26-6-1954: Ngô Đình Diệm về nước "chấp chính"
Phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, một chuyến hạ cánh được chờ đợi lâu trong một ngày nắng nóng. Từ cửa máy bay, Ngô Đình Diệm bước xuống. Thủ tướng mới của cái gọi là Quốc Gia Việt Nam vừa được Bảo Đại sắc phong ở Paris ngày 18 tháng 6.
Stanley Karnow, người gặp Diệm ngay trước khi về nước, kể lại trong cuốn "Vietnam: A History, The First Complete Account of Vietnam at War":
"Khi tôi phỏng vấn Diệm thời điểm đó, ông ta nghe như thể một Joan of Arc phiên bản Việt, dự báo rằng quân đội quốc gia của ông ta dự định sẽ truyền cảm hứng cho mọi người tập hợp lại"
Chỉ có vài trăm người Công giáo đứng đón “nhà chí sĩ” - quân cờ mới của cuộc be chắn “triều cường đỏ” theo thuyết Domino. Diệm ngao ngán ngắm buổi chiều tàn tạ của nền thực dân Pháp, lắc đầu theo cung cách một “mệ” Huế: “Biết tình hình rứa, về mà chi”.
Tiến lại gần Diệm là một thư sinh dáng ký giả, nói nhỏ, cũng bằng giọng Huế: “Cụ bình tâm đi, vạn sự khởi đầu nan”. Người này là Nguyễn Thái, một người bà con của đại thần Nguyễn Hữu Bài (từng cưu mang Diệm thuở thiếu thời), thành viên hoàng tộc Nguyễn theo Công giáo.
Sau khi thành quốc trưởng, Diệm cử Nguyễn Thái đứng đầu Việt Tấn Xã – cơ quan thông tấn chính phủ. Đến năm 1959, Nguyễn Thái chán ngán với tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm, vì bọn họ nhanh chóng bộc lộ sự dốt nát và tham nhũng. Như con “quạ trắng” giữa đám ô lại triều Ngô, Nguyễn Thái chỉ giao du với mấy người “đàng hoàng” như: Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn… Để rồi sau chiến tranh mới biết họ đều là… CS.
Năm 1961, Nguyễn Thái từ chức Tổng giám đốc Việt Tấn Xã, trở lại Mỹ. Năm 1962, Thái làm phương Tây rúng động vì cuốn sách "Is South Vietnam Viable?" (Liệu Nam Việt Nam có tồn tại được?). Trong lời mở đầu, Thái viết:
“Vì từng làm việc mật thiết với chế độ này trong suốt 7 năm qua, nên tôi nhận thấy chế độ này (Diệm) không có khả năng thu phục được sự ủng hộ của dân. Ngay cả những người lúc đầu ủng hộ chế độ cũng không còn chịu đựng được tình trạng tham nhũng, giả dối và vô hiệu năng, gây ra những phe nhóm gồm toàn những kẻ ăn bám và nịnh hót, để nhũng lạm chế độ này trước khi nó sụp đổ”.
Không đầy một năm sau ngày Thái xuất bản cuốn sách đó, Ngô Đình Diệm bị giết trong đảo chính!