Đặt cọc mua đất trong quy hoạch có đòi lại được không?
Ngày hỏi:18/06/2019
Mua bán đất trong quy hoạch
Tôi có đặt cọc số tiền 200 triệu đồng mua mảnh đất ở Bình Dương, chủ đất đã nhận tiền cọc và hứa sẽ bán cho tôi mà không bán cho ai hết. Tuy nhiên sau đó tôi biết mảnh đất này nằm trong quy hoạch công viên cây xanh đô thị, do đó không thể xây dựng nhà cửa. Họ biết mảnh đất này đang nằm trong quy hoạch mà vẫn bán cho tôi. Quá bức xúc nên tôi đã đến đòi lại tiền cọc tuy nhiên họ không chịu trả. Anh chị cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi có đòi lại được tiền cọc không? Xin giải đáp giúp tôi.
Nội dung này được Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 49 Luật đất đai 2013 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 như sau:
"7. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật."
Như vậy, nếu đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền sử dụng đất. Do đó, chủ đất vẫn có quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho,…
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 thì:
"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."
Như vậy, ngay từ khi ký kết hợp đồng này đã không có hiệu lực pháp luật do bên kia đã không cung cấp đầy đủ thông tin về lo đất cho bạn, lại mô tả trình trạng đất không có quy hoạch. Do đó, bên kia đã có hành vi gian dối, không trung thực nhằm dụ dỗ chuyển nhượng mảnh đất đang quy hoạch cho bạn.
Trường hợp này bạn có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu buộc bên kia phải trả lại số tiền cọc 200 triệu đồng cho bạn.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Trân trọng!