Ví dụ, ông từng có chuyến thăm 3 ngày đến một nhà máy. Sau chuyến thăm đó, ông đưa ra 215 gợi ý để giảm chi phí, ông yêu cầu tắt bớt đi 1.900 trong tổng số 18.000 bóng đèn tại nhà máy và nhờ vậy tiết kiệm được 40.000USD tiền điện mỗi năm. Ông cũng cho rằng chi phí lễ tân hoàn toàn có thể cắt giảm được bởi nó không cần thiết.
Thay cho việc cử người ra đón khách đến thăm nhà máy, ông cho lắp đặt hệ thống bảng hướng dẫn cực kỳ chi tiết để khách có thể tự liên hệ đến người trong nhà máy mà họ muốn gặp.
Chi phí đi lại của nhân viên cũng là điều Osamu Suzuki vô cùng quan tâm. Thông thường, nhân viên của ông đi từ nhà máy ở các tỉnh đến Tokyo mua vé đi tàu cao tốc (shinkansen) trực tiếp. Thế nhưng Osamu đã yêu cầu họ mua vé dừng nghỉ tại các địa phương. Nhờ vậy mỗi chuyến đi tiết kiệm được 2 USD trên tổng chi phí 60 USD trong 2 giờ.
Ông còn điều chỉnh cả thiết kế của phụ tùng ôtô Suzuki làm sao cho giống nhất với các hãng đối thủ để có thể thuận lợi hơn trong việc mua phụ tùng từ các nhà cung cấp bởi họ luôn sẵn có. Ông từng nhiều lần nói đến mục tiêu giảm chi phí tối đa trong các cuộc phỏng vấn báo chí. "Chúng tôi sản xuất xe nhỏ, nên tiết kiệm chi phí đến từng yen", ông nói với Forbes.
Khi lãnh đạo Suzuki, Osamu Suzuki cũng đã dẫn dắt Suzuki Motor tham gia các liên minh với nhiều hãng xe toàn cầu như hợp tác với General Motors vào năm 1981 và Volkswagen vào tháng 12/2009. Hợp tác này giúp Volkswagen có thể học hỏi Suzuki Motor kinh nghiệm làm xe nhỏ còn hãng xe Nhật có thể tìm hiểu và tận dụng lợi thế công nghệ của đối tác. Liên minh này sau đó đã kết thúc năm 2011.
Từ năm 1995, Suzuki Motor cũng liên minh với hãng xe Chongqing Changan Automobile của Trung Quốc để cùng sản xuất ôtô nhỏ tại đây. Đến năm 2019, Suzuki Motor ký kết thỏa thuận góp vốn với Toyota.
Tháng 3/2019, hai công ty công bố những chi tiết thỏa thuận hợp tác trên phạm vi rộng. Toyota sản xuất những chiếc xe lai hybrid gắn mác Suzuki tại nhà máy sản xuất chiếc RAV4 và Corolla cho thị trường châu Âu.
Thỏa thuận bao gồm các xe Suzuki được sản xuất tại nhà máy Derbyshire của Toyota. Việc hợp tác này giúp Suzuki và Toyota tiết kiệm được tối đa chi phí và kết hợp về công nghệ cũng như mạng lưới phân khối, kinh doanh nhưng vẫn cạnh tranh công bằng để mở rộng thị phần tại thị trường Ấn Độ.
Năm 2000, ông từng thôi làm CEO của Suzuki Motor nhưng vẫn giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Quyết định nghỉ làm chủ tịch ở tuổi 91 sau hơn 40 năm tại vị, ông trở thành lãnh đạo nắm quyền trong thời gian dài nhất lịch sử ngành ôtô thế giới.
Bạn bè và người thân trong gia đình từng hối thúc ông nghỉ hưu. Tuy nhiên Suzuki luôn thoái thác vì "muốn chết trong cuộc chiến". Trước đây, khi được hỏi bao giờ sẽ nghỉ hưu, ông nói: "Con người sẽ chết khi từ bỏ công việc".
Diệu Thanh