Em vừa đọc cái này ở Vietnamnet :
Người già, trẻ tàn tật ở trại Ba Vì chỉ được 10.000đ/ngày
Đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ tàn tật Hà Nội ở xã Thuỵ An, Ba Vì, tôi chợt thấy lòng mình se lại. Hơn 100 đứa trẻ nuôi dưỡng đều là những em tàn tật, mồ côi, chủ yếu là trẻ em lang thang hoặc bị bỏ rơi trên hè phố Hà Nội được đưa về đây.
Trong hơn 100 em đó, chỉ có 30 em đi lại và nói được, nhưng cũng chỉ là nói những từ ngữ đơn giản, tên các con vật hay cử chỉ của đứa trẻ không có nhận thức. Số còn lại, toàn các em liệt người, bại não, nằm thiêm thiếp trên giường, ngồi bất động trên ghế.
Đôi mắt em không thể nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. (Ảnh: Hồng Nhung)
Em T. do di chứng của chất độc màu da cam không chỉ là khuôn mặt mà hai bàn tay em không đủ hình hài của 5 ngón tay lành lặn, hai bàn tay mỗi bên chỉ có hai ngón. Lại có những em ngay từ khi sinh ra cuộc đời đã không để em nhìn thấy ánh sáng. Lấp vào hai hốc mắt là hai khối thịt ụ lên mà có lẽ nếu ở các nước khác, khó ai có thể nghĩ rằng câu chuyện đó là có thật.
Chưa hết bàng hoàng, ngay hành lang một cậu bé trạc tuổi cháu tôi đang được các chị hộ lý bế trên tay. Em chỉ cao có 30cm và mắc phải căn bệnh quái ác: bệnh xương thủy tinh. Đôi tay gầy teo và co quắp về phía sau, cái đầu to "cắm" trên thân hình nhỏ bé. Dù đã 13 tuổi nhưng em không thể nào đi được.
Thấy tôi, cậu bé nhoẻn miệng cười hồn nhiên. Nói chuyện với em, tôi thấy em rất ngoan và gần gũi dù chưa một lần nào gặp gỡ. Nghe tôi kể những câu chuyện cổ tích về ông bụt, cô tấm… Mắt cậu bé như hấp háy niềm hi vọng khi nghe những người hiền lành, tốt bụng sẽ được bụt giúp thực hiện ước mơ của mình. Em hỏi tôi: "Cô ơi, bụt có giúp con không ạ?”. Tôi gật đầu nhìn em mà nước mắt chỉ trực trào ra. Hỏi các chị hộ lý mới biết em được đem về đây vì em bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi còn bé khi biết con mình bị mắc bệnh xương thủy tinh, tuần nào em cũng phải bó bột đến 1, 2 lần và tiêm thuốc nên người cơ thể em ngày một teo đi, dúm dó.Đi qua những căn phòng cũ còn thoang thoảng mùi ẩm mốc của tường vôi, nước tiểu, thấy những hài nhi gầy guộc im lìm trong tấm chăn mỏng, nước mắt tôi chỉ trực trào ra…
Trời Ba Vì xám xịt, gió hun hút lùa dọc những dãy nhà cũ kỹ của trung tâm. Mưa lạnh đột ngột như thế này là cụ bà M. ôm ngực ho sù sụ. Cụ nhăn mặt như nén nỗi đau trong lòng kể lại với tôi cảnh ngộ của mình.
Không chồng con, cụ trải qua những năm dài như ngọn đèn leo lắt từ Nam Định lên xin ăn ở bến xe phía Nam. Cách đây 10 năm, sau trận ốm thập tử nhất sinh nằm liệt ngoài vỉa hè bến xe, cụ được thành phố đưa về trung tâm này. Hà Nội với cụ chỉ còn là ký ức với ánh đèn đường vàng vọt những đêm khuya, là bến xe ồn ã và những người bạn ăn xin, cơ nhỡ. Các phòng bên, cũng toàn các cụ với cảnh đời tương tự cụ.
Trong trung tâm, niềm vui, niềm an ủi duy nhất là những ngày có khách đến thăm như hôm nay. "Vui lắm khi có khách từ Hà Nội xuống! Cụ bà Q., gần 100 tuổi run run hỏi khi tôi kể những câu chuyện về Hà Nội nay đã có nhiều đổi thay rồi, cụ thở dài, gỡ tấm kính lão lau những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má da mồi. Chiếc ra-đi-ô cũ kỹ đầu giường bỗng vang lên bài hát: "Nơi tôi sinh Hà Nội. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…". Trong số người lớn tại trung tâm thì có tới 100 cụ già, trong đó gần 50 cụ là người tàn tật. Mỗi người là một cảnh đời, một số phận đầy ** le, cay đắng. Về với trung tâm, được chăm sóc, giúp đỡ đấy nhưng cái nghèo, cái buồn làm sao vợi bớt?
Nhà nước hỗ trợ cho mỗi trường hợp nơi đây, sau nhiều cố gắng giờ cũng mới chỉ được 300.000 đồng/người/tháng, nghĩa là cả ăn, cả mặc, cả chữa bệnh vỏn vẹn 10.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Trọng Phẩm, Giám đốc Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội cho biết, trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 184 người lớn và 120 trẻ em. Hầu hết những người lớn đều bị dị tật và tâm thần không ổn định, chậm phát triển, nhiều người nằm liệt giường không thể tự túc sinh hoạt cá nhân.
Trẻ em ở đây cũng tương tự, trong số 120 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi thì chỉ có khoảng 45 cháu đi lại chơi và học tập được; số còn lại đều bị bệnh rất nặng chỉ nằm một chỗ. Cán bộ, công nhân viên ở đây rất vất vả khi chăm sóc họ. Chưa kể, mức chi tiêu cho mỗi cư dân ở trung tâm rất thấp, theo quy định chung là 220.000 đồng/người/tháng và 1 bộ quần áo/người/năm, rất thiếu trong mùa đông lạnh giá.
Ông Phẩm nói, người già và trẻ em trung tâm rất đáng thương, sống thiếu tình cảm, sự chia sẻ của người thân và cộng đồng. Thi thoảng lắm mới có một đoàn của các tổ chức từ thiện đến thăm và tặng quà. Sự đùm bọc duy nhất mà các cư dân trung tâm tìm được là từ cán bộ, nhân viên, giáo viên, hộ lý làm việc tại đây.
Sẽ còn có biết bao nhiêu cảnh đời như vậy nữa mà chúng ta chưa biết đến nhưng chính nơi đây - cách Hà Nội chưa đầy 70km, biết bao nhiêu đứa trẻ, người già bất hạnh. Cuộc sống của họ không có gì cả ngoài sự hiện hữu khó khăn và đau đớn. Họ không chỉ thiếu thốn về vật chất mà cái họ cần nhất là tình cảm. Trong giá rét, họ cần cả áo ấm và được sưởi ấm. Hơn hết, những hành động yêu thương xuất phát từ tấm lòng nhân ái sẽ giúp các em được lớn lên, được vun đắp tâm hồn bằng tình yêu thương.
*
Nguyễn Hồng Nhung