cũng là quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Khẳng định đề xuất nêu trong dự thảo nghị định trên là vi hiến, nội dung của nghị định đã vượt quá phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ông Nguyễn Minh Tâm đặc biệt lưu ý tới hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, luật sư sẽ bị ảnh hưởng. “Đội ngũ nhà báo tác nghiệp báo chí, các luật sư hành nghề luật đều cần phải thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của Luật Báo chí, Luật Luật sư và các bộ luật như tố tụng hình sự, tố tụng dân sự... Nếu bị cấm đoán trong một nghị định thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tác nghiệp của họ”- ông Tâm đánh giá.
Theo tìm hiểu của PV
Dân trí, sắp tới Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ ngành liên quan để cho ý kiến, thẩm định dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Ảnh hưởng tới hoạt động báo chí điều tra
Ông Phan Hữu Minh- Trưởng Ban Kiểm tra, Uỷ viên Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- khẳng định, phóng viên hoạt động tác nghiệp điều tra buộc phải sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để có bằng chứng thuyết phục. “Không ít trường hợp phải bí mật nên cần nguỵ trang các thiết bị ghi âm, ghi hình. Nếu bây giờ quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình chung sẽ hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí”- ông Minh nói.