Nước Mỹ có nên làm cảnh sát của thế giới không?
”Mỹ có nên làm cảnh sát của thế giới không?”
Bất cứ lúc nào khi câu hỏi này được hỏi, và nó đã được hỏi gần một trăm năm nay, câu trả lời thường là
“không”. Những người với lập trường chính trị cánh trái (Đảng Dân Chủ) cho rằng điều đó gợi ý một nước Mỹ ngạo man, kiểu như “ai cho phép Mỹ làm đại ca của thế giới?” Những người với lập trường chính trị cánh phải (Đảng Cộng Hòa), nhất là những người theo chủ nghĩa tự do, sẽ trả lời rằng những việc các nước khác làm là chuyện của họ, không liên quan gì đến chúng tôi.
Nhưng đây là câu hỏi mà gần như chưa bao giờ được hỏi:
“Sự lựa chọn khác là gì?”
Một đáp án có thể là Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do tại sao Liên Hiệp Quốc đã được thành lập sau Thế Chiến Thứ Hai – để giữ gìn trật tự và bảo vệ nhân quyền. Đó cũng là lý do tại sao Lực Lượng Giữ Gìn Hòa Bình Liên Hiệp Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng những gì họ đã làm để giữ hòa bình thì rất yếu kém. Để ví dụ, ít nhất 500,000 người đã bị giết ở Rwanda trong năm 1994 trong khi Lực Lượng Liên Hiệp Quốc không can thiệp.
Hơn nữa, gần 200 thành viên của Liên Hiệp Quốc ít khi nào đồng ý chung về bất cứ vấn đề gì. Và khi họ đồng ý đóng góp và xây dựng một lực lượng để bảo về hòa bình, số lượng cho lực lượng đó thường nhỏ, trang bị vũ khí yếu kém và bị giới hạn trong việc can thiệp với những vũ khí ít oi mà họ được trang bị. Họ thường đứng ngoài lề khi có sự đe dọa thay vì can thiệp.
Những khu vực ảnh hưởng
Còn việc chia thế giới ra thành những ”khu vực ảnh hưởng”? Điều đó có phải là điều tốt không? Chúng ta có muốn một thế giới mà Nga có thể làm những gì họ muốn đến những nước dân chủ như Latvia, hay một thế giới mà Iran thống trị khu vực lân cận của họ không? Liệu một thế giới như vậy có dẫn đến hòa bình hay sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh bạo lực để dành biên giới cho những ”khu vực ảnh hưởng” đó?
Và dĩ nhiên, có một ý tưởng là nếu nước Mỹ để cho thế giới yên ổn, thế giới sẽ làm điều tương tự với nước Mỹ. Chỉ nếu thôi. Nhà cách mạng người Nga Leon Trotsky đã từng nói
”bạn có thể không quan tâm đến chiến tranh, nhưng chiến tranh lại quan tâm đến bạn.’‘ Những siêu cường quốc không thể nghỉ ngơi và không thể tự gạt bỏ tên mình khỏi danh sách mục tiêu của lực lượng khủng bố.
Vì vậy, chúng ta nhanh chóng đi đến một kết luận không thể thoát được là:
“Nước Mỹ là cảnh sát của thế giới bởi vì không có một sự lựa chọn nào khác.”
Và mọi người đều biết điều đó.
Nếu một ngày…..
Nhưng nếu một ngày nước Mỹ và người Mỹ không còn thiết tha với công việc đó nữa thì sao? Nếu người cảnh sát một ngày nào đó từ bỏ công việc của mình thì sao? Không phải ngẫu nhiên sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, lực lượng khủng bố Quốc Gia Hồi Giáo (ISIS) đã bùng nổ lên vũ đài thế giới.
Trong khi đó, rất dễ để chỉ trích nước Mỹ về sự thất bại của họ trong cuộc chiến Việt Nam và vài năm đầu tiên ở Iraq, còn những thành công của Mỹ thì sao? Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt vào năm 1945, Liên Bang Soviet có tham vọng muốn thống trị thế giới. Họ đã thất bại vì một lý do: Nước Mỹ đã ngăn chặn họ.
Vào năm 1991, Quân Lực Mỹ đã ngăn chặn lực lượng của Saddam Hussein và buộc ông ta phải rút quân khỏi Kuwait. Sau đó, Mỹ lại một lần nữa can thiệp để đem lại hoài bình cho khu vực Balkans.
Hòa bình của nước Mỹ
Như tôi đã viết trong cuốn, Hoa Kỳ Trong Sự Rút Lui (America in Retreat), sự trật tự nước Mỹ đã đem đến không những có lợi ích vô cùng lớn lao cho cả thế giới, nó cũng đã dẫn đến những lợi thế kinh tế phi thường. Nền kinh tế toàn cầu, tính theo GDP, chỉ ở mức $11 ngàn tỷ USD vào năm 1980, đã tăng gấp đôi khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Đến năm 2012, GDP toàn cầu đã lên mức $72 ngàn tỷ USD.
Cuộc tranh luận về giá trị của sự hòa bình dưới sự giám sát của nước Mỹ, Pax Americana (Peace America, Hòa Bình của Hoa Kỳ), đáng lẽ ra đã được quyết định lâu rồi. Nhưng lịch sử chỉ quyết định những cuộc tranh luận vĩ đại khi con người có thể nhớ bài học lịch sử. Rất nhiều sinh viên ngày nay không thể nhận ra Liên Bang Soviet là gì, chứ đừng nói đến việc giải thích việc họ muốn đem CN Commie và áp đặt nó lên những quốc gia họ và đồng minh đã xâm chiếm.
Người Mỹ đã sống trong một thế giới trật tự quá lâu nên đa số đã bỏ quên việc gìn giữ nó. Có thể điều đó giải thích vì sao, trong những năm gần đây, nước Mỹ đã áp dụng một chính sách ngoại giao thờ ơ đến những thứ đã làm cho thế giới trật tự, như:
- Cam kết giữ gìn an ninh thế giới.
- Giữ gìn một lực lượng quân lực đủ tầm để đáp ứng được sự cam kết đó.
- Sự sẵn sàng để can thiệp vào những khu vực trong cơn khủng hoảng để bảo vệ đồng minh và giáp mặt và tiêu diệt những chế độ hung bạo.
Nếu không phải nước Mỹ, thì là ai?
Nếu quốc gia đứng đầu thế giới về tự do và dân chủ – nước Mỹ – không đảm nhận vai trò của họ trong việc làm cảnh sát của thế giới, những chế độ và nhà độc tài gian ác sẽ thay thế họ. Kết cuộc sẽ là một thế giới giống như thập niên 1930, khi sự yếu ớt, khủng hoảng kinh tế, mệt mỏi, sự rụt rè của nước Mỹ và sự thăng tiến của những chế độ độc tài đã góp sức để tạo ra vô vàn chết chóc và tàn phá.
Không phải ai lớn lên cũng đều muốn trở thành một cảnh sát viên. Nhưng không một ai muốn sống trong một khu vực hoặc một thế giới mà không có cảnh sát.
Còn bạn thì sao?
Nếu nước Mỹ không đảm nhận vai trò làm cảnh sát để giữ gìn an ninh và trật tự cho thế giới, thì sự lựa chọn khác sẽ là gì?
Nếu không phải nước Mỹ, thì là ai?
Tôi là Bret Stephens, cho Prager University.
Tác giả:
Bret Stephens,
Should America be the world’s policeman?,
Prager University
Dịch giả:
Ku Búa @
cafekubua.com