Có một ngày đi tìm lại những sắc màu Mù Cang Chải trong ký ức. Gõ vào Google dòng chữ "lang thang Mù Cang Chải".
Và nhờ Google mà tình cờ lạc chân đến topic này. Nhận ra mình là người lạ nhưng lại thấy những bức ảnh quen từ những góc nhìn quen.
Bỗng dưng muốn post lại từ blog của mình những dòng chữ viết vào những ngày nắng đẹp không xa.
Có lần mình đã nhủ thầm: Một lời nói không bằng một dòng chữ viết ra, một dòng chữ viết ra không bằng một bức tranh hay ảnh diễn tả.
Dòng chữ nào có thể thay bút vẽ, thay máy ảnh để miêu tả được những sắc màu? Hình như là không thể.
Nhưng vẫn đành mượn ngôn từ để diễn tả chút tình riêng với một nơi giờ đã là mùa đông.
NẮNG VÀNG EM ĐI ĐÂU MÀ VỘI
Mượn lời bài hát của Trịnh Công Sơn để tự nhắc mình về những chuyến lên đường vội vã. Đang ở Sài Gòn những ngày nắng đẹp, ra Hà Nội mấy ngày trời mưa ảm đạm, u ám. Ngồi làm việc mà lòng bồn chồn không yên. Một vài người bạn biết mình định đi Mù Cang Chải, ai cũng khuyên: Quay về Sài Gòn đi, mưa thế này sẽ sạt đường, lở núi, rồi lũ quét, rồi sẽ kẹt lại cả tuần không về được…
Ừ, nhưng mà chuyến đi nào của mình xưa nay cũng vội vàng, cũng có chút bất trắc. Thời gian của con người thì hữu hạn. Những chuyến đi chính là sự nối dài thêm đời sống vốn hữu hạn của con người. Con người có cơ hội được sống thêm ở những khung cảnh khác, gặp những cuộc đời khác. Nên có được chút thời gian rảnh rỗi, lại ba lô khăn gói lên đường.
Nghe dọa thì sợ nhưng lòng vẫn muốn đi, vẫn nấn ná ở lại Hà Nội chờ ngày mưa tạnh. Rồi trời cũng chiều lòng mà tạnh mưa thật.
Lên đường từ lúc 5g30 ngày thứ 7 cuối tuần. Trời còn mờ tối, ánh đèn đường vẫn sáng trong đêm. Không biết bao nhiêu lần đã lên đường vào những buổi tờ mờ như thế này. Lần nào lòng cũng nao nao. Trời vẫn chưa sáng rõ mặt người, khi băng qua sông Hồng dõi mắt nhìn xuống làn nước, vẫn chưa thấy ánh sáng màu trắng bạc của bình minh. Không biết đã đi qua sông Hồng bao nhiêu lần, chỉ biết là đủ nhiều để nhận thấy sắc nước sông Hồng thay đổi không chỉ theo mùa mà còn theo từng thời khắc trong ngày. Mùa xuân nước trong nhất, mùa hè nước đục hơn. Sang thu thì nước ngả màu xám, đến mùa đông màu xám ấy pha thêm màu bạc của khói sóng. Trong ngày cũng thế. Sáng sớm nước sông Hồng như có màu trắng bạc. Dưới ánh sáng ban ngày, nước sông trở về cái màu đỏ đục trứ danh, về chiều, lại ngả sang màu xám trầm buồn. Mới chỉ gần sang thu, mà sao đã nhớ hoa cải vàng. Nhớ những chiều đông lang thang trên đê sông Hồng, cứ ngẫu hứng đi, đi mãi.
Cố đi nhanh để thoát ra khỏi thành phố trước giờ kẹt xe buổi sáng. Nhưng đường Hà Nội vẫn vắng, chợt nhớ những chiếc lô cốt đang lấn chiếm mọi con đường của Sài Gòn, làm khổ mình ngày hai buổi sáng chiều.
Bắt đầu từ Sơn Tây là đã thấy nắng vàng, trời xanh, mây trắng. Lần nào đi đến Sơn Tây, trời luôn xanh trong và có nắng vàng. Ngẫu hứng đọc mấy câu thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của thi sĩ xứ Đoài – Quang Dũng với bạn đồng hành.
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Đi ngang nơi này nhớ một chiều làng cổ Đường Lâm yên bình, một chiều Tây Phương vắng khách vãn cảnh chùa. Bao giờ mình có dịp trở lại nơi ấy? Sư cụ tuổi đã cao lắm rồi.
Chưa ăn sáng, vượt qua vô số những hàng quán bán sữa để ghé vào một quán bánh cuốn bên đường. Rất ngon. Ngồi ở bàn bên cạnh là hai chuyên gia đi phượt. Vác máy ảnh thể hình, quần áo loại nhiều túi. Thầm nghĩ vào những ngày thế này, các nhà phượt chắc đang tập trung về Mù Cang Chải. Mấy tuần nay các diễn đàn trên mạng, chỗ nào cũng bàn về Mù Cang Chải, về ruộng bậc thang, về thời tiết.
Một em bé con đi cùng cha mẹ vào quán toét miệng cười suốt với mình, như một điềm may trước lúc lên đường.
Nắng vàng ngọt như mật. Và rơm vàng trải suốt dọc đường. Chưa bao giờ thấy nhiều rơm đến thế. Đời rơm thân mỏng phận hèn. Miền Tây Nam Bộ có cảnh đốt đồng, không có cảnh phơi rơm. Miền Tây Nam Bộ còn có cảnh phơi lúa dọc đường.
Vượt qua cầu Trung Hà bắc ngang qua sông Đà để vào đất Phú Thọ. Bắt đầu thấy bóng dáng của những cây chè xanh một màu xanh đậm đà.
Qua đèo Khế, háo hức hỏi bạn đồng hành, có phải đây là con đèo Khế trứ danh trong thơ Tố Hữu
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng đèo Khế gió sang
Không dài lắm, đường đi khá tốt, đèo Khế xóa đi ấn tượng về một cung đường hay có núi sạt, lở đèo. Là ranh giới tự nhiên giữa đất Phú Thọ và Yên Bái, đèo Khế như vô vàn con đèo khác trên đất Việt Nam, có chăng chỉ vì một câu thơ duy nhất hay trong bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu mà trở thành nổi tiếng. Tự nhiên lẩn thẩn nghĩ rằng: Không biết ở Việt Nam có bao nhiêu con đèo được đưa vào thơ, vào nhạc? Phì cười vì nhớ lại đèo Ngang “cỏ cây chen lá đá chen hoa” nên thơ của Bà Huyện Thanh Quan, nay biến thành chuyện hài hước, muốn được đổi tên thành đèo Nghếch để xóa đi cái số “đang nghèo”.
Chặng đường đi qua miền trung du ngược lên miền núi. Những phố thị thưa và xa dần. Bao nhiêu là phố huyện giống nhau, những gương mặt vụt qua lần cửa kính, nhòe nhoẹt, không rõ. Dừng chân ở một quán cà phê ở một địa danh mà mình hoàn toàn xa lạ: thị trấn Nông trường Trần Phú. Quán không một bóng người. Đậm chất một quán cà phê phố huyện với mành trúc, hoa giả và mấy thứ đồ uống nghèo nàn. Yên ả, thanh bình. Chủ quán là một em trai, nhiệt tình chỉ đường, như đã quá quen với những vị khách kiểu này. Đường đến Mù Cang Chải không còn xa.
Càng gần đến Tú Lệ, càng thấy nhiều bóng dáng của người dân tộc Mông. Nhớ lại những kiến thức linh tinh đọc được ở đâu đó, 90% dân số Mù Cang Chải là người dân tộc Mông với 4 nhóm người: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lình (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ). Phân loại này là dựa vào trang phục họ mặc trên người. Họ thường sống trên những triền núi cao nhất.
Xuống xe làm quen với vài em bé người Mông, chúng hầu như không nói được tiếng Việt. Chỉ có tiếng cười và ánh mắt nói thay nhiều điều. Lắng nghe thật kỹ những tiếng Mông để tìm xem có phảng phất âm điệu tiếng Hán hay không mà các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc cứ khăng khăng xếp họ vào ngữ hệ Hán - Tạng, trong khi đã từ lâu, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã tách họ ra thành một ngữ hệ riêng: Ngữ hệ Mông – Miền hay còn gọi là ngữ hệ Miêu – Dao và được được xem là nhóm ngôn ngữ đa thanh điệu nhất.
Lần nào lên vùng núi cao phía Bắc cũng quan sát thật kỹ nét mặt người Mông. Về mặt nhân chủng học, họ không khác gì với những người Mông ở Lào, ở Thái Lan, ở Myanmar, ở Trung Quốc mà mình đã từng tiếp xúc, tập tục dù có khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản vẫn là văn hóa của một dân tộc ít người, sống chênh vênh trên những triền núi cao.
Độ cao cứ dần thay đổi, đã thấy những thửa ruộng bậc thang hiện ra hai bên đường lúc 2 giờ chiều. Trời xanh ngắt, những thửa ruộng xanh và vàng đan xen vào nhau, như là những tấm thảm lộng lẫy được đất trời thêu hoa dệt gấm. Từ trên cao nhìn xuống khó có thể tin được đấy là kỳ công của bàn tay con người qua bao nhiêu năm tháng. Nắng vẫn vàng và trong suốt. Không khí mát lành phảng phất mùi hương lúa.
Ruộng bậc thang không chỉ riêng có ở miền núi phía Bắc và vùng đất Tây Nguyên Việt Nam. Một phương thức canh tác cổ xưa có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về nông nghiệp và khảo cổ cho rằng nó đặc biệt phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Ở Philippines, ở Thái Lan, Indonesia đều có ruộng bậc thang. Thậm chí ruộng bậc thang Banaue của người Ifugao ở Philippines đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì được Việt Nam được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ở Vân Nam (Trung Quốc), một nơi rất gần với Việt Nam cũng có ruộng bậc thang. Chủ nhân của chúng chủ yếu cũng là những người Mông. Xa hơn nữa, người da đỏ Inca ở Peru cũng canh tác ruộng bậc thang.
Có vô vàn điều để nói quanh những thửa ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là một loại hình canh tác đặc biệt của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Một nền văn minh nông nghiệp, trọng lúa gạo, trọng sự ấm no và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh. Đồng bằng đã được mang lên miền núi có nghĩa là cơ cấu bữa ăn thay đổi, sinh hoạt thay đổi, xã hội cũng có sự thay đổi.
Lững thững đi bộ trên đường ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân chụp vài ảnh làm kỷ niệm. Muốn đi cho ánh nắng chiếu vào làn da trần. Muốn đắm mình trong bầu không khí tinh khiết của một ngày nắng đẹp. Có lần mình nhận xét: phương Nam nhiều nắng, phương Bắc nhiều gió. Vậy mà không ngờ có ngày mình gặp được nắng ở chốn phương Bắc xa xôi này. Dưới chân vẫn là những bức tranh với đủ sắc màu xanh điểm chút vàng. Màu sắc của những thửa ruộng bậc thang thay đổi theo ánh nắng. Từ trên cao, nhìn thấy rõ đường đi của những tia nắng trời. Ngẩng mặt lên, chỉ gặp một ít mây trắng lững lờ.
Lẩm nhẩm trong đầu một câu thơ của Pierre Emmanuel: “Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?” Câu thơ luôn ở trong tâm trí mình mỗi khi đối diện với thiên nhiên. Có lẽ cuộc đời trần thế của con người quá nhiều màu sắc vui buồn nên là hữu hạn, còn thiên nhiên chỉ giản dị một màu xanh lá cây nên là vô tận vô cùng.
Căng mắt nhìn để phân biệt các sắc độ màu xanh. Màu xanh lá ngả vàng là của các thửa ruộng đang chín tới. Màu xanh lá non là các ruộng lúa chưa đến thì. Xanh lá đậm đà hơn là những ruộng lúa lên đòng. Những bụi cây lô xô trên triền núi ngả màu xanh thẫm. Xanh thẫm hơn nữa là những ngọn núi ở xa mờ làm nền cho những thửa ruộng. Và bao trùm lên tất cả là một nền trời xanh thẳm lạ lùng. Màu xanh thẳm ấy, dường như vay mượn từ biển cả mang lên trời cao. Màu trời xanh ấy, chỉ mới gặp một lần ở cánh đồng Chum, nay lại được gặp.
Màu vàng của nắng cùng sắc với màu lúa chín. Nắng đi lang thang trên các đỉnh đèo, lang thang trên những thửa ruộng bậc thang. Lúc ẩn lúc hiện, nhưng lúc nào cũng như thấy nắng ở bên cạnh, không chói chang, gay gắt, mà ngọt ngào, ấm áp. Nắng vùng cao khác với nắng đồng bằng, lại càng khác xa nắng nơi đô thị. Nắng vùng cao vàng trong suốt, lấp lánh trên từng phiến đá, bụi cây, thỏa sức khuếch tán, vẫy vùng giữa không gian bao la, phóng khoáng. Nắng đồng bằng hiền lành, vàng óng ả, trải rộng yên bình. Nắng đô thị oi ả, đặc quánh giữa những mảnh khối bê tông, đường nhựa.
Có một người bạn họa sĩ của mình năm nào cũng đến chốn này và vẽ. Vẽ như bị ám ảnh. Vẽ trong mê mải. Sau nhiều năm, đầy nhà là những bức tranh. Không tặng, không bán. Chỉ bán những bức tranh khác. Có lẽ một ngày nào đó, bạn sẽ mở một triển lãm dành riêng cho chốn này.
Màu xanh chỉ đơn thuần là sự sống. Nhưng cột điện và những mái nhà nhỏ xa xa tạo cảm tưởng rằng sự sống đang tiếp diễn trôi chảy. Những khung cảnh quen thuộc: những dáng người lom khom trên ruộng lúa. Những chiếc khăn đội đầu đủ màu sắc. Những ánh mắt đau đáu lạ kỳ của các em nhỏ. Những chú heo mọi thả rông… Năm này qua năm khác, có bao giờ sẽ thay đổi không? Có bao giờ sẽ hết đói nghèo không?
Một chiều nắng vàng lang thang ngắm nhìn. Một chiều nắng vàng chưa đủ để thấy hết khung cảnh nơi này. Nhưng đã đủ để thấy gắn bó, thấy yêu. Trên đường đi gặp đủ mọi dân phượt. Xe máy, ô tô lũ lượt đi và dừng. Nhìn đâu cũng thấy máy ảnh. Nét mặt ai cũng rạng rỡ. Mình cũng chụp ảnh như bao nhiêu người đã chụp. Mệt mỏi dừng chân, chợt hứng chí chụp xuống đôi giày. Hai năm, đôi giày đã cùng mình lang thang nhiều ngàn km đường bộ.
Hoàng hôn ở đây về chậm. Những thửa ruộng bậc thang trong cảnh chiều tà cứ sẫm màu dần. Chỉ còn lại vài tia nắng rớt rồi tắt dần.
Thị trấn Mù Cang Chải trong đêm nghèo nàn, bé nhỏ. Không biết có quá ích kỷ không nhưng chỉ mong nó mãi như thế này. Không đông vui thêm, không nhộn nhịp thêm, không sầm uất thêm.
Sáng chủ nhật lên đường quay về. Bằng một đường khác, qua Lai Châu, Lào Cai, đi con đường mà mọi người lũ lượt ngược lên Sa Pa. Có lúc nhìn cột mốc bên đường, thấy Sa Pa ở thật gần, cách vài chục cây số. Không thích Sa Pa lắm vì đã khác xưa rồi. Chỉ thích Fansipan. Mấy tháng trước mình đã lặn lội 3 ngày ở ngọn núi này.
Con đường mình chưa đi bao giờ. Không rõ là sẽ đi qua những chốn nào. Chỉ thấy vui, thấy háo hức vì những cung đường lạ, những đèo dốc lạ. Buổi sáng có lúc trời mù mây, gió lạnh, có lúc lại nắng vàng rực rỡ, giống tính khí thất thường của vô vàn phụ nữ. Nhớ Đèo Khau Phạ mù trắng xóa. Trong tiếng Thái Đen thì Khau Phạ có nghĩa có Sừng Trời, nôm na có thể gọi là đèo Cổng Trời. Có quá nhiều Cổng Trời ở vùng núi phía Bắc này.
Dừng chân ở Bảo Hà vào đền ông Hoàng Bảy. Ngôi đền nằm kề bên sông Hồng. Sông Hồng ở đoạn này không lớn, nước trôi bình lặng, êm đềm. Hai bên đền vô số những chú ngựa giấy đủ sắc màu. Ông Hoàng Bảy là một vị được đạo Mẫu tôn sùng, có công đánh giặc, bảo vệ dân. Ngôi đền tương truyền có từ thế kỷ XVII nay đã hóa… tân thời. Đạo Mẫu linh thiêng cũng đã nhuốm mùi trần tục ở chốn này. Tiếc cho một truyền thuyết đẹp về một vị anh hùng. Bực mình đôi chút vì bị bảo vệ giữ lại ở cổng đền, với lý do nực cười là trang phục không phù hợp. Nhưng cũng kịp quan sát cảnh hương khói nghi ngút, lễ bái tấp nập, làm gợi nhớ không khí ở Phủ Giày.
Xuôi thêm chút nữa đến Phố Ràng. 60 năm đã qua rồi kể từ trận Phố Ràng được nhà văn Trần Đăng viết thành trang ký. Không còn dấu vết chiến tranh trên ngọn đồi xanh, chỉ có những con phố hiền hòa, những nụ cười hiền hòa.
Lang thang, la cà, nghỉ chân, và chỉ kịp đến bờ sông Thao vào buổi chiều muộn. Được ngắm cảnh sông lúc hoàng hôn, khi mặt trời dần lặn. Nhiều lần nghe bài hát “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, nhưng bây giờ mới thấy cảnh “cuối sông nhiều bến”.
Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê
Cuối sông nhiều bến ai về có thấy
Làn gió xanh rì bát ngát đồng lúa… ven bờ đê
Hồng Hà trôi xuôi đưa nước trên ngàn về khơi
Sông Thao ngoài bến Việt Trì
Có những chàng áo nâu về say mê dòng nước
… vui tràn trề.
Lại tiếp tục băng qua những vùng đất cổ từ trung du xuống đồng bằng. Càng ngày càng đến gần những phố thị sáng đèn rực rỡ. Đã thấy quầng sáng của Hà Nội hắt bóng phía xa xa. 10 giờ đêm về đến Hà Nội. Mệt mỏi, lơ mơ buông mình vào một quán cà phê ngoài trời. Ngẩng lên ngắm màn đêm và nhớ ánh nắng vàng. Mới gần mà đã xa rồi.
Buổi sáng thứ hai, về lại Sài Gòn. Trời mưa như trút nước trên đường ra Nội Bài. Trời quả là chiều lòng mình khi cho mình vừa đủ hai ngày nắng đẹp. Lại đi ngang qua sông Hồng lần nữa. Hà Nội đôi khi làm mình rối tinh lên vì những lần xuôi ngược băng qua sông Hồng.
“Nắng vàng em đi đâu mà vội”. Nhưng lần nào cũng vội và lần này cũng vội. Thôi thì hẹn một năm sau nữa. Một mùa lúa nữa. Một chuyến đi nữa. Vì đã thấy gắn bó, đã thấy lưu luyến, đã thấy nhớ chốn này.
Về với nắng Sài Gòn rồi mà nhớ mãi nắng ở xa.