Khử mùi xe hơi chuyện bức xúc mùa hè
Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang ngày càng trầm trọng, tác động không nhỏ đến đời sống cũng như sức khoẻ của con người. Môi trường không khí trong khoang xe bị ô nhiễm thì còn nguy hiểm gấp bội bởi nó gây khó chịu, bực bội cho người ngồi trên xe, ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông.
Có thể nói, xử lý một thứ mùi khó chịu trong xe ôtô cũng giống như điều trị một căn bệnh. Việc khám xét chính xác và cách xử lý phù hợp là yếu tố tiên quyết để diệt tận gốc căn bệnh đó.
Mùi khó chịu trong xe hơi sinh ra từ đâu?
Cần phân biệt giữa mùi của xe mới và mùi của xe cũ. Đối với xe mới, mùi hắc của chất benzen, nhựa vinyl và một số chất khác sẽ làm cho bạn bị đau đầu, thậm chí chóng mặt, buồng nôn khi ngồi vào trong xe. Còn mùi hôi hám, ẩm mốc hay khó chịu trong xe cũ chủ yếu là từ các chi tiết nội thất bị bẩn. Chẳng hạn, nệm ghế bị bụi và mồ hôi bám lâu ngày sẽ có mùi hôi, chua, thảm chải sàn bị bám đất cát và nước từ giày dép thấm vào mà không được vệ sinh, hong khô thì sẽ bị mốc; hệ thống điều hoà toả mùi nếu dàn lạnh bị bám bẩn do xe thường xuyên hoạt động ở các khu vực ô nhiễm. Mùi hôi hám cũng có thể từ các chi tiết khác bị bẩn như tay nắm cửa, táp-lô, trần xe, vô-lăng, động cơ, quần áo cũ, giẻ lau, giày dép
Trong vô vàn các nguồn mùi trên, hương nồng từ hệ thống điều hoà khiến nhiều người khó chịu nhất đặc biệt là vào mùa hè.
Tại sao hệ thống điều hoà có mùi khó chịu, cách xử lý?
Hệ thống điều hoà sử dụng quá lâu không được vệ sinh, bảo dưỡng thì sẽ bị bẩn.Dàn nóng và dàn lạnh bị bụi bám nhiều còn làm giảm hiệu quả làm mát, tốn nhiên liệu. Nếu xe thường xuyên hoạt động ở khu vực ô nhiễm thì mùi hôi hám sẽ bám vào dàn lạnh rồi bị thổi vào trong khoang xe. Biện pháp hiệu quả lâu dài là phải vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh của hệ thống. Nhiều người xủ lý mùi của hệ thống điều hoà bằng cách bật máy sưởi hết cỡ trong khoảng 20-30 phút. Cách làm này chỉ phù hợp với những xe bị ẩm ướt do lâu ngày không sử dụng hoặc làm cho bụi bẩn bám trên các chi tiết của máy lạnh khô đi, bay bớt mùi chứ không chấm dứt hoàn toàn. Sau một thời gian hoạt động, mùi sẽ xuất hiện trở lại.
Máy lạnh cần được sử dụng vệ sinh theo định kỳ thế nào là tốt nhất?
Ngoài việc tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất về việc sử dụng và bảo dưỡng hệ thống điều hoà, lái xe cần linh hoạt trong từng điều kiện vận hành của xe. Với những chiếc xe hiện đại có cảm biến mùi, hệ thống sẽ tự động bật chế độ lấy gió ngoài hay lấy gió trong. Với các loại xe không có thiết bị cảm biến, người sử dụng nên để ý bật chế độ lấy gió trong khi xe đi qua cống rãnh hay những nơi không khí bị ô nhiễm. Thông thường máy lạnh được bảo dưỡng cứ sau 5 vạn km. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào điều kiện và môi trường làm việc của xe.
Tiếp sau việc làm sạch máy lạnh, người sử dụng xe cần quan tâm tới việc vệ sinh các bộ phận của nội thất xe. Trong quá trình dọn vệ sinh, chủ xe cần phân loại các chi tiết theo chất liệu để vệ sinh đúng: nỉ, da, nhựa, crôm, kính
mỗi chât liệu có một cách làm sạch khác nhau.
Quy trình vệ sinh các chi tiết nội thất khác?
Trên thị trường hiện có bán các loại dung dịch vệ sinh dùng cho từng chất liệu của các hãng như Sonax, 3M
được nhiều người sử dụng và cho kết quả khá tốt. Gía tham khảo mỗi lọ dung dịch khoảng từ 200.000 280.000 đồng.
Động cơ có ảnh hưởng đến không khí trong ca-bin không?
Đối với những chiếc xe có vách ngăn không kín thì mùi dầu mỡ bám trên động cơ, nhất là khi động cơ làm việc trục trặc, xăng hay dầu cháy không hết, sẽ ảnh hưởng đến môi trường trong khoang xe. Khi đó, khí ô nhiễm sẽ theo các khe hở hoặc chân phanh, cần số, chân ga bốc vào trong. Mùi xăng sống, mùi dầu mỡ không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn tác động mạnh đến tinh thần lái xe, đặc biệt là các lái xe đường trường. Nó dễ làm cho lái xe và hành khách mệt mỏi, say xe. Vì vậy, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra khí thải, thỉnh thoảng kiểm tra, làm sạch blốc máy bằng một số loại hoá chất chuyên dùng.
Tại sao xe đã được vệ sinh kỹ càng mà vẫn có mùi lạ, khác phục ra sao?
Khói thuốc, mùi nước hoa, mỹ phẩm, hoá chất hay nấm mốc còn đọng ở các ngóc ngách trong khoang xe hoặc bị thẩm thấu vào trong nệm sẽ rát khó hết ngay được. Nội thất lúc này cần được thông gió liên tục bằng cách mở cửa kính khi xe đang chạy hoặc kết hợp các biện pháp bổ sung. Cách mà nhiều người hiện nay áp dụng là dùng một số loại nước hoa để trong khoang lái. Nhưng gần đây, người ta còn lắp các thiết bị lọc không khí bằng máy tạo khí ozone (03) để diệt khuẩn, khử trùng và khử mùi cho xe.
Dùng máy lọc không khí trong xe hơi có lợi hay có hại gì?
Đây là vấn đề được khá nhiều người sử dụng xe hơi quan tâm trong thời gian qua. Thiết bị lọc không khí (còn được gọi là máy tạo ozone) hoạt động dựa trên đặc tính ôxi hoá mạnh của khí ozone để xử lý không khí nhiễm khuẩn, khử các loại mùi, làm sạch nước trong y tế, nước sinh hoạt hay nước trong các bể bơi, nước thải
thiết bị làm sạch trong không khí cũng như trong các khoang xe cũng gần giống như trong phòng làm việc và phòng ở. Khi môi trường cần xử lý không có người, ozone được đưa trực tiếp vào để sát khuẩn và khử mùi hôi. Còn khi có người hoặc sinh vật trong phòng, ozone được vô hại bằng bộ lọc than hoạt tính và nồng độ chất khử được điều chỉnh ở ngưỡng an toàn. Chuẩn an toàn (khuyến cáo giới hạn cho phép) của một số nước như Nhật Bản và Hoa Kỳ là 0,1ppm (tương đương 0,2mg/m3).
Về mặt hiệu quả khử mùi, các loại thiết bị trên thị trường hiện nay cũng có thể đáp ứng. Tuy nhiên, các sản phẩm chất lượng kém hoặc không có bộ lọc than hoạt tính không những có nguy cơ gây hại cho người sử dụng mà còn làm ăn mòn một số chất liệu trên ôtô như đồng, sắt, cao su, thiên nhiên
vì vậy, khách hàng cần tìm hiểu kỹ càng, lựa chọn các nhà cung cấp uy tín và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như thông số kỹ thuật của máy trước khi mua. Trên thị trường nước ta có bán nhiều loại máy lọc có xuất xứ, chất lượng giá cả và mẫu mã khác nhau. Có loại rẻ tiền, chỉ khoảng hơn 200.000 đồng, nhưng cũng có loại lên đến gần chục triệu đồng.
Những điều cần chú ý khi dùng máy lọc không khí trên xe hơi
Việc lắp thêm máy lọc khí sẽ tiêu tốn năng lượng của ắc-quy. Phần lớn các loại máy lọc trên thị trường đều có công suất tiêu thụ khoảng từ 3,5 đến 6W (theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất). Mặc dù mức tiêu thụ không lớn nhưng cũng có thể làm sụt điện năng nếu thiết bị hoạt động trong thời gian dài. Cần chú ý tuân thủ đúng quy trình sử dụng an toàn của máy lọc không khí. Như vậy, việc khử mùi cho ca-bin hiệu quả không chỉ gắn liền với quá trình vệ sinh cho xe liên tục mà còn cả kiến thức của người sử dụng xe hơi. Có như vậy, chiếc xe mới có thể vừa là phương tiện, vừa là chỗ để thư giãn sảng khoái trong mỗi chuyến đi.
Thêm một lý do để từ bỏ thói quen hút thuốc lá trên xe
Một cuộc điều tra do Fish4cars.com (Anh quốc) tiến hành cho kết quả là 96% các đại lý kinh doanh xe hơi đã qua sử dụng tại Anh quốc khi được hỏi, đã trả lời rằng mùi khói thuốc làm giảm giá trị của chiếc xe tới khoảng 910 USD đối với những chiếc xe có giá khoảng 22.657 USD. Những chiếc xe có giá dưới 9.088 USD bị giảm giá tới khoảng 113 USD. Khoảng 90% các đại lý ôtô đã gặp phải trường hợp khách hàng đột ngột quyết định không mua nữa khi phát hiện chiếc xe bốc mùi thuốc lá.
-----------------------
nguồn carrviet.com