Thứ Sáu tuần trước (6/6) mình viết một stt về việc người Nhật đưa ra nhận xét thật và thẳng thắn như thế nào về người lao động trực tiếp VN. Khi đăng stt lên, cũng như bao lần khác trước đây, mình nghĩ đó là những thông tin bình thường mà mình muốn chia sẻ với những người bạn thật sự có quen biết của mình vì chế độ đăng bài của mình luôn là “Friends only” (chỉ bạn bè đọc được). Nhưng một người bạn FB đã đề nghị mình chuyển trạng thái bài thành “public” (công khai) để bạn ấy chia sẻ (share) và mình đã đồng ý. Thật không ngờ stt đã được mọi người “share” với tốc độ chóng mặt. Đến hôm nay đã có hơn 1.000 lượt share và một số diễn đàn, một số trang blog hoặc trang tin không chính thống đã đăng lại, dẫn đến những cuộc tranh cãi có thể gọi là “nảy lửa”.
Một mặt, mình cảm thấy kinh ngạc về tốc độ lan truyền của stt đó nhưng mặt khác mình cũng hết sức ngỡ ngàng về sự đón nhận của đông đảo người đọc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều làm mình ngỡ ngàng ở đây không phải là tài viết lách của mình vì mình thừa biết trình độ viết và câu chữ của mình hoàn toàn thô mộc, đơn giản, chủ yếu là kể lại những điều mình nghe hoặc quan sát thấy; mà cái làm mình ngỡ ngàng đó là những điều người VN với nhau thừa sức nhìn thấy và nói với nhau thì không ai chịu nghe, nhưng một người nước ngoài nói thì lại tạo thành hiện tượng. Điều này làm mình nhớ đến có một lần mình tham gia tổ chức một lớp trao đổi nghiệp vụ báo chí, khi có một nhà báo trẻ tuổi nhưng dày dặn kinh nghiệp đứng lên thuyết trình thì bị các nhà báo nhiều tuổi ở các tỉnh phản ứng ra mặt, thể hiện họ không phục. Hay như nhiều lần mình tiếp xúc với Hội nhà báo VN mình đã đặt câu hỏi tại sao cứ phải đề nghị các đại sứ quán nước ngoài giúp đào tạo nhà báo trong khi trong nước không thiếu gì các nhà báo giỏi thì một số lãnh đạo hội tần ngần nói rằng các nhà báo trong nước không nể nhau. Quả là một nếp tư duy đáng buồn, nhưng nếu không như thế thì đã không phải là người Việt.
Trở lại với stt đã gây sự chú ý, thật ra nó chỉ là một phần nhỏ ít quan trọng trong một câu chuyện dài và nghiêm trọng hơn nhiều. Cách đây ít lâu, trong số các bạn FB của mình hẳn một số anh chị còn nhớ mình đã nói về việc một người họ hàng ở quê cách trung tâm HN 20km nhờ viết đơn tố cáo những sai phạm về dồn điền đổi thửa ở địa phương, nói sơ qua là lãnh đạo xã, thôn tìm cách chiếm một số vùng đất để biến thành tài sản riêng. Và tối Thứ Năm tuần trước (5/6), người họ hàng của mình cùng một người khác trong thôn đã gặp mình để cung cấp thông tin. Sau khi đã hỏi những gì cần thiết để viết đơn, mình mới nêu ra một nhận xét “Các lãnh đạo xã, thôn chỉ vì lợi ích cá nhân mà phá hỏng cả một chính sách lớn của nhà nước. Còn dân địa phương không đoàn kết, chỉ biết vì cái lợi riêng của mình, không cùng nhau đấu tranh nên lãnh đạo xã, thôn mới chia để trị và làm càn. Mà cái này không phải chỉ riêng trong chuyện dồn điền đổi thửa mà ở nhiều lĩnh vực khác cũng như thế”. Nghe mình nói như vậy thì người cùng thôn với người họ hàng của mình mới kể ra câu chuyện của ông kỹ sư người Nhật kia. Được biết đó là một công ty Nhật trong khu CN Bắc Thăng Long.
Ban đầu, mình định viết về những nhận xét của ông kỹ sư Nhật như là lời dẫn cho chuyện bê bối dồn điển đổi thửa, song vì mình còn hẹn gặp thêm một lần nữa vào dịp cuối tuần để hỏi thêm thông tin từ người họ hàng và người cùng thôn kia nên mình đã quyết định cứ viết riêng một stt về ông kỹ sư Nhật và đăng trước. Điều mình hoàn toàn không ngờ là nó lại thu hút sự chú ý đến như vậy.
Mình bổ sung đoạn này vì trưa hôm nay mình đã dành toàn bộ giờ nghỉ để đọc phần lớn các ý kiến của các Facebooker khi họ share stt của mình, và mình đã hiểu rõ hơn vì sao nó đã lan truyền nhanh chóng. (Mãi đến hôm nay mình mới đọc được các nội dung này là vì dịp cuối tuần laptop mang đi sửa, online bằng đt và tablet chỉ biết được ai share chứ không biết được ý kiến kèm theo).
Nói chân thành, khi mình đăng stt, mình không nghĩ gì đến điều gì to tát mà chỉ muốn phác hoạ một mảng còn thiếu trong một bức tranh lớn. Tức là chúng ta đã được nghe những nhận xét tốt đẹp, tích cực từ các học giả hay các nhà ngoại giao Nhật, và cho dù là họ nói đúng nhưng mình nghĩ là chưa đủ, chúng ta cũng cần nghe ý kiến của những người như ông kỹ sư Nhật kia để có một bức tranh toàn diện. Còn khi các bạn Facebooker share bài, mình thấy hầu hết đều đau đáu một tâm tư là người VN cần đọc ý kiến của ông kỹ sư Nhật để thấy người VN có những thói xấu gì và các bạn kêu gọi từng người và mọi người hãy thay đổi. Việc làm của các bạn quả thực cực kỳ quý giá và mang một ý nghĩa to lớn hơn nhiều so với ý định ban đầu của chính mình, người viết ra stt. Điều đó làm cho mình bớt bi quan về cái nhận xét gây ám ảnh “Người VN các anh sẽ muôn đời khổ”. Mình cũng xin chân thành cảm ơn các anh chị em và các bạn đã đọc và chuyển stt đến nhiều người!