Cả bài đây ợ (nguồn :
http://phapluattp.vn)
Muốn có văn hóa giao thông, CSGT phải có văn hóa
Thái độ có văn hóa của CSGT sẽ góp phần không nhỏ vào sự bình yên và an toàn chung của người tham gia giao thông.
Đó là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo quốc gia về văn hóa giao thông (VHGT) do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức ngày 8-9. Nhiều đại biểu cũng đề nghị để có VHGT cần phải xử lý rất nghiêm theo đúng tinh thần pháp trị đối với những CSGT vi phạm.
Biểu hiện của suy thoái văn hóa ứng xử
Theo GS Vũ Khiêu, chưa bao giờ tình trạng mất trật tự an toàn giao thông lại phức tạp như hiện nay. “Xe cộ thì tranh nhau đi, lên xe khách thì giành nhau chỗ ngồi, rồi thì phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn… Đây không phải chỉ là sự yếu kém về VHGT mà thực sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người” - GS Vũ Khiêu cảnh báo.
Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, thì nhấn mạnh việc mất trật tự an toàn giao thông đã và đang làm chết hàng vạn người mỗi năm, gây ra những tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc xây dựng VHGT trong cộng đồng là điều hết sức cần thiết.
Ngoài sự thiếu ý thức của người dân, thái độ có văn hóa của CSGT cũng góp phần không nhỏ vào an toàn chung của người tham gia giao thông. Ảnh: HTD
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng ngoài sự thiếu ý thức của người dân, còn do cơ quan công quyền, nhất là lực lượng thanh tra giao thông và CSGT chưa gương mẫu. Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, bức xúc: “Hiện nay có tình trạng khi làm nhiệm vụ, một số CSGT không đứng ra công khai để điều tiết giao thông mà lại chăm chăm đứng ở góc khuất, sau lùm cây để bắt người vi phạm, bị người dân gọi là “anh hùng núp”. Tương tự, thanh tra giao thông thay vì đi giải tỏa hành lang, kiểm tra hệ thống cầu, đường có an toàn, có bị mất hố ga hay không… thì lại chỉ chú trọng vào xử phạt. Làm nhiệm vụ như thế rõ ràng là không thể hiện sự uy nghiêm, đàng hoàng của cơ quan công quyền”.
Phải từ hai phía
Theo nhà văn - Thiếu tướng Hồ Phương, VHGT không chỉ ở người đi đường mà còn phải cần ở những người duy trì pháp luật trên đường. Có nhiều CSGT hễ cứ xuất hiện là mặt đã hầm hầm với người vi phạm, chẳng khác gì “lửa đã cháy đổ thêm dầu”. Do đó, thái độ có văn hóa của CSGT cũng sẽ góp phần không nhỏ vào sự bình yên và an toàn chung của người tham gia giao thông.
GS Vũ Khiêu thì đề nghị phải xử lý rất nghiêm theo đúng tinh thần pháp trị đối với những CSGT vi phạm. “Phải thường xuyên kiểm tra các lực lượng thi hành pháp luật giao thông. Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, cán bộ thoái hóa biến chất, gây ấn tượng xấu đối với người tham gia giao thông” - TS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, đồng tình.
Tán thành với ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng cũng cho rằng VHGT phải từ phía cơ quan công quyền như CSGT, thanh tra giao thông… và phía thứ hai là người dân. Riêng với các công trình xây dựng, làm “lô cốt”, theo ông Dũng, ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, các nhà thầu cũng cần phải có văn hóa trong xây dựng để công trình không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của người dân. Ông Dũng cho biết trong Tháng an toàn giao thông năm nay (tháng 9-2010), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chọn chủ đề “VHGT vì sự an toàn của thanh thiếu nhi và cộng đồng” nhằm từng bước xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng mực trong tham gia giao thông.
THÀNH VĂN