Là tấm gương dũng sĩ diệt Mỹ khi chỉ 13 tuổi, Hồ Thị Thu được cử ra Bắc gặp Bác Hồ
Nhà đông anh em, nên từ nhỏ Thu đã không được đi học cho nên mù chữ. 9 tuổi, cô là giao liên hoạt động tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chuyển tài liệu, thư từ cho cán bộ chiến sĩ trong vùng bí mật.
Một lần nọ, Thu thấy một chú bộ đội ta bị bắt, địch tra tấn dã man nhưng vẫn một mực không khai báo, địch đem ra xử bắn. Trước khi chết, anh còn hô to “Bác Hồ muôn năm”!
Về nhà, Thu hỏi những người thân trong gia đình: “Bác Hồ là ai?”. “Bác Hồ ở ngoài Bắc và rất yêu các cháu thiếu niên, nhi đồng. Con muốn được gặp Bác Hồ phải giúp các cô chú bộ đội đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước” - mẹ Thu trả lời. Từ đó, ước mong gặp Bác Hồ đã thôi thúc cô.
11 tuổi, Thu xung phong vào đội xung kích bí mật của xã hoạt động tại vùng giáp ranh giữa hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, vận chuyển vũ khí, tham gia chống càn. Năm 1967, Thu được giao nhiệm vụ canh chừng các động tĩnh của đồn bốt địch để báo cáo. Thấy lính Mỹ - Ngụy đem rất nhiều súng ra lau chùi, cô cùng 3 bạn nhỏ bí mật nhặt sỏi, cát nhét vào các nòng súng. Tối đó, bộ đội ta tập kích đồn địch, đánh giáp lá cà, không có vũ khí chống trả, địch bị ép ra mép sông, bỏ chạy tán loạn, bỏ lại những khẩu súng toác nòng dính máu. Trận đánh đó ta thắng lớn mà không bị tổn thất. Riêng Thu, được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ khi mới 13 tuổi vì có công nhét sỏi vào họng súng địch.
Vì là tấm gương dũng sĩ diệt Mỹ khi chỉ 13 tuổi, Hồ Thị Thu được cử ra Bắc gặp Bác Hồ. Bác hỏi:
- Cháu có phải là Hồ Thị Thu không?
- Thưa Bác, phải ạ!
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ thưa Bác, cháu không biết chữ, ba cháu mất sớm, nhà cháu nghèo quá, lại đông anh chị em nên cháu không được đi học ạ!
Bác lặng im, chị nhìn lên thấy ánh mắt Bác thật trìu mến. Kể đến đây, chị cũng nghẹn ngào không cất nên lời.
Sau đó lần lượt các dũng sĩ kể chuyện cho Bác nghe. Riêng chị kể chuyện phá 13 khẩu súng bằng cát, sỏi… Nghe xong, Bác hỏi:
- Thằng Mỹ to thế, cháu lại nhỏ thế này, đánh Mỹ có sợ không?
- Thưa Bác, mấy trận đầu cháu có sợ, nhưng về sau, cháu quen dần vì bên cạnh cháu có các cô, các chú và các bạn nên cháu hết sợ.
Nhìn các cháu thật lâu, Bác Hồ hỏi tiếp: “đồng bào quê cháu sống và chiến đấu như thế nào”?
- Dạ, thưa Bác, đồng bào miền Nam đấu tranh không sợ gian khổ, chiến đấu không sợ bị thương, không sợ hy sinh, mà chỉ sợ mù hai mắt, sau này nước nhà thống nhất, Bác vào thăm không nhìn thấy Bác.
Cháu ngước nhìn lên lại thấy Bác rưng rưng nước mắt. Bữa ấy Bác cho cháu ăn cơm. Cháu ngồi bên Bác, Bác gắp thức ăn cho cháu…
Lần thứ ba, cháu được gặp Bác ở hội trường Ba Đình. Cháu mừng rỡ chạy lại ôm và hôn Bác. Bác hỏi cháu:
- Kỳ này cháu có ăn được cơm không, ăn được mấy bát?
Cháu đáp:
- Dạ, thưa Bác, cháu ăn được hai bát ạ!
Ăn thế là ít đấy! Cố ăn nhiều vào cho khỏe.
Bác dặn thêm cháu phải giữ gìn sức khỏe cho thật tốt, học tập văn hóa, chính trị, lao động cho thật tốt, đoàn kết tốt, thương yêu đồng đội tốt, phải nghe lời các cô, các chú dạy bảo.
Sau những giờ phút quý báu ấy cháu ra về, không muốn rời Bác, chỉ mong sao được gần Bác luôn luôn.
Ngày tháng qua đi, bệnh của cháu lại phát triển, nên các chú đưa cháu vào viện. Được tin ấy, Bác điện vào thăm cháu. Lúc ấy bệnh cháu quá nặng, đến khi cháu tỉnh dậy, các chú nói lại, cháu vô cùng xúc động, vì Bác bao nhiêu là công việc mà Bác còn quan tâm đến sức khỏe của cháu. Thời gian sau cháu xa Hà Nội về trường học, hàng ngày cháu luôn thực hiện lời Bác dạy.