III. Đàn bà, đàn ông, trẻ con và trường học
Tất cả được gói trong 2 từ “Đói nghèo”
Em, hôm nay bọn anh đã đến và sẽ làm việc ở Dế Su Phìn trong 2 ngày, thế là đã 3 ngày bọn anh tạm biệt ô tô rồi- kể từ hôm ở Tà Chế Cao chắc là 3 ngày nữa thì sẽ lại gặp ô tô để được đón về Tú Lệ đấy. Bố khỉ, củ chuối củ khoai những cái địa danh kiểu kiểu như Thào Xua Chải, Tà Ghênh, Căng Chí Khúa, Lang Tê Qua, Giu Tu San, San Xà Hồ, Mồ Giề hay Háng Cơ, Háng Goòng... nhưng nếu dịch ra tiếng phổ thông ra thì chúng đều có nghĩa cả đấy mà có khi lại còn hay nữa. Dế Su Phìn, khiếp thật, ở cái độ cao này nhìn xuống dưới thung lũng thấy cái quái gì cũng rõ mồn một bởi trời xanh, cao, trong vắt, không một gợn mây. Nhưng đây anh lại có 1 cái ảnh đầy mây chụp từ trên bản H'Mông để em xem, chẳng cần phải để ý kỹ lắm đâu em sẽ thấy tít dưới là 1 dòng suối nhỏ và hành trình của bọn anh sẽ bắt đầu từ đoạn ngoặt của suối suối đi ngược lên đỉnh, hy vọng là nó sẽ kết túc trong ngày và đến lúc này, khi đang kể lể vứ em thì hy vọng đó đã trở nên không thực tế, hành trình sẽ phải kéo sang ngày thứ hai và mai bọn anh sẽ cắt rừng sang Ngài Thầu để đi tiếp.
Hành trình hôm nay sẽ bắt đầu từ đoạn ngoặt suối ở dưới kia
Còn về con người bọn anh thì đến hôm nay, nếu nhìn mặt nhau thì sẽ gặp ngay cái vẻ mặt đã bắt đầu nhờn nhợt bàng bạc và nhìn đá núi thì đá nào cũng giống đá nào cũng bàn bạc nhờn nhợt như vậy, nắng quá, lóa quá và mệt quá rồi. Thế nhưng, những hình ảnh, những câu chuyện về những con người mà bọn anh đã tá túc nhờ nhà người ta hay những gì đã thấy đã gặp trên suốt chặng đường thì khó mà quên được đấy.
Em chắc không thể hình dung nổi là những người phụ nữ H’mông ở đây dậy 3- 4 giờ sáng và làm việc suốt ngày đến 11- 12 giờ đêm đâu nhỉ. Họ vừa nhẫn nại, cần mẫn làm nương làm rẫy, nấu nướng, nhuộm và dệt vải, đi rừng kiếm củi... thôi thì vân vân và vân vân, vừa địu con trên lưng và bởi có đứa bé nào đó trên lưng nên họ lại có thêm một việc nữa là nó bú ti nữa chứ, hoặc nếu nếu không thì vừa đi vừa thêu thùa hay may vá một thứ gì đó. Nghĩa là không có lúc nào họ ngừng tay cả.
Phụ nữ H’mông từ tấm bé làm việc không lúc nào ngừng tay
Còn trên những cái gọi là đường thì họ lặng lẽ như những cái bóng, những người phụ nữ chân quấn xà cạp, im lặng, nhẫn nại gùi trên củi, cỏ hay hàng hóa gì đó trên lưng cần mẫn đi ngược những con dốc, hoặc họ dắt ngựa cho ông chồng say túm đuôi đi theo từ chợ về nhà. Anh có cảm giác là đàn ông ở đây lười hơn anh nhiều lắm, mặc dù vẫn biết rằng người phụ nữ H’mông là lao động chính trong gia đình. Thật hiếm hoi nếu như không phải là từ đầu chuyến đi đến giờ anh chưa hề nhìn thấy họ cười. Sự vất vả hằn trên khóe mắt. Lại nữa, vẫn những phụ nữ ấy 3 hoặc 5 ngày lại đi khoảng 10- 15 km xuống trung tâm xã hoặc xuống huyện để mua dầu hỏa hoặc cái quái gì đó phân bón thuốc trừ sâu..., đại khái là những đồ thuộc về sản phẩm mà họ không tự làm được để duy trì cuộc sống. Họ lại ngược rồi xuôi những con dốc dưới cái nắng chang chang và thật là lạ, đi ngang qua họ anh thấy phảng phất mùi rượu em ạ. Em đừng vội cười nhé, họ bảo là uống cho đỡ khát chứ họ không nghiện đâu, mỗi lần đi như vậy, những người phụ nữ H’mông đều ăn mặc đẹp lắm, để làm gì em biết không? Để đi ăn kem mà.
Tan học, em bé mang củi đi bán, mua dầu hỏa và không quên mua cho mình 1 cái kem chỉ 500 đồng
Còn đàn ông H’mông thì bảo bọn tao ở đây uống nước nguồn và ngày ngày được nhìn mặt trời trước mọi người, người H’mông chúng tao được hun đúc bởi gió, nắng trên đỉnh núi cao. Rượu với họ là khống thể thiếu, một thứ nước nấu từ ngô, mới uống thấy nhàn nhạt, mát mát đầu lưỡi, nhưng cũng dễ say lắm. Trong con người họ, men rượu chắc thấm vào từ nhỏ và anh đã nghĩ rằng rượu với họ thực ra là để cùng với ánh lửa chống lại giá rét những ngày đông, hay là thứ để tạm xua đi cái buồn và nỗi nghèo khó ngàn đời luôn luẩn quẩn đeo bám, rồi thứ yếu- tiếp mới là để thêm vui trong những câu chuyện hoặc ngày hội hè. Và sau rượu thì họ có thể múa khèn, múa rất đẹp, rất mê. Có lần anh hỏi thế học bao lâu rồi mà múa đẹp thế, chàng trai nọ trả ơời cứ uống vào nhấc 1 chanleen là nó khắc quay thôi mà. He he he
Thường thì trong nhà họ chẳng có bất kỳ thứ gì đáng giá nếu như họ không phải là cán bộ xã hoặc ít nhiều liên quan tới quân giàng- thuốc phiện (còn thuốc lá là quân keo, từ keo là để chỉ người kinh!). Sẽ rất hiém gặp (nhưng không phải là không có) những ngôi nhà đẹp, tương đối có đồ đạc gì đó liên quan tới ông chủ gia đình biết làm kinh tế. Nhìn chung là họ ở trong những ngôi nhà gỗ, thấp, tối, tồi tàn, xiêu vẹo, bên trong rộng, nền đất và trống huếch trống hoác. Nghèo thật. Anh được biết là trước năm 1988, Mù Căng Chải, Than Uyên, Trạm Tấu và 1 phần của Văn Chấn là những vùng được nhà nước chỉ định trồng thuốc phiện để làm nguyên liệu dược phẩm xuất khẩu sang Đông Âu. Trong những năm gần đây, do chính sách dịch chuỷen cơ cấu kinh tế và kể cả sức ép của các dự án quốc tế thì về mặt hành chính cây thuóc phiện ở đây là không còn, nhưng đâu đó trong rừng rất sâu em vẫn có thể gặp những nương thuốc phiện, những cánh hoa mỏng manh màu hồng tím rập rờn trong gió. Hì hì, trồng cây gì nuôi con gì, trồng cây gì nuôi con gì- trồng râu nuôi chim là tốt nhất em nhỉ.
Kể lể thế để vui thôi chứ những người đàn ông H’mông cũng cần cù chăm chỉ lắm, chả đến nỗi nào đâu, ít nhất là hơn anh em nhỉ.
Đêm qua, ông chủ nhà mà bọn anh ở khoe với anh về khẩu súng treo trên tường, cái báng của nó có 1 dải dây màu đỏ nho nhỏ đầy vết máu do bởi mỗi lần bắn được mọt con gì đó thì sẽ lại lấy máu của nó quệt vào. Ông chủ nhà nói, khẩu súng của tao đã bắn được 24 con lợn rừng rồi đấy, còn gà chồn và chim thì tao không tính. Cái nòng súng này năm kia tao xuống huyện mua cái xà beng về rồi tự khoan trong 3 tháng đấy. Ối giời, 3 tháng ngồi khoan để được cái nòng súng dài 1.2 mét. Lại còn chuyện bắt lợn nữa chứ, có những con lợn rừng đã bị bọn tao đuổi chạy 3 ngày trong rừng rồi nằm lả xuống để bọn tao đến bắt đấy... Híc, giật tờ lờ mình. Ở đây những người đàn ng H’mông có lẽ bắt đầu việc đi săn lần đầu tiên trong đời từ lúc 4 hoặc 5 tuổi gì đó, một việc hết sức tự nhiên.
Trẻ con ở đây về nguyên tắc đều được đi học đúng như ý nguyện của của chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong di chúc. Và giờ đây, mỗi đứa trẻ đi học cấp tiểu học sẽ được nhận 40.000 đồng một tháng từ nguồn vốn nhà nước cho việc phổ cập giáo dục, xóa mù. Thế mà chúng nó vẫn bỏ học, chả hiểu tại sao. Có đứa bảo nhà nghèo quá, không có người làm nương, có đứa bảo đi học ngại lắm, cái chữ nó cứ tuột ra khỏi đầu, đi rừng dễ hơn...
Các trường ở xã thì đều được xây kiên cố theo mục tiêu khang trang và kiên cố hóa trường học đến cấp xã (nhà nước bỏ tiền thông qua vốn cong trái giáo dục, hoặc vốn của các dự án quốc tế và dân địa phương mỗi hộ đóng một số ngày công nhất định). Có những xã xa, cao và khó khăn giao thông quá, trường học được làm sẵn theo kiểu nhà thép tiền chế rồi dân cùng nhau mang về lắp. Trường em mái ngói đỏ tươi là hình ảnh hiếm, thay vào đó là trường em mái tôn đỏ tươi. Hoặc có khi còn chả có mái nữa cơ
Tan học, cái nhà bên cạnh là lớp học của chúng nó đấy
Mấy đứa này cũng đi học về, tung bay tà váy tung bay.
Đấy là ở xã, còn ở các bản cũng đều có các lớp học nhỏ. Cái được quy ước là lớp học đó nhìn xiêu vẹo hoang tàn, dăm ba bộ bàn ghế do dân bản góp vào, bên cạnh là nhà ở của thầy hoặc cô giáo (giáo viên cắm bản). Học sinh đi học theo đúng kiểu hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong rì rào, cọ xòe ô che nắng râm mát đường em đi- cũng thi vị ra phết mỗi tội phải được ăn no mới thấy cơ em ạ.
Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng sâu. Có mỗi cái kẻng để gọi học sinh đi học mà đêm qua cũng bị bọn nghiện lấy mất rồi.
Được cái tuy xiêu vẹo thế nhưng các lớp học ở bản lại là những địa điểm tốt để bọn anh xin được nấu nuớng, ăn uống, ở nhờ qua đêm. Hồi trước, có lần anh đọc đâu đó về lời của một cô giáo cắm bản:
sau kỳ nghỉ Tết, cô quay lại trường thì chỉ còn hai học sinh đến lớp. Với cô, những người địa chất đi qua, những người đi săn ngang qua, chẳng ai ở lại với cô dù kỷ vật họ để lại thì nhiều. Đấy, mấy hôm vừa rồi anh ở với cô giáo đấy, đại khái là cán bộ quý cô giáo và cô giáo cũng quý cán bộ lắm- cái này anh sẽ kể em nghe sau nhé, khi anh đã sắp xếp để mọi tình tiết về các cô giáo sao cho nhẹ nhàng và thật là hợp lý, kẻo thương cô giáo quá hoặc có điều gì với anh em lại khóc mất.
Thằng bé này đột ngột xuất hiện ở trong rừng, trông buồn cười em nhỉ
Những bông hoa này đã được chụp để dành cho em (không phải ở MCC đâu nhé ở nhà trước hôm anh đi đấy)
Hình như sự mệt mỏi làm câu chuyện cũng lan man rồi thì phải, thế đã em nhé. Nhớ em.
Hành trình
Hành trình tạm nghỉ trường em
Bản khuya, xóm vắng qua đêm ngại ngùng
Mời nhau bát nước chè rừng
Ngồi bên bếp lửa… bập bùng qua đêm
Chia tay anh gạn hỏi em
Sao làm cô giáo… phải lên bản Mèo
Trả lời bằng cách vặn yêu
Sao làm địa chất… phải trèo non xa
Cổng trường đàn trẻ reo ca
Gặp nhau sao lại nói là chia tay.