Ralf Rangnick là ai?
View attachment 6696464
View attachment 6696474
Rangnick có vẻ ngoài giống một ông giáo, và ông quả thực từng là thầy dạy Thomas Tuchel, người sau này làm nên tên tuổi ở Mainz 05, Dortmund và hiện tại là Chelsea. Tuchel thừa nhận thời gian làm việc cùng Rangnick ở SSV Ulm đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp huấn luyện của ông về sau. Rangnick cũng có những cuộc tranh cãi nảy lửa với Juergen Klopp, từ trên sân cỏ ở giải hạng Nhì (khi Klopp còn ở Mainz, Rangnick ở Hannover) cho đến những cuộc tranh biện trên truyền hình. Họ đều là những nhà cách tân chiến thuật, nhưng Rangnick và Klopp đi theo hai đường khác nhau.
Báo chí Đức đến nay thỉnh thoảng vẫn nhắc lại cái ngày 19/12/1998. Hôm ấy, một Rangnick hãy còn rất mới trong làng cầu nước Đức, đang cùng SSV Ulm dẫn đầu bảng điểm Bundesliga. Trên truyền hình, Rangnick cầm một tấm bảng chiến thuật với những viên nam châm trên ấy và giải thích cho học trò về sơ đồ bốn hậu vệ cách kèm người khu vực. Người Đức lúc đó chê Rangnick là cổ lỗ sĩ bởi thời điểm ấy, đội tuyển quốc gia và tất cả những đội bóng đang chơi ở Bundesliga, trừ Monchengladbach, đều đá với sơ đồ ba trung vệ . Thời ấy, Matthias Sammer còn đoạt Quả bóng Vàng vì chói sáng ở vị trí libero. Từ Frank Beckenbauer qua Lothar Matthaeus và Sammer, lịch sử nước Đức được viết nên bởi những libero như thế.
Nhưng Rangnick đã đúng. Vì Sammer là libero xuất chúng cuối cùng của bóng đá Đức. Sự cạn kiệt tài năng ở vị trí đặc thù này cùng sự phát triển của chiến thuật đã chứng kiến nước Đức chuyển qua đá với sơ đồ bốn hậu vệ suốt từ ấy đến nay.
Nhà cách tân bóng đá: Rangnick chưa từng thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Ông chỉ đá nghiệp dư ở Stuttgart, Victoria Backnang và Southwick FC trước sang Anh du học, ngành... vật lý học thiên thể.
Toàn bộ kiến thức bóng đá của Rangnick đều là tự học. Mong muốn trở thành HLV của Rangnick cháy lên sau khi cùng đội Backnang đá giao hữu với Dynamo Kyiv của Valeriy Lobanovsky vĩ đại năm 1984.
"Nhìn họ đá, tôi luôn có cảm giác họ hơn chúng tôi ít nhất một người", sau này ông nói. "Và tôi biết đấy phải là tương lai của bóng đá".
Cũng như Marcelo Bielsa, Rangnick luôn nhấn mạnh vai trò của pressing. Ông không phải là người nghiện kiểm soát bóng như Johan Cruyff và những môn đồ của huyền thoại này, nếu như việc cầm bóng không mang lại một lợi ích cụ thể nào.
Một vài năm sau cuộc hạnh ngộ với Lobanovsky, Rangnick được vài người bạn Italy gửi cho mấy cuộn băng video, ghi hình các trận đấu của AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi. Ông từng bỏ nguyên cả một kỳ nghỉ cùng gia đình, chỉ để đọc và xem phương pháp tập luyện của Zdenek Zeman, khi ấy đang cầm quân cho Foggia. Và chính phương pháp mang tính cải cách ấy sau này đã dẫn đường cho SSV Ulm leo lên Bundesliga vào năm 1998. Thành công (và cũng có những tranh cãi) ở Stuttgart, Hannover rồi Schalke càng làm cho Rangnick nổi tiếng với biệt danh "Giáo sư".
Năm 2006, Rangnick lần đầu tiên nhận lời mời làm việc từ một tỷ phú: Dietmar Hopp của Hoffenheim. Chặng đường vươn lên của đội bóng làng này thiết nghĩ không phải nói nhiều nữa. Tờ Süddeutsche Zeitung tóm tắt: "Sự vươn lên của Hoffenheim, cùng với lối chơi trực diện, tốc độ đã góp phần vào sự hồi sinh của cả nền bóng đá Đức".
Đang ở đỉnh cao danh vọng, Rangnick rời Hoffenheim vì mâu thuẫn với chính ông chủ Hopp. Sau khi CLB có được thành công, nhà tỷ phú bắt đầu có những can thiệp về mặt chuyên môn, và điều đó với Rangnick là cấm kỵ. Cũng như triết lý trên sân cỏ của ông là kiểm soát trận đấu chứ không kiểm soát bóng, Rangnick muốn được toàn quyền về mặt chuyên môn. Ông không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với bất kỳ ai, từ chủ cho đến cầu thủ. Ở Schalke, Rangnick căng thẳng với ngôi sao số một lúc ấy là Raul Gonzalez. Trước đó là với Krassimir Balakov ở Stuttgart và Carlos Eduardo ở chính Hoffenheim.
Không một ngôi sao nào được phép cao hơn đội bóng, và cao hơn... Rangnick.