Em thấy bài viết này của Bác Dzung Pham rất hay đăng trên vnexpress.net nên chia sẻ cùng các bác, em thấy phải có những người cha người mẹ như bác thì con cái mới phát triển và có tư duy tốt, đất nước mới có những công dân có ích.
Người gửi: Dzung Pham
Từ bé, tôi đã không thích cách mà các cuốn sách áp đặt cho tôi những giá trị yêu ghét một chiều. Tôi đã luôn được dạy rằng có những con vật "ác" phải trừ diệt như hổ, báo, sói... còn những con vật yếu đuối, lương thiện như hươu nai... thì phải bảo vệ. Những con vật "chăm chỉ" như con ong, con kiến thì luôn được ca ngợi và thành công, còn những con vật "lười nhác" như ve sầu, chỉ biết ca hát thì có kết cục đáng buồn.
Tôi luôn luôn có xu hướng tìm những kiến giải ngược lại. Tôi dạy con tôi rằng nếu không có hổ báo ăn thịt những con hươu nai ốm yếu, chạy không nhanh... thì đàn hươu nai sẽ ngày càng ốm yếu và một ngày nào đó có con lây bệnh cho cả đàn, làm cả đàn cùng chết.
Tôi bảo cháu: "Nếu thế giới chỉ toàn ong kiến luôn chăm chỉ tha mồi về tổ thì cuộc sống thật buồn tẻ biết bao. Bố cho rằng ve sầu đã kết thân với ong kiến, chúng ca hát cho ong kiến nghe và nhờ đó ong kiến làm việc không biết mệt mỏi. Cảm ơn vì điều đó, ong kiến đã mang thức ăn đến cho ve sầu, đủ cho ve sầu có sức ca hát ngày càng hay hơn".
Khi cháu làm bài văn về việc kể lại câu chuyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh", cháu đã hỏi tại sao Thủy Tinh lại nổi giận gây bao tai họa mặc dù không đáp ứng được yêu cầu của Vua cha?
Tôi đã giải thích rằng, chính Vua cha là người gây ra tai họa, vì Ngài đã đưa ra luật chơi không công bằng, tất cả các lễ vật "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" đều là sản vật trên núi. Nếu Vua cha yêu cầu lễ vật là "cá chín đuôi, tôm chín càng..." thì người thua sẽ không phải là Thủy Tinh. Vậy nên, nếu là Vua cha, thì con hãy đề ra những luật đấu công bằng, làm sao người tham gia phải có cơ hội như nhau.
Với những kiến giải khác lạ như vậy trong bài văn, cháu đã không được cô giáo cho điểm cao. Đó là điểm khác biệt trong nền giáo dục của ta hiện nay với thế giới.