Tát con dâu sưng mặt vì dám... thờ bố mẹ đẻ
'Bốp', một cái tát như trời giáng nhằm vào mặt Hiền - cô con dâu. Bố chồng vẫn hầm hầm giận dữ: 'Chị định làm loạn cái nhà này hay sao?'.
Theo truyền thống, chỉ con trai mới thờ cúng bố mẹ, còn con gái đã xuất giá thì chỉ biết thờ phụng nhà chồng. Từ quan niệm này, nhiều bi kịch, nhiều nỗi khổ tâm đã xảy ra trong các gia đình hiện đại, khi người con gái bị cấm thờ bố mẹ mình, trong khi người đã khuất không có con trai.
Có con mà vẫn phải "ăn mày cửa Phật"
Khi bà thông gia cũng theo chân chồng về thế giới bên kia, bên cạnh việc nhắc nhở con trai trong mấy ngày lo việc tang ma bên nhà vợ phải nhớ giữ gìn sức khỏe, ông Thông không quên dặn đi dặn lại: "Bảo với cái Hiền, xong những ngày tuần thì đưa ông bà bên ấy lên chùa".
Dặn dò như vậy vì ông Thông đoán rằng, sau khi việc tang xong xuôi, Hiền, con dâu ông, sẽ đề nghị chồng sau này sẽ đưa bố mẹ chị về thờ cúng. Hiền là con một, bố mất sớm, mẹ chị mất đi là coi như hết người thắp hương cũng giỗ cho ông. Tuy cũng cám cảnh cho nhà thông gia, nhưng đèn nhà ai nhà ấy rạng, ông Thông cho rằng đó là số phận mà những gia đình không sinh được con trai phải chấp nhận.
Đám ma xong, Hiền xin phép bố mẹ chồng dọn sang ở nhà ngoại để hằng ngày thắp hương cho đến khi tròn 49 ngày mẹ. Ông Thông đành chấp nhận nhưng khó chịu vô cùng, bởi chẳng những Hiền không hầu hạ được ông bà theo đúng bổn phận làm dâu, mà còn đưa luôn con trai và hai đứa cháu ông sang bên đó. Vì thế, được một tuần, ông ra tối hậu thư, tất cả phải về nhà, nếu không thì đừng nhìn mặt ông nữa.
Chị Hiền kể: "Bố chồng bảo tôi không biết điều, bổn phận của tôi là phải phụng sự nhà chồng chứ không phải lo việc nhà đẻ. Tôi nói mẹ tôi vừa chết, nếu bàn thờ hương lạnh khói tàn khi chưa đủ 49 ngày thì tội lắm, nhưng ông bảo tôi nhờ ai trong họ hàng thì nhờ, ông không biết. Thế là tôi đành phải mua loại hương vòng cháy trong nhiều giờ, sáng sớm, trưa và chiều tối chạy về thắp hương, còn đồ cúng thì phải nhờ bà bác họ gần nhà nấu hộ bát cơm quả trứng".
"Mẹ tôi vừa chết mà bố chồng còn cư xử cay nghiệt thế, nên tôi không chút hy vọng đưa bố mẹ về nhà để thờ. Tôi chỉ âm thầm tích cóp tiền bạc để một ngày nào đó mua nhà riêng, nơi tôi có quyền thờ cúng bố mẹ tôi", Hiền nói.
Ảnh minh họa
Dĩ nhiên, chị không lộ động cơ đó với chồng, chỉ nói rằng muốn có nhà riêng cho rộng rãi. Và suốt 7 năm sau khi qua đời, mẹ Hiền, cũng như người chồng đã "đi" trước bà nhiều năm, được gửi lên chùa. Hiền nói, mỗi khi nghĩ đến bố mẹ, chị lại thấy tủi cực vô cùng bởi rõ ràng bố mẹ mình có con hẳn hoi mà khi chết đi vẫn phải "ăn mày cửa Phật" như những người tứ cố vô thân.
Rồi vợ chồng Hiền cũng mua được nhà. Hiền khôn ngoan chưa nói chuyện đưa bài vị bố mẹ mình về trong thời gian đầu mới dọn đến ở, khi các bữa tiệc tân gia vẫn được tổ chức và bố mẹ chồng hay chạy qua chạy lại để xem các con sắm sửa, hoàn thiện nội thất đến đâu. Một thời gian sau, chị mới tỉ tê với chồng là anh Thái chuyện này, và anh đồng ý. Anh định sau khi thực hiện cũng sẽ lựa lời nói một tiếng với bố mình. Nhưng anh chưa kịp nói thì bố anh đã lại sang thăm.
Bước vào nhà riêng của con trai, nhìn thấy ảnh ông bà thông gia đặt trên ban thờ, ông Thông gầm lên giận dữ: "Cái gì thế này? Thằng Thái, mày là con tao, tao chưa chết mà mày thờ ai kia?". Anh Thái trình bày rằng gia tiên nhà mình vẫn được thờ bên nhà bố mẹ, ở bên này chúng con thờ bố mẹ Hiền, hai bên thông gia đâu có phải ngồi chung với nhau, chả lẽ con cái có nhà mà bố mẹ vẫn phải ở chùa... Chẳng để con trai nói hết, ông Thông xông đến chỗ con dâu đang đứng nem nép, vung tay tát cho chị một cái như trời giáng.
"Đồ mất dạy, vô giáo dục. Mày định xúi giục con tao làm loạn cái nhà này hả? Tưởng ở riêng muốn làm gì thì làm hả? Dù chúng mày có mua 100 cái nhà thì cũng không được đưa bố mẹ về thờ hiểu chưa? Làm gì có chuyện con rể thờ bố mẹ vợ?", ông Thông nhiếc móc. Hôm đó ông nói rất nhiều, và ra lệnh dẹp bỏ bàn thờ thông gia, nếu không đừng trách ông không nể tình.
Chị Hiền kể: "Chồng tôi rất khổ tâm, nhưng anh ấy không nỡ đuổi vong linh bố mẹ tôi ra ngoài mà vẫn quyết thờ trong nhà. Từ đó đến nay, chúng tôi bị bố mẹ chồng từ mặt. Ông nói chồng tôi là thằng ngu, phản bội tổ tiên, dòng máu, còn tôi là con quỷ phá hoại luân thường, phá hoại gia đình ông".
"Cô chọn người sống hay người chết?"
Không chỉ bố mẹ chồng, người luôn ra sức bảo vệ quyền lợi gia tộc của mình, bản thân người chồng nhiều khi cũng kịch liệt ngăn cản vợ báo hiếu với cha mẹ đã khuất, khi không có anh em trai nào để đảm nhiệm việc ấy.
Chị Nguyễn Thị Lê, 39 tuổi, cho biết, ngay từ khi chị đưa người yêu về ra mắt bố mẹ, các cụ đã nói thẳng với anh rằng, vì nhà không có con trai, nên sau này con gái đầu lòng, tức chị Lê, phải đảm nhiệm việc thờ cúng cha mẹ, người nào muốn lấy chị phải chấp nhận điều đó. Để cưới được chị, anh đã đồng ý, thậm chí còn nói rất hay rằng con nào chẳng là con, khi còn sống con sẽ chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ, khi bố mẹ qua đời thì con sẽ thờ trang trọng trong nhà con.
"Khi đó bố tôi nói, lúc hai thân già chúng tôi còn sống, chúng tôi không cần ai phụng dưỡng cả. Khi chết, chúng tôi cũng không dám quấy quả gia tiên bên nhà thông gia. Ý bố tôi là, vợ chồng tôi sẽ thờ hai cụ trong nhà riêng của mình, như vậy sẽ không bị đụng chạm với bên nội, bên nội sẽ không có cảm giác nhà mình bị người lạ 'chiếm đóng', mà bố mẹ tôi cũng không thấy tủi về cảnh ăn nhờ ở đậu", chị Lê nhớ lại.
Từ đầu đến cuối, tức cho đến khi bố mẹ vợ mất, anh Phong chồng chị chưa bao giờ tỏ ra không thích hay phải miễn cưỡng về điều đó. Nhà anh rất bé nhưng ngoài bố mẹ ra còn có gia đình anh trai sinh sống. Vì thế khi Phong - Lê lấy nhau, bố mẹ Phong lập tức đồng ý chuyện cho họ ra riêng, và có đến 80% số tiền mua nhà riêng do bố mẹ Lê chu cấp. Lê an tâm nghĩ, một là chồng mình đã quán triệt, hai, anh là con trai thứ, ba, nhà không phải của bên nội, nên không có gì cản trở việc họ thờ bố mẹ chị.
"Thế mà đến khi bố mẹ tôi mất, anh quay ngoắt 180 độ. Anh nói, cứ để bài vị bên nhà cũ của các cụ, thỉnh thoảng qua thắp hương là được. Tôi nói, phải đưa bố mẹ về nhà để hằng ngày ở bên con cháu cho ấm áp, nhưng anh không chịu, bảo nếu thờ bố mẹ vợ trong nhà thì thiên hạ nó cười vào mặt anh, nói anh ngu, làm nô tài cho nhà vợ thì có khác gì ở rể", chị Lê chia sẻ.
Rồi anh Phong lý luận, dâu là con, rể là khách, con rể thờ bố mẹ vợ là trái đạo lý, làm vợ mà đòi thờ bố mẹ đẻ là ngang ngược, thiếu hiểu biết..., cứ như anh chưa từng hứa một cách hào hứng, chân thành với nhạc gia rằng con nào chả là con.
Chị Lê cho rằng, con gái hay con trai thì cũng phải hiếu thảo với cha mẹ, thà rằng không có điều kiện thì phải chịu, đằng này họ đủ điều kiện thờ bố mẹ chị thì sao không làm, sao để chị thành đứa con bất hiếu. Anh Phong kiên quyết: "Bố mẹ chết rồi, còn đâu mà báo hiếu nữa. Giờ cô chọn người sống hay người chết? Nếu chọn người chết thì cô phải từ bỏ người chồng còn sống là tôi đây".
Người vợ ngơ ngác, hỏi chồng rằng vậy anh thà mất vợ còn hơn thờ bố mẹ vợ trong nhà hay sao, chuyện để ban thờ bố mẹ vợ trong nhà đối với anh tệ hại hơn chuyện vợ chồng ly hôn hay sao, anh bảo đúng thế. "Đó không phải là câu trả lời bồng bột", chị Lê nói, "nhiều tháng trôi qua anh vẫn khẳng định như vậy. Tôi hiểu rằng tôi không thể sống với người chồng tráo trở, ích kỷ và coi rẻ vợ như thế nữa. Tôi ly hôn. Căn nhà bố mẹ tôi cho tiền mua được chia đôi, tôi giữ nhà, còn anh ta nhận số tiền bằng nửa giá trị căn nhà".
Sau ly hôn, chị Lê đàng hoàng thờ song thân một cách trang trọng trong nhà mình. Còn anh Phong tỏ vẻ hối hận, muốn quay lại, hứa sẽ cho phép chị thờ bố mẹ, nhưng chị cự tuyệt: "Trước đây anh cũng đã hùng hồn hứa với chính người đã khuất, có phải không? Vả lại, tại sao anh vẫn nghĩ tôi cần sự cho phép của anh, và phải chịu ơn anh về việc thờ bố mẹ tôi trong chính nhà tôi?".
Lê nói, khi chồng chị bảo phải lựa chọn giữa người sống và người chết, không phải chị đã chọn người chết, mà chọn đạo lý làm người.
Khả Khanh (Xzone/Tri Thức Thời Đại)