Dạ, vì khác biệt văn hóa nên cháu của chú cho rằng người Nhật giả tạo, thực ra không phải vậy đâu ạ.
1. Để tránh khả năng có thể xảy ra mâu thuẫn, người Nhật luôn chủ động đưa ra lời xin lỗi. Cho nên khi họ xin lỗi (không có nghĩa là họ có lỗi đâu ạ), chỉ là một cách giảm khả năng xảy ra xung đột thôi. Chỉ khi nào người Nhật đưa ra lời xin lỗi lần thứ hai, cho cùng một vấn đề, đó mới là lời xin lỗi thật sự.
2. Tương tự như vậy, để tránh xảy ra mẫu thuẫn, người Việt luôn chủ động cười. Nụ cười của người Việt trong nhiều trường hợp là thay lời xin lỗi, chứ không phải có sự việc đáng để cười. Nhiều người nước ngoài không hiểu điều đó nên thắc mắc : sao người Việt chuyện gì cũng nhăn nhở cười ?
3. Nếu là những mối quan hệ không thực sự thân thiết và sâu sắc, thái độ của người Nhật sẽ luôn lịch sự và thân thiện. Đây không phải là giả tạo mà đó là thái độ chuẩn mực của người Nhật. Tại sao lại phải cáu gắt với người dưng ? Đi làm cho chủ người Nhật và mình phạm lỗi nặng, chủ vẫn bình tĩnh không trách mắng câu nào, nhưng sau đó cho mình nghỉ việc. Thế là kêu ông chủ giả dối, lẽ ra ông chủ phải mắng mỏ và cho tôi cơ hội sửa sai chứ ?
4. Người Việt đánh giá người khác qua thái độ, nên cho rằng thái độ lịch sự là đồng thuận, thái độ lồi lõm là phản đối. Khi gặp thái độ lịch sự của người Nhật, cứ nghĩ rằng đó là sự đồng thuận, đến khi hiểu ra không phải như vậy, thì cho rằng người Nhật giả tạo. Người Nhật đồng thuận thì họ sẽ nói rõ là đồng thuận, còn nếu họ không nói rõ điều đó thì không nên hy vọng gì cả.
Sống ở Nhật mà không cố gắng hiểu văn hóa Nhật, hòa nhập với nền văn hóa đó, thì có sống bao nhiêu năm vẫn chỉ là đứng bên lề xã hội Nhật thôi.