Khi những giọt mưa xuân rơi ấm mặt sông Hồng cũng là lúc cá mòi từ biển đàn đàn lũ lũ ngược dòng trở về. Người già bảo, cá mòi là kiếp trước của chim ngói hoá thành, mùa thu chim bay từ rừng ra cửa biển hoá cá, mùa xuân cá lại bơi từ biển về rừng để biến thành chim…
Bến cổ tích:
Truyền thuyết này giải thích cho việc tại sao cá mòi từ biển bơi vào sông để sinh sản và tại sao khi mổ bộ đồ lòng của con cá lại giống cái mề của con chim ngói đến vậy! Giới khoa học lại bảo cá mòi có một chiếc đồng hồ sinh học chính xác đến lạ kỳ, giống với đồng hồ sinh học của cá hồi ở phương tây. Trứng cá mòi nở ra ở nước ngọt, cá con lớn lên theo dặm dài sông suối đất Việt chảy ra biển cả để tới khi xuân về, mùa sinh sản tới chúng lại nhọc nhằn ngược dòng về đúng nơi mình sinh ra trước kia để làm công việc màu nhiệm: sinh sản. Từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch cũng là mùa các làng chài ven sông Hồng giăng lưới đón “chim ngói” bơi về, mùa của khắp nẻo quê, góc phố thơm lừng mùi mòi nướng, mòi kho...
Anh Tuấn đang bắt cá (ảnh lưu trữ bị lỗi nên em dùng ảnh cũ này đã bị resize)
Mắt cá mòi cực tinh, các loại lưới thông thường đều bị chúng phát hiện, lẩn tránh tài tình nên đánh mòi cần có lưới riêng, sợi rất mảnh mà ngư dân quen gọi là máng sợi. Xưa lưới mòi được kết từ tơ tằm, thân rất hẹp gọi là lưới quân. Tơ tằm ngâm xuống nước rất chóng hỏng nên cánh phụ nữ vạn chài đánh vụ cá này đã phải đan lưới cho vụ sau. Giờ người ta đánh mòi bằng loại lưới đặc chủng có ba lớp, hai lớp áo và một lớp thịt. Áo để chịu lực còn thịt lưới sẽ là nơi cá mắc vào. Một tay lưới rộng trung bình 8-10 m, dài cả ngàn gang tay tương đương với 200 m, giăng từ mặt nước tới đáy sông. Mắt lưới mòi rộng vừa phải để chỉ bắt những con mòi lớn, loại nhỏ để dành cho những vụ sau.“Cá mòi càng vào sâu đất liền càng thấm vị phù sa thịt thơm và ngọt còn cá đánh ở ngoài cửa biển thoảng có mùi khai khai. Cá cũng giống người, ăn càng mặn đái càng khai”. Có người hóm hỉnh giải thích với tôi như vậy…
Anh Tuấn đang bắt cá (ảnh lưu trữ bị lỗi nên em dùng ảnh cũ này đã bị resize)
Đêm luễnh loãng như một màn tơ nhện màu nhung khổng lồ giăng mắc. Bến đò Mây (phường Lam Sơn, TP Hưng Yên) từng đoàn thuyền vun vút mái chèo, rẽ sóng vươn xa. Tôi ngồi trên thuyền của anh Nguyễn Văn Tú bơi ngược về phía giáp tỉnh Hà Nam. Cặp đôi với anh là thuyền của bà Trần Thị Lụa. Bên bờ lở, bên bãi bồi, hai chiếc thuyền cứ sóng đôi giăng thành một thế trận gọng kìm lùa cá. Hôm đó, gió mùa, rét khiến cá mòi ăn lửng, dù mắc lưới cũng không làm nhấp nháy phao, còn buổi ấm trời cả đàn ăn nổi nô nhau khiến mặt nước xao động phát ra những tiếng oạc oạc. Cũng trong những đêm đánh mòi như thế ngư dân còn vớt được cả… đứa con nuôi có tên là Nguyễn Thị Liên. Liên ngồi chơi trên cầu cùng người yêu, cả đôi chẳng may ngã xuống sông, chàng trai chết còn cô gái chấp chới giữa dòng được ông Nguyễn Văn Bản cứu rồi trở thành con nuôi của vạn.
Giỏ cá mòi tươi rói (ảnh lưu trữ bị lỗi nên em dùng ảnh cũ này đã bị resize)
Bà cụ đánh cá:
Đối với vạn chài Lam Sơn, bà Lụa là một hình ảnh quen thuộc gắn bó đã hơn nửa thế kỷ. 67 tuổi, theo bố mẹ đi đánh cá từ năm lên bảy đến giờ đã lên chức cụ được 5 năm bà vẫn đi thả lưới. Sông nước là nhà, là kế sinh nhai nhưng cũng nhiều lần suýt là tử huyệt, nhất là bận bà bị con cá sủ vàng khổng lồ lôi đi: “Lúc ấy đang lôi dàn lưỡi câu, tự nhiên có một lực gì đó rất mạnh giật, cái lưỡi bập sâu vào tay lôi tuột tôi xuống sông. Quăng cả nón, vứt cả khăn, cởi bớt quần áo dài cho đỡ ngấm nước, tôi một tay bơi theo con cá, một tay giữ chặt lấy dàn lưỡi mà gỡ. Gỡ xong cái lưỡi mắc ở cổ tay, con cá đột ngột kéo mạnh, một chiếc lưỡi khác lại bập vào bắp chân tôi, máu chảy ròng ròng. Vật lộn mãi trên sông, cuối cùng tôi cũng lôi được lên thuyền con cá sủ vàng nặng tới 32 kg...".
Lá bưởi dùng để kẹp cá nướng (ảnh Lao động)
Bà có sáu người con bỏ một còn năm trong đó có đứa đẻ rơi trên thuyền, tự tay mình rót phích nước sôi dúng cái dao cùn vào tiệt trùng cắt rốn. Chân chèo, tay ra lưới, con ngậm đầu vú nằm gọn trong lòng mẹ mà ngủ. Cơm bữa hai lưng, ngày hai cữ rượu, vui bà uống đôi chén, buồn chỉ uống một. Sáu mươi năm chèo thuyền, đầu gối thoái hóa gần hết, đi trên bờ cứ thập thà thập thõm vì đau mà lạ cái, xuống nước, đôi chân bà dẻo hoạt tựa vây vi loài cá. Thủa chồng còn sống, họ là đôi sam, lúc ông chết đi, bà một mình một thuyền lủi thủi bờ sông, bãi sú từ nửa đêm đến tận sáng, chiều. Nửa thế kỷ theo nghiệp sông nước, nhà cửa không có, lên chức cụ bà vẫn không ngơi chân chèo, tay rải lưới: “Chừng nào còn sức khỏe là tôi còn làm chứ hễ rời dòng sông một vài ngày là tự dưng sinh ốm…”.
Cá mòi nướng lá bưởi (ảnh Lao Động)
Sát mòi đệ nhất:
Xưa, từ tháng một đến tháng tư âm là mùa cá mòi, hễ có mưa rào xuống cá lùi ra biển, mùa mòi cũng kết thúc. Hồi đó chưa có các đập thủy điện lớn ở thượng nguồn nên chỉ có nước từ rừng về biển, cá cứ theo con nước mà ngược lên theo cái đồng hồ sinh học trời định. Nay sông Hồng một ngày 12 tiếng nước chảy xuôi, 12 tiếng nước chảy ngược, cá có quanh năm, ngoài vụ mòi xuân còn thêm một vụ mòi trái mùa từ tháng tám đến giáp Tết nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến mòi chính vụ. Tháng hai nắng ấm, mòi đực đuổi mòi cái lúc này đang mang một cái bụng đầy trứng để “lẹo” nhau.
Chế biến cá mòi cho khỏi xương răm (ảnh Lao Động)
Sách cổ chép rằng "thời ngư nhục mỹ hiềm đa cốt" nghĩa là thịt cá mòi ngon nhưng lắm xương. Để hóa giải những chiếc xương li ti của chúng, người ta khía lưng cá kiểu mắt dứa, rạch một đường nhỏ dưới bụng nặn túi mật ra rồi áp chảo, nướng than hoa, hấp lá bưởi, kho tương gừng… Mòi đĩa - loại mòi thượng hạng, mỗi con nặng chừng 1,5 - 2 lạng bày vừa vặn trong cái đĩa Bát Tràng in hình con cá chép xưa là thú thưởng ngoạn của các bậc quân tử. Những bận cá mòi nhiều, bán không hết người ta còn làm mắm. Thứ nước mắm trân quý, nhóng nhánh đen, thả hạt cơm vào nổi chổng phộc. Tiết đại hàn dân vạn chỉ húp bát nước mắm mòi là ngụp lặn cả buổi dưới đáy sông Hồng. Bát mắm mòi đã thay cho tấm áo ấm!
Cá mòi là chiếc ăng ten rất tinh nhạy của tạo hóa. Hễ hôm nào giăng lưới được ít cá là y như rằng hôm sau có trở trời hoặc mưa rào trút xuống. Cá cũng có cảm xúc, vui buồn, nước ấm nhảy lên mừng hệt như con người đang dãi nắng bỗng gặp bóng râm. Đoán giờ nước lên để giăng lưới trước chừng một đôi chục phút là đón lõng được thời điểm cá mừng nước, còn không coi như mẻ lưới đó thất bại. Bắt nước giỏi, rải lưới óng ả (chì phao tách ra không rối) lại đoán định được địa điểm nào ở trớn cát (bãi cát ngầm) có cá nên anh Nguyễn Văn Tuấn được coi là người có tuyệt kỹ săn mòi đệ nhất vạn Lam Sơn. Cùng giăng lưới ở một quãng sông mà ngày nào anh cũng được nhiều cá hơn người ta gấp đôi, gấp rưỡi.
Cá mòi kho niêu đất (ảnh mạng)
Người ta đi thâu đêm, suốt sáng đến mức vừa bơi vừa ngủ gà ngủ gật mà cá vẫn ít trong khi anh chỉ nhẹ nhàng đánh tới nửa đêm rồi về nhà ngủ đẫy giấc, sáng ra vợ vẫn ặc è xách đầy làn đi chợ. Điểm đặc biệt của anh là đoán định số cá mình sẽ bắt được ngày mai, không mấy khi sai đến… vài lạng và có trí nhớ kinh người: “Năm ngoái 12/2 âm lịch mới có cá, một buổi tôi đánh được 3,5 kg, còn năm nay vụ mòi đến sớm, ngày 6/1 âm lịch đánh được 6 kg, 8/1 đánh được 10,4 kg, 11/1 được 16 kg nhưng hôm nay có mưa phùn dù chưa rải lưới tôi đoán chỉ đánh được cỡ 10 kg”. Y như rằng, hồi chiều thuyền cập bến, cân chiếc làn của anh được 10 kg đúng. Anh cười bảo: “Ông nào nói nhìn tăm cá mòi để rải lưới là chỉ có nói phét. Cá mòi không bao giờ có tăm bởi nó gần như không có bong bóng. Từ đòng đong, cân cấn, diếc, trắm, rô, mè đều có tăm nhưng cá mòi chỉ có dạ dày và ruột”. Cá mòi là giống cá yếu ớt nhất hạng. Vừa vớt lên đã chết, thậm chí có con còn chết ngay khi mắc lưới. Đã bao bận dân chài dùng đủ mọi cách như sục khí, như đục cả một khoang thuyền, thu nước sông vào để giữ cho cá sống đều thất bại…
Cá mòi chiên (ảnh mạng)
Chốn sông nước hiểm nguy khó lường. Trong một vụ mòi, ông Trần Văn Chiến (xóm Bãi) bị sóng to đánh trực diện, chiếc thuyền cùng tay lưới trôi tuột ra biển, cả vạn chài dùng câu móc mãi mới thấy xác ông. Ông chết trong tư thế hai tay bấu chặt lấy đáy sông. Trong một vụ mòi, anh Nguyễn Văn Tuynh đang đánh lưới giữa trưa bị tàu lớn đâm chìm nghỉm thuyền may có người vớt kịp. Trong một vụ mòi ở cửa Nam Hải, bản thân sát thủ Tuấn gặp phải một cơn to thuyền trôi tự do ra tận Đồ Sơn, sóng đánh trùm đầu hút chết. Nhiều người đã từng bỏ mạng như thế. Bởi vậy, dân vạn thường thả vàng hương, gạo muối vào mỗi mùa cá mòi cho những vong hồn này được một bữa no để đỡ quấy phá…
CSTĐ