Nay nhà cháu đọc được trên face câu chuyện này, tự dưng lại nhớ đến mợ thớt.
--‐----------
Tin vợ chồng lão Danh li hôn ở cái tuổi ngoài năm mươi làm náo động cả khu phố:
- Đáng đời lão, đối xử với vợ không ra gì, tức nước vỡ bờ thôi!
- Phải tay tôi thì đã cho lão “ đăng xuất” khỏi cuộc đời tôi từ lâu rồi!
Cánh phụ nữ hả dạ ủng hộ.
-Chị vợ cũng đáo để thật ! Mua đất xây nhà dưới quê, trước khi li hôn rồi!
-Vợ có quĩ đen mà lão không biết!
-Chuẩn thật ! Cô ta “lót ổ” cho cuộc sống sau li hôn!
Cánh đàn ông bàn tán và thầm thán phục người đàn bà này.
Lão Danh là cán bộ địa chính của phường đã về hưu, ngày còn làm việc lão hống hách nổi tiếng. Lão ít bạn bè, không ai có thể giao du với lão được lâu. Người nào kết bạn với lão chỉ trong một thời gian ngắn là cũng lơ, bởi lão không bắt bẻ họ cái nọ thì cũng bắt bẻ cái kia. Mà bản thân lão không phải là một người sống biết điều. Tâm địa lão không xấu nhưng cách nói năng không nghĩ đến cảm giác của người đối diện và cho mình luôn luôn đúng làm cho người ta xa lánh dần. Bà con họ hàng cũng không thích lão lắm, lão ít cởi mở với ai. Từ ngày về hưu, lão chỉ còn một ít bạn rượu, mà mấy tay này chủ yếu là những con ma men nên không để ý những lời nói khó chịu của lão.
Lão có thói quen ăn hiếp vợ, luôn bắt vợ phục vụ mình, nếu trái ý lão là lão chửi rủa chị không tiếc lời. Ngay cả những lúc vợ đau ốm, lão cũng chẳng giúp gì cho vợ, lão cũng đá thúng đụng nia. Lão tự cho mình cái quyền ăn không ngồi rồi. Suốt ngày lão cầm cái điện toại thông minh lướt. Nhà cửa lão bày hàng, bày trận, đụng đâu vứt đó, chị vợ bực quá nói lão, lão chửi lại, nộ nạt, hung hãn… Chị vợ lại nhẫn nhịn, dọn dẹp. Vợ lão thuộc típ phụ nữ xinh xắn, mỏng mày hay hạt, chăm chỉ.
Nhà lão ở ngay con đường lớn của khu phố. Vợ bán tạp hóa. Quầy hàng lúc nào cũng đông khách vì mặt hàng nào của chị cũng hạ hơn những nơi khác vài nghìn. Một phần nữa là chị luôn tươi cười, niềm nở. Cả khu phố đều không hiểu nổi : vì sao ngày xưa chị lại yêu và lấy lão Danh, lão lúc nào cũng lầm lì, mặt nặng, mày nhẹ. Chị chỉ cười:
-Âu cũng là cái duyên số!
Không ai biết: cuộc hôn nhân trong cái duyên số ấy với chị nó đắng cay như thế nào, nhưng thỉnh thoảng nghe tiếng chửi của lão Danh, khách đến mua hàng hiểu rằng cuộc sống của chị không hề dễ chịu!
Dễ chịu làm sao được khi ở với một người như lão Danh. Lão luôn bắt vợ phải cung phụng mình. Lão nghĩ mấy triệu tiền lương của lão đưa cho chị là to lắm! Bao nhiêu thứ không tên phải chi trong nhà, con cái học hành, hiếu hỉ với bên nội, bên ngoại…một tay chị vun vén, không hề kêu ca. Mà có chia sẻ, tâm sự với lão thì lão lại quát lên :
-Cô làm cái gì mà hết tiền, chắc lại đem tiền về cho nhà cô chứ gì!
Con người lão đa nghi, ích kỉ nên thiếu đủ trong nhà chị tần tảo tự lo liệu. Ngay cả đến nấu nướng ăn uống cũng phải theo ý của lão, trái ý, lão chửi suốt bữa, nhai cơm như nhai sạn, nuốt không trôi với lão. Lão chỉ thích ăn thịt, nhất là thịt lợn, ngược lại chị vợ chỉ thích rau củ quả, cá đồng kho mặn. Nhìn hai vợ chồng không nghĩ họ bằng tuổi nhau, chỉ ngoài năm mươi nhưng tóc lão bạc trắng, vì ăn nhiều thịt động vật bốn chân nên nhìn lão béo húp híp, cái bụng to như bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, khuôn mặt bóng nhẫy, đầy dầu mỡ. Còn vợ lão thì lại trắng trẻo, thanh mảnh trông cứ như hai cha con. Khách đến mua hàng gọi lão bằng chú, còn gọi chị vợ bằng chị, lão tức lắm !
Lão kinh khủng nhất là lúc say rượu. Có rượu vào, lão như biến thành ác quỉ: da mặt tái xanh, sưng phù vì rượu, cặp môi trắng bợt. thân hình to như hộ pháp, hung hăng như thần sét. Những lúc như vậy, chị vợ chỉ mong cho lão say bẹp dí rồi đi ngủ một giấc, cho nhà cửa yên ắng, đằng này lão lão chỉ ngà ngà và thế là lão bắt đầu chửi. Có lúc lão chửi từ bảy giờ tối đến mười hai giờ đêm. Lão lôi tất cả mọi chuyện ra chửi, chửi cả tổ tông, họ hàng nhà vợ. Lúc hai đứa con còn nhỏ, chúng sợ chết khiếp chỉ biết nép vào chân mẹ, rồi mẹ con đóng cửa ở trong buồng khóc với nhau. Sau này, lớn lên một chút, chúng khuyên mẹ :
-Nếu khổ quá, mẹ li hôn đi!
Lúc ấy, chị chỉ biết ôm hai đứa con vào lòng, nước mắt chảy dài. Nhìn vào hai đứa con làm niềm vui, chị nghĩ: lão ăn ở thế nào, hậu quả lão chịu, chị không để tâm nữa. Chị sớm hôm buôn bán, lơ đi tất cả! Kệ lão!
Nhưng hôm nay thì đã đủ điều kiện để chị li hôn với lão. Hai đứa con đã khôn lớn, trưởng thành. Con gái làm ở một thành phố lớn, cách nhà 200 cây số, nó vào làm ở một công ty liên doanh, thu nhập mỗi tháng vài chục triệu. Nó đã mua được căn hộ chung cư trên ấy, thằng con trai vừa cầm cái bằng tốt nghiệp Đại học đã có nơi phỏng vấn, tháng sau đi làm. Chị chẳng phải còn gì lo lắng nữa.
-Nếu mẹ thấy thoải mái, thanh thản đầu óc mẹ cứ làm, chúng con tôn trọng quyết định của bố mẹ ! Chúng nó nói với chị khi chị có ý định li hôn.
Chị đưa tờ đơn li hôn ra, lão Danh không tin đó là sự thật, có trong mơ lão cũng không nghĩ: Chị có thể rời bỏ lão được, nhưng lão đã lầm, sức chịu đựng của phụ nữ rất bền bỉ nhưng họ đã quyết thì không có gì ngăn cản được :
- Hai mươi lăm năm qua chung sống với ông như thế là đủ, cảm ơn ông vì có 2 đứa con học giỏi, ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Chị vẫn nhỏ nhẹ, từ tốn.
Lão cho rằng chị dọa lão, tự ái của thằng đàn ông, lão cầm bút kí cái xoẹt vào tờ đơn.
Khi tòa án hỏi về tài sản:
-Tôi không cần gì cả, chỉ mong được li hôn. Chị dõng dạc nói trước tòa.
Cả phiên tòa và lão đều ngạc nhiên. Bởi tài sản của hai vợ chồng cũng rất khá giả. Căn nhà 2 tầng tọa lạc trên mảnh đất 100 m2 cùng với tài sản trong nhà, xe ô tô, quầy tạp hóa lớn như vậy chị cũng không cần. Cả tuổi trẻ của chị vất vả, chịu thương, chịu khó để có được, bây giờ để hết lại cho lão.
Cầm tờ quyết định li hôn, chị về quê. Quê chị cách hơn 50 cây số.
-Như thế là giải thoát rồi chị ạ ! Thằng em trai nhìn chị âu yếm.
Nhà chỉ có hai chị em, bố mất rồi, mẹ ở với vợ chồng em dâu. Chị không muốn em dâu khó xử nên đã nhờ em trai mua hộ mảnh đất ở quê, xây căn nhà cấp bốn. Chị sắm đầy đủ tiện nghi. Những năm buôn bán khéo tính toán, chị đã để dành được hai tỷ, đó là số tiền lão chồng không bao giờ biết được. Chỉ đến khi li hôn, chị có sẵn nhà để về, lão mới cay cú : thua trí đàn bà!
Chị về quê, sớm chiều sang chơi với mẹ, đưa mẹ đi thăm thú bà con, họ hàng. Vài ba tháng lại lên thành phố thăm hai đứa con. Chị đem rau sạch, tôm cá tươi dưới quê lên cho con, cặm cụi dọn dẹp, nấu những món các con thích.
Chị gặp lại đám bạn thời học sinh, bây giờ con cái chúng nó cũng lớn, có đứa có cả cháu nội, cháu ngoại, thấy chị dạo này trẻ và xinh ra, chúng nó nghi ngờ :
- Mày sắp tái giá à ?
- Thôi một lần lấy chồng là đủ rồi! Chị mỉm cười.
Mà đúng, dạo này chị trẻ thật, đã ngoài 50 nhưng trông chị như ngoài 40. Chị vốn có làn da trắng trẻo, dáng dấp cân đối. Bao năm đầu tắt mặt tối buôn bán chả nghĩ đến bản thân, bây giờ chị tự thưởng cho mình những bộ váy áo, những đôi giày dép hợp thời trang. Cũng có mấy mối có ý với chị nhưng chị từ chối, chả dại gì mà dính vào nữa. Lúc rảnh chị chăm sóc mấy luống rau sạch, mấy chậu hoa trên mảnh vườn nhỏ. Chị trang trí nhà cửa theo ý thích, mỗi buổi sáng, chị ngồi dưới hiên nhà có giàn mướp nở hoa vàng, thưởng thức một li cà phê sữa thơm lừng, hay một tách trà thảo mộc dịu ngọt, lướt diện thoại xem tin tức. Có lúc chị đi bộ quanh cánh đồng làng, ngắm bình minh, chụp vài kiểu ảnh đẹp…Không còn phải vội vàng dậy sớm dọn hàng, đi chợ… Chị thích ăn gì thì ăn, thích làm gì thì làm, rảnh rỗi tụ tập bạn bè đi du lịch, liên hoan, ca hát…Không phải chịu đựng nhìn sắc mặt bảo thủ, ích kỉ của lão chồng, không phải lo lắng món ăn hàng ngày cho vừa ý lão nữa.
Con gái đầu gọi điện :
-Mẹ ơi, bố ốm nhập viện mấy hôm nay rồi!
Chị và lão không còn là vợ chồng nữa nhưng vẫn còn cái nghĩa. Thế là chị khăn gói chạy lên bệnh viện chăm lão. Bình thường lão đã khó chiều, đến khi bệnh tật lão lại càng chướng hơn, mặc xác lão, chị chỉ cười, tỉ mỉ chăm sóc lão từng miếng ăn, giấc ngủ. Chị về lại căn nhà xưa, quầy tạp hóa đã nghỉ. Chị lại nấu nướng, giặt giũ, xoay bồ bồ vào ra bệnh viện chăm lão.
Lúc lão và chị mới li hôn, con gái trên thành phố cứ cuối tháng lại dẫn người yêu về thăm bố, thấy nhà cửa bừa bộn. Lão sống như cái ổ chuột, không dọn dẹp, hôi hám mốc bẩn. Nó phải thuê người cuối tuần đến lau chùi.
Nằm viện độ hơn nửa tháng thì lão Danh khỏi hẳn, nguyên nhân lão nhập viện thì chỉ có lão mới biết.
Chuyện là sau khi li hôn, chị có cuộc sống bình yên, thanh thản, còn lão lại bị khủng hoảng nặng. Lão nhớ những bữa ăn ngon, vừa miệng chị nấu cho lão, nhớ bát cháo giải cảm thịt băm, rắc lá tía tô thơm lừng, nhớ cả cái dáng người cần mẫn chịu đựng của chị đi ra đi vào sớm hôm. Lão cô đơn kinh khủng nhưng lại không thể chia sẻ cùng ai. Thế là lão “chắp nối” với cô giúp việc nhà lão. Tuần nào cô cũng đến lau chùi, dọn dẹp theo thỏa thuận của con gái lão. Thấy lão chỉ có một mình, nhiều lúc cô ở lại nấu nướng ăn cơm cùng lão. Cô ta khoảng hơn bốn mươi tuổi, gái đã lỡ thì. Về độ khéo tay thì không bằng vợ cũ của lão nhưng lão cũng đành chép miệng thở dài để có người bầu bạn. Hai đứa con lão ủng hộ:
- Bố thấy ổn là được nhưng khoan làm giấy đăng kí kết hôn vì cũng chưa tin tưởng được ai !
Lão thấy các con cũng có lí nên tìm cách nói khéo, cô ta cũng đồng ý chung sống với lão. Cách đây hai tuần, cô ta cuỗm sạch hơn 500 triệu tiền lão bán chiếc ô tô và thanh lí hàng hóa bỏ đi biệt tăm. Lão cay cú, già rồi còn bị lừa, suy nghĩ ăn uống thất thường đến suy nhược cơ thể. Cuối tuần hai con về thăm bố, thấy bố râu ria không cạo, người bẹp dí nằm bê bết bên mấy chai rượu, sốt hầm hập… chúng vội vàng đưa lão đến bệnh viện, rồi tìm cách điện cho mẹ. Lão không ngờ chị vẫn lên chăm lão. Dạo này trông chị hồng hào, tươi tắn hẳn lên. Lão ân hận vì đã đối xử với chị không ra gì, có ý mong chị về lại nhưng chị chỉ cười :
-Có đau ốm, bệnh tật khó khăn gì, ông cứ gọi tôi, nếu giúp gì được ông tôi sẽ xố gắng, còn chuyện về sống lại với ông, tôi không thể, chúng ta hết duyên, hết nợ.
- Tôi xin lỗi bà về tất cả những gì trong suốt hai mươi lăm năm qua. Lão khẽ khàng nói với chị, nhưng vợ cũ lão chỉ nhẹ nhàng :
-Tôi và ông không ai có lỗi, chỉ là nợ nhau đến đó thôi!
Chị nấu cho lão vài món lão yêu thích, đi chợ bỏ đầy tủ lạnh để lão ăn dần đến lúc khỏe hẳn rồi tự mà xoay. Chị về lại căn nhà nhỏ của mình ở dưới quê. Chả dại gì mà dính vào lão nữa, chị đã hết nước mắt để khóc cho hai mươi lăm năm qua rồi. Ông bà nói : Giang sơn dễ dời, bản tính khó thay đổi. Người bảo thủ như lão Danh không dễ thay đổi. Chị chả dại, bây giờ phải sống cho mình.Những năm sau năm mươi tuổi cuộc đời trôi nhanh lắm. . .