TUYẾT RƠI Ở CẤM THÀNH THĂNG LONG
Miền Bắc hôm nay trời trở lạnh thế nhưng trong lịch sử từng có khả năng có hiện tượng tuyết rơi trong Cấm thành Thăng Long. Điều này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử và phân tích dựa trên các nghiên cứu khoa học.
Niên giám các hiện tượng khí tượng thủy văn ghi nhận vào thời nhà Lê Trung Hưng nước Hồ Gươm từng có lần đóng băng. Sự kiện này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu quốc tế khi giai đoạn (1650, 1770) trái đất xảy ra hiện tượng cực tiểu lớn (GSM) hay còn gọi là tiểu băng hà.Thế kỷ này, nhiệt độ ở Bắc bán cầu giảm khi mặt trời vào giai đoạn “ngủ đông” với độ chiếu sáng giảm.
Năm 1055, thời tiết Thăng Long lạnh đến mức Hoàng đế Lý Thánh Tông phải kêu than thời tiết "lạnh khắc nghiệt" đến mức có thể "chết được người vô tội"
"Ta ở trong cung sâu, sưởi là than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế này, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi bị cơn gió lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót".
Cũng trong năm đó, ông truyền lệnh giảm một nửa tô thuế cho dân chúng trong thiên hạ.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng ghi lại 02 lần tuyết rơi ở Cấm thành Thăng Long vào mùa xuân báo hiệu điềm lành. Cụ thể như sau:
- Nhâm Ngọ, Long Phù năm thứ 2 (1102), (Tống Sùng Ninh năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày Lập xuân; tuyết lành xuống.
- Giáp Ngọ, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 5 (1114), (Tống Chính Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tuyết điềm lành xuống.
Hiện tượng tuyết rơi còn được thể hiện trong văn học như bài thơ Ngư nhàn của nhà sư, thi sĩ đời Lý là Không Lộ Thiền Sư:
"Xanh xanh vạn dặm nước trời,
Dâu, đay, mấy xóm chơi vơi khói lồng.
Ngủ say, kìa lão ngư ông,
Quá trưa tỉnh giấc, mịt mùng tuyết bay."
Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, nhiệt độ được ghi nhận trong thế kỷ 20 tại Hà Nội cũng ghi nhận những con số thấp kỷ lục:
"Ngày 12/1/1955, nhiệt độ xuống 2,7 độ C;
Ngày 14/2/1968 là 5 độ C.
Ngày 31/12/1975 là 5,1 độ C"
Lưu ý rằng đây là kết quả đo trong lều khí tượng, thực tế ngoài trời có thể thấp hơn 1 - 2 độ C.
(Đại Việt)
Nguồn tra cứu:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
- Báo Giác ngộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Báo điện tử VietnamNet phỏng vấn ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.