Thiên Sinh, nghĩa là do Trời tạo ra. Cái tên này có lẽ không đúng với cây cầu lắm, mà hợp hơn với cái chỗ mà cây cầu này bắc qua. Không biết từ bao giờ, có lẽ hàng ngàn hay hàng triệu năm trước, sự vận động kiến tạo của địa chất đã khiến trái núi ở đây bị nứt ra, tạo thành một khe hở rất sâu mà dưới đó có dòng suối chảy qua. Cho đến tận bây giờ, phía trên bề mặt, khe nứt chỉ rộng khoảng 50-60cm thôi.
Xuống đến chân núi thì dòng nước bị chặn bởi dãy núi trước mặt nên quẹo sang trái, theo chân núi chảy tiếp xuống dưới.
Đây chính là thượng nguồn của suối Lũng Pô, dòng chảy của nó cũng chính là đường biên giới Việt - Trung, cứ len lỏi giữa các dãy núi, tích tụ nước từ các dòng suối nhỏ khác, cho đến khi ra đến ngã ba Lũng Pô, gặp con sông Hồng thì kết thúc.
Nhìn trên Gmap có thể thấy rất rõ dòng suối Lũng Pô đang chảy lộ thiên thì chui vào trong lòng núi rồi lại chui ra từ một khe nứt và tiếp tục chảy lộ thiên.
Cho nên cái khe đấy mới đúng là do Trời sinh, chứ chẳng phải cái cầu!
Chợt nhớ đến câu thơ của Thái Úy Lý Thường Kiệt trong bài Nam Quốc Sơn Hà khi nói về biên cương, lãnh thổ:
"Nam Quốc sơn hà, Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư..."
Quay trở lại chuyện cái cầu. Để dễ bề đi lại qua cái khe nứt ấy thì ban đầu, người dân hai bên chỉ bắc vài thanh gố là đi lại được. Cho nên nó mới được coi là cây cầu biên giới ngắn nhất.
Thời gian trôi qua, cây cầu được gia cố, xây dựng to hơn, chắc chắn hơn. Em sưu tầm được mấy cái ảnh cầu Thiên Sinh trong quá khứ.