- Biển số
- OF-154572
- Ngày cấp bằng
- 29/8/12
- Số km
- 296
- Động cơ
- 356,210 Mã lực
E vừa làm một lèo thớt của cụ Chủ ! Rất hay ạ ! Cám ơn cụ Chủ !
Sao suối nhiều thế? Có phải cá bò?lần đầu tiên em thấy con cá này
ôi phượt và câu cá àh, đúng cái nghiện của em rồi , các bác phượt xe máy àGHI CHÚ: THÀNH THẬT XIN LỖI CÁC CỤ/MỢ. ẢNH EM UPLOAD LÊN MẠNG PHẢI CHÈN SỐ ĐIỆN THOẠI, WEBSITE CỦA EM VÀO, VÌ HIỆN TẠI CÓ NHIỀU ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN KHÁC ĐÃ SỬ DỤNG ẢNH CỦA EM ĐỂ LÀM TƯ LIỆU PHỤC VỤ RIÊNG CHO BẢN THÂN HỌ. THÀNH THẬT MONG CÁC CỤ/MỢ BỎ QUÁ CHO EM.
Chào các cụ, sắp xếp mãi, cuối cùng em cũng đi 1 chuyến 10 ngày ngược lên thượng nguồn Sông Đà! Em post mấy tấm ảnh hầu các cụ, nhằm giới thiệu tới các cụ nhiều hơn về Tây Bắc xa xôi! Topic này của em không có ảnh xe cộ, em chỉ muốn mô tả nhiều hơn về cách sống, phong tục tập quán, và những điều giản dị ở nơi đây, mong muốn cung cấp nhiều hơn thông tin để các cụ tham khảo, nhỡ đâu mai này lại có cụ nào offroad đến đây, muốn đi chơi sông nước như em ! Đích đến của em là bản Nậm Củm, thuộc xã Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu!
Em xuất phát từ HN, nhưng đi cùng ông già & chú vợ lang thang chơi thủy điện Hòa Bình, rồi Sơn La vài ngày rồi mới lên Điện Biên, nhưng em xin phép không tả cung đường này, vì quá quen thuộc rồi. Em chỉ bắt đầu bằng hành trình bằng xe máy của em từ Điện Biên vào Mường Tè!
Chuyến đi lường trước là vất vả & mệt mỏi nên đối tác đi cùng em chuyến này là cậu em dì đằng nhà vợ, cu cậu này bám theo em câu cá suối, oanh tạc suốt Lai Châu, Điện Biên, ăn rừng, ngủ suối, chịu khổ quen rồi, bơi tốt nên em mới rủ nó đi cùng.
Hành trình đây ạ, từ Điện Biên vào Mường Tè là 200km, từ huyện lên đến bản Nậm Củm thêm 40km nữa.
Khởi hành từ 7h sáng, vừa đi, vừa chơi, 10h sáng bọn em đến thị xã Mường Lay! Đây chính là Thị xã Lai Châu phồn vinh ngày xưa, khi chưa chia cắt tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh là ĐIỆN BIÊN & LAI CHÂU, sau cơn lũ kinh hoàng đầu những năm 1990, tx Lai Châu (Mường Lay bây giờ) mới được di chuyển về Điện Biên, rồi cắt thành tỉnh Điện Biên.
Nơi này thủy điện Sơn La ngập nước, đồng bào dân tộc Thái được CP xây nhà tái định cư, nhà phân theo lô, giống nhau y hệt! Thực sự nhìn rất chán!
Đi tiếp 30km thì đến công trình thủy điện Lai Châu! Đặt tại huyện Nậm Hàng, huyện mới thành lập, tách 1 phần từ huyện Mường Tè ra. Đường đoạn này rất tốt, trải nhựa rất rộng, chắc phục vụ xe công trình là chủ yếu.
Từ Nậm Hàng vào đến xã Mường Mô ~25km, đường đất thực sự rất xấu, nắng thì bụi mù, mưa thì trơn trượt! Từ Mường Mô vào Mường Tè là bắt đầu có đường nhựa, đi lại dễ dàng hơn nhiều, nhưng cung đường này cũng đã xuống cấp! 14h20 thì bọn em đã vào đến huyện Mường Tè! 2 anh em ban đầu dự tính là vào Huyện nghỉ ngơi rồi hôm sau mới đi lên bản, nhưng trời còn khá sớm, nên em quyết định đi ngay.
Rẽ trái là vào thị trấn, rẽ phải là đường đi Nậm Củm, thật bất ngờ là sau 5 năm quay lại nơi này, cung đường đi Nậm Củm đã được trải nhựa thẳng thớm, không còn đường dốc đất đỏ, trơn trượt, khổ cực như xưa
Vui chỉ 1 lát, ôi thôi, đường nhựa chỉ trải khoảng 15km, còn lại là đường đất, đi lại khá vất vả. Hiện tại cung đường này đang được sửa, bọn em đi đến đây đúng lúc vừa nổ mìn làm đường, phải đợi thông xe mới đi tiếp được. Nếu các cụ đi thời gian này, qua đây nên đi vào đầu giờ sáng, trước 9h, và cuối giờ chiều 16h thì ít bị tắc đường. Rất may là nếu có bị tắc, thì cũng chỉ phải đợi khoảng 1 giờ đồng hồ là lại tiếp tục lên đường.
Vai tê rần vì đường xóc, tay chai hết vì bóp phanh liên tục, 16h30 bọn em cũng đã đến bản Nậm Củm.
Đây là bản có 98% dân số là người dân tộc Thái trắng sinh sống, bản khá lớn với ~300 hộ dân. Quay mặt ra sông Đà, 1 bên là suối Nậm Củm trong lành và cá nhiều vô kể. Tập quán của người Thái (Trắng & Đen) là sinh sống nơi gần Sông, Suối! Làm lúa nước, đánh bắt cá rất giỏi.
Bữa tối tại nhà a Thêm, người thân quen của em mấy chục năm nay! Gia chủ mến khánh, bữa cơm chỉ có cá & đậu phụ, và hẳn nhiên, không thể thiếu rượu. Các cụ nếu có dịp được thăm, nghỉ ngơi nhà đồng bào dân tộc Thái, trước khi uống rượu, hãy nhớ & vui lòng cầm chén rót 1 chút xuống sàn nhà. Đây là tập tục gần như bắt buộc của bà con nơi đây! Rót như vậy là rót cho ông bà tổ tiên, những người đã mất trong gia đình, vì họ quan niệm trong tâm linh rằng: người đã mất luôn hiện diện trong ngôi nhà. Rót rượu như vậy là chia sẻ với người đã khuất.
Mục đích chuyến đi này của em vừa là chơi, vừa kết hợp 1 chút công việc. Ăn cơm xong, anh em bàn kế hoạch cho ngày mai! Các ông ấy bảo, cứ chơi đi đã, ok luôn! Sáng hôm sau, 5 anh em (Em + ku em + A Thêm + A Thêu + A Tường, toàn dân bản xứ cả), mang gạo, mắm muối rồi đi sang bên kia Sông Đà bằng thuyền độc mộc.
Thượng nguồn Sông Đà vào mùa này, nước cạn, trong veo, đẹp vô cùng. Nơi đây vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ của Sông Đà, chưa bị nước thủy điện dâng lên như vùng hạ lưu. Nom rất chán, y như Hồ Đà vậy.
Vừa sang đến bên kia bờ Sông, đã bắt gặp ngay vết chân Hoẵng ban đêm xuống sông uống nước! Vết chân lằn trên cát, rất dễ phân biệt vì dấu chân Nai, Hoẵng chỉ có 2 vết móng, còn dấu chân Lợn rừng, Trâu....thì có 4 vết móng.
Anh Tường cả đêm qua thả lưới ngoài Sông Đà, sáng nay đã có 1 mẻ cá kha khá. Em xin mô tả kĩ 1 chút về mấy loại cá ngon nổi tiếng ở đây.
- Bên tay trái các cụ là Cá Pa Đo (gọi chi tiết hơn là Pa Đo - Đăng Veo. "Đăng Veo" nghĩa là "Mũi gãy" theo tiếng Thái). Đây là loại cá ăn ở sát đáy, bám vào đá ăn rong rêu, cá này chỉ dùng chài, lưới mới bắt được! Không bao giờ câu được loài cá này. Da & vảy rất dày, nướng ăn thì ngon lắm.
- Con ở giữa là Cá Chiên, tóm được chú này hơi nhi đồng, chứ cá Chiên lớn nặng 50, 60kg là chuyện bình thường! Cá này ngon nổi tiếng, giá trị kinh tế bây giờ rất cao. Con nào trên 1kg ở đây dân chài vẫn bán 240 đến 260K/kg. Về đến huyện thì cỡ 300K/kg
- Con cuối là cá Lăng (hay còn gọi là Lăng Chấm), cá này thì nhiều nơi có, em xin phép không mô tả nhiều. Thịt cũng ngon tuyệt.
Có thực mới vực được đạo, gần trưa rồi, anh em phải nấu cơm ăn đã. Cả nhóm chọn bãi cát cao, sát khe nước để nghỉ trưa! Các cụ nhớ lưu ý, khi đi suối & sông Tây Bắc, việc chọn địa hình để nghỉ ngơi, hoặc ngủ tối rất quan trọng. Không bao giờ được ngủ sát mép nước, hãy chọn bãi đất cao, an toàn. Năm 2012, em đã bị 1 lần tí chết khi đi câu cá ở Tân Uyên - Lai Châu vào tháng 7, ham câu, anh em hạ lều ngay cạnh bờ suối, nửa đêm mưa to, lũ về! Chạy bán sống bán chết, mất hết cả lều bạt, xoong nồi, may mà còn ôm được đồ câu.
Gỏi cá Chiên, món em được ăn lần đầu tiên trong đời, dù thịt cá Chiên luộc, kho thì hồi bé ăn thay thịt lợn nhiều lắm rồi. Gia vị là cái thứ lá cây rừng gì đó mà em không nhớ tên, rất chát, giã nhỏ, trộn cùng với tí muối mà thôi.
Bữa trưa nay toàn cá là cá! Cá nướng, Gỏi Cá, Cá nấu canh quả Sổ (1 loại quả rừng chua loét, nhưng nấu với cá thì lại hợp vô cùng).
Ăn trưa xong, anh Tường lại tiếp tục đi thả lưới, a Thêm & Thêu thì mò vào rừng thực hiện "nhiệm vụ" do em giao phó (em xin phép không đề cập ở đây ), còn em & ku cậu Kỳ Anh thì giở đồ nghề ra câu cá, mồi câu dùng luôn cá sống, chặt miếng tươi rồi móc vào lưỡi, chờ đợi thôi.
......còn tiếp.............phù.....mai em upload & kể nốt nhé. Buồn ngủ lắm rồi!