Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Lần đầu tiên được thưởng thức bánh trứng kiến ai cũng chung cảm nhận, dẻo, thơm mùi nếp và lá vả quện với vị béo và ngậy của trứng kiến tạo ra một dư vị rất riêng.
Em xin kể về sự tích Bánh trứng kiến cho a chị e biết thêm về món bánh này ạ ^_^
Người Tày vùng cao Tây Bắc thường kể cho nhau nghe, cho khách đến nhà câu chuyện về món bánh trứng kiến có từ xa xưa. Chuyện kể rằng, xưa ở một bản Tày nọ có một gia đình người Tày kén rể cho con gái. Cha cô gái ra điều kiện nếu chàng rể nào mang đến lễ một thứ bánh ngon, lạ và vừa ý với ông thì sẽ được lấy con gái ông về làm vợ. Các chàng trai con nhà quyền quý trong bản và các bản khác thi nhau chế biến các món bánh như bánh dày, bánh trưng, bánh dợm, bánh lẳng, bánh gio…để đi hỏi vợ. Duy chỉ có một chàng trai nhà nghèo, không có điều kiện để làm những thứ bánh trên, anh bèn cầm dao lên rừng tìm kiếm xem có loại củ quả nào có thể làm bánh được. Đi lên rừng sâu, anh nhìn thấy một tổ kiến to bám trên thân cây. Anh nghĩ, nếu nhộng ong, nhộng tằm ăn được huống chi nhộng kiến sao không ăn được. Vì thế, anh trèo lên chặt tổ kiến xuống, bổ ra thấy trong đó toàn những nhộng non trắng tinh. Anh bèn nghĩ ra sáng kiến dùng nhộng kiến rang thơm lên để làm nhân bánh nếp. Không ngờ khi mang bánh đến hỏi vợ, ông bố cô gái bỏ qua tất cả các thứ bánh quen thuộc mà khen tấm tắc món bánh trứng kiến của chàng trai nghèo và đồng ý gả con gái cho anh. Từ đó đến nay, người Tày vùng Tây Bắc chế biến món bánh trứng kiến trong những dịp lễ quan trọng.
Người Tày gọi loại bánh này là Pẻng rày.Với nguyên liệu chính được làm từ trứng kiến với bột gạo nếp và lá vả một loại lá cây rừng cùng họ với lá sung. Khi tiết trời ấm áp, vào khoảng tháng ba âm lịch cho đến tháng 7, người Tày lên rừng tìm trứng kiến để chế biến bánh. Việc tìm nhộng kiến khá vất vả vì phải cất công lên rừng già, trèo lên thân cây to hoặc bụi rậm để lấy tổ kiến. Người Tày chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà họ thường gọi là tua rày, kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm ổ trên cây vầu, cây xoan, cây quế, cây găng. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa. Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng hạn chế nên người ta đã cho thêm thịt heo băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác tạo vị mặn cho bánh. Bột nếp có thể làm từ bột khô hoặc bột ướt, pha thêm một chút bột tẻ để bánh không nhão hay quá dẻo. Sau khi bột ráo nước, đem trộn nhào với bột canh, mỳ chính. Đặt lá vả vào mẹt, sau đó dát mỏng bột vừa phải, dày cỡ nửa phân. Tiếp đến là cho trứng kiến đã rang phi với hành, thịt lợn băm nhỏ. Trộn đều với vừng rang giã nhỏ. Rải đều trên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá ngõa thêm lần nữa. Ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, rồi hấp cách thủy cho tới chín. Bánh trứng kiến khi thưởng thức sẽ mang lại nhiều cảm nhận dư vị khác nhau. Có vị béo ngậy của nhộng kiến, vị dẻo của bột nếp, vị ngai ngái của lá ngõa. Tất cả hòa quyện làm nên vị đặc trưng vừa lạ, vừa hấp dẫn.
Nay trời heo heo lạnh mời a chị e cùng ăn sáng với e món bánh trứng kiến