Kinh nghiệm giữ thân thể khỏe mạnh trường thọ - Dưỡng sinh :
- Đạo dưỡng sinh vừa kín kẽ vừa khoan dung, vừa bền chắc. Những người đeo đuổi hoan lạc thì chất dịch trong phủ tạng sẽ giảm nhiều. Đã biết ham muốn nhiều sẽ nguy hiểm, thì nên quay lại tu dưỡng đạo đức. Trong thân thể có trái tim là chủ cho sự hoàn mỹ của tu tâm dưỡng tính, mọi ưu điểm của nó đều hiện ra. Sự an tường hài hòa trên vẻ mặt sẽ làm làn da rạng rỡ.
-
Giữ tinh thần bên trong
dạy rằng, nhiều khi nên tránh khí độc, giữ lòng an nhàn thanh tịnh, rũ sạch ý nghĩa sai lầm, chân khí sẽ khai thông, tinh thần giữ trọn vẹn bên trong không hao phí.
Tâm an tịnh thì ít dục vọng, không sợ hãi, hoạt động vừa đủ không quá độ, khí huyết toàn thân lưu thông, mỗi ý nguyện đều được đáp ứng. Làm được như vậy thì ăn cơm gạo lứt cũng thấy ngon ngọt, trang phục thoải mái không phải kỳ công, hòa mình vui vẻ trong mọi tập tục, không phân biệt địa vị cao thấp để ngưỡng mộ.
Người như vậy thì mọi ham muốn không làm mờ được mắt họ, mọi tà dâm không thể làm mê được lòng họ. Họ sống trăm tuổi mà động tác không già lão.
Đó là vì chân khí đạo đức sung mãn, nên tinh thần bên trong không suy vi. (Hoàng đế nội kinh)
Gốc của dưỡng sinh
Trời sinh âm – dương, nóng – lạnh, khô – ẩm, chuyển hóa 4 mùa, biến đổi muôn vật, không gì không lợi, không gì không hại. Người nắm được phép dưỡng sinh thì am tường quy luật chuyển hóa âm dương, phân biệt cái lợi ích cho muôn vật đem lại cho sự sống. Vì vậy, tinh thần yên ổn trong hình thể, tuổi thọ được lâu dài. Lâu dài tuổi thọ không phải là cố gắng kéo dài sự đoản mệnh, không phải là cứ ốm đau là bồi thuốc bổ để mong sống thêm. Lâu dài tuổi thọ là khiến cho bản thân được hưởng trọn tuổi trời một cách khỏe mạnh thư thái.
Để lâu dài tuổi thọ, phải tránh xa nguy hại. Vậy nguy hại là gì? Quá ngọt, quá chua, quá đắng, quá cay, quá mặn, năm vị này quá nhiều trong cơ thể sẽ sinh ra nguy hại. Quá mừng, quá giận, quá lo, quá sợ, quá buồn, năm tình này tiếp xúc với tinh thần sẽ sinh ra nguy hại. Quá lạnh, quá nóng, quá khô, quá ẩm, quá gió, quá mưa, quá mù, bảy loại thời tiết này phạm vào tinh khí của con người sẽ sinh ra nguy hại.
Cho nên, phép dưỡng sinh, không gì bằng hiểu gốc, hiểu gốc thì bệnh tật không thể tới được. (Lã Bất Vi – Lã thị xuân thu)
Trị thân dưỡng tính
Người tử tế đầy chính khí, kẻ tiểu nhân ngập tà khí. Bên trong theo bản tính, bên ngoài hợp nghĩa lý, theo lý mà làm, không phụ thuộc vào ngoại vật; đó là chính khí. Coi trọng cảm giác, chìm vào thanh sắc, mừng giận bất thường, không lo hậu hoạ; đó là tà khí. Tà và chính làm tổn thương nhau, dục vọng và bản tính làm hại nhau, không thể chung cùng, vì vậy người nắm chắc phép dưỡng sinh lược bớt dục vọng để làm việc theo bản tính.
Mắt ưa màu, tai ưa tiếng, miệng ưa vị. Được nó là thích mê, không biết lợi hại; thế gọi là hiếu dục. Ăn không yên trong cơ thể; nghe không hợp với quy luật, nhìn không thuận với bản tính, tai – mắt – miệng giao tranh. Khi ấy, phải dùng nghĩa lý để chế ngự, đó là sự phát huy tác dụng của tâm.
Xem ra, dục vọng không thể lấn át được sáng suốt.
Phép trị thân dưỡng tính nói chung, điều tiết trong ngoài, ăn uống thích đáng, mừng giận hài hòa, động tĩnh phù hợp, khiến cho bản tính được giữ gìn, tà khí không thể sinh ra, mà còn có thể dự liệu phòng bị được các mầm bệnh. (Lưu An – Hoài Nam tử)
Năm cái khó của dưỡng sinh
Dưỡng sinh có 5 khó khăn: không diệt trừ được sự ham muốn danh lợi, là một; không trừ bỏ được tình mừng giận, là hai; không xa lánh được thanh sắc, là ba; không dứt bỏ được thèm thuồng mùi vị, là bốn; tinh thần lầm lạc, tinh khí tán loạn, là năm.
5 trở ngại còn đó, dù tâm nguyện trường sinh, miệng làu danh ngôn, lời nói tinh hoa, hô hấp chân khí, thì cũng lực bất tòng tâm, trung niên đã già lão.
5 trở ngại đã diệt bỏ, thì lòng tin tràn đầy, mọi việc hanh thông ngày ngày tăng tiến, phẩm chất vẹn toàn, không cần mà tự có phúc, không nguyện mà tự được thọ. Đó là tinh thần cơ bản của dưỡng sinh. (Kê Khang)
Yên lòng trong đạm bạc
Danh vọng và thân thể, cái nào thân hơn? Thân thể và tiền của, cái nào cần hơn? Dùng hạt ngọc minh châu ném con chim sẻ, người ta cười cho, vì được thì chẳng mấy mà phải quá nhiều.
Biết xử việc theo sức vốn có, thì khác gì có ngọc minh châu. Yên trong đạm bạc, ít nghĩ giảm muốn, ít nói để dưỡng khí, không vất vả việc lầm lạc để dưỡng hình, lắng tâm để giữ thần. Thọ yểu được mất đã có số. Biết vậy thì tự nhiên khí huyết hài hòa, tà loạn không thể phạm, bệnh tật không thể nguy. Kiên trì như thế, gần đạo rồi đó. Chân lý dưỡng sinh cũng sẽ tự đến. (Lý Đông Viên – Tỳ vị luận)
Ít dục để sửa mình
Lòng trong lắng, ít ham muốn, đó là xương cốt của tuổi thọ. Cứu người, yêu vật, đó là huyết mạch của tuổi thọ. Điều tiết ăn uống, thận trọng cử chỉ, đó là da dẻ của tuổi thọ.
Người ngày nay mỗi kỳ sinh nhật thì giết thịt uống rượu, khách khứa đầy nhà, ngâm thơ hát khúc thần tiên, lời suông tán sáo, chẳng chút nào để ý đến sinh mạng.
Người nhà quê thì thê thiếp ít, ăn đạm bạc, giảm ham muốn, tâm khí bình. Chuyện này người quyền quý quan dạng khó mà hiểu được.
Hoạ không gì lớn bằng không biết đủ
Người có ham muốn thì tâm trí loạn. Tâm trí loạn càng ham muốn nhiều. Ham muốn nhiều thì tà tâm thắng. Tà tâm thắng thì trí suy kiệt. Trí suy kiệt thì tai hoạ xảy ra.
Vì vậy, người hiểu phép dưỡng sinh, mặc chỉ để chống rét, ăn chỉ để chống đói, chứ không đeo đuổi ăn sang mặc đẹp.
Ba điều răn, ba điều vui
Quân tử có 3 điều răn: khi còn nhỏ, khí huyết chưa ổn định, phải cảnh giác với sắc đẹp. Lớn lên rồi, khí huyết mới dậy, phải cảnh giác với va chạm. Già đi, khí huyết suy yếu, phải cảnh giác với tham danh lợi.
Có 3 điều vui bổ ích, 3 điều vui tổn tại. Vui điều tiết lễ nhạc, vui điều giỏi của người, vui có nhiều bạn hiền, vậy là bổ ích. Vui kiêu ngạo xa xỉ, vui rong chơi, vui yến ẩm, vậy là tổn hại. (Khổng Tử)
Cẩn thận bản thân, coi lo sợ là gốc
Phép dưỡng sinh, trước hết phải cẩn thận ngay bản thân mình. Thận trọng bản thân, lấy lo sợ là gốc. Hoàng đế nội kinh viết: “Người không biết lo sợ thì đại họa sẽ tới”. Lo với sợ là cửa vào của sự sống chết, là nguyên do của sự mất còn, là cột rễ của việc phúc họa, là đầu mối của việc lành dữ.
Người trí thức không biết lo sợ thì không đạt nhân nghĩa. Nhà nông không biết lo sợ thì mùa màng không to. Người thợ không biết lo sợ thì không có quy củ. Buôn bán không biết lo sợ thì lãi thu không nhiều.
Phép dưỡng sinh, không lo sợ thì tâm rối loạn, hình hoảng hốt, tinh thần toán loạn, tinh khí không tụ, ý chí mờ tối. Từ đó đến nỗi, đáng sống thì chết, đáng còn thì mất, đáng thành lại bại, đáng lành hóa dữ.
Biết lo biết sợ, như là đối với nước với lửa, không một phút lơi là. (Vương Chuyên – Đường Hội Yếu – Y Thuật)
===================================================================================================
" Người thông minh nghĩ rồi mới nói, kẻ ngốc nói rồi mới nghĩ " - Kerdon -