Batistuta - dấu gạch nối phàm trần giữa Maradona và Messi
Không được tôn thờ như các đồng hương, nhưng Gabriel Batistuta có chỗ đứng trong trái tim người hâm mộ bởi cách chơi bóng và sự thủy chung dành cho Fiorentina.
Batistuta, tính đến tháng 6/2016, vẫn là chân sút hay nhất lịch sử tuyển Argentina, trước khi bị Messi vượt lên độc chiếm kỷ lục này. Ảnh:
EFE.
Muốn biết Batistuta tài năng đến nhường nào, bạn có thể xem lại trận đấu giữa hai đội ngôi sao Europe và Rest of the World năm 1997. Lúc đó, nước chủ nhà Pháp đăng cai trận giao hữu với một cầu thủ của mỗi quốc gia tham dự World Cup 1998 được lựa chọn để chia thành hai đội, đại diện cho châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Hàng ngũ các ngôi sao châu Âu gồm những tên tuổi thượng thặng, từ Zinedine Zidane, Patrick Kluivert, Alessandro Costacurta tới Fernado Hiero... Nhưng chỉ hết hiệp một, họ đã bị dẫn tới 1-5. Tỷ số này có thể bị xem là hoang đường, cho tới khi nhìn vào cặp tiền đạo của đội Rest of the World: Ronaldo và Gabriel Batistuta. Mỗi người lập một cú đúp và có những pha kiến tạo thành bàn đẳng cấp cho người kia.
Hai siêu tiền đạo của thập niên 1990 này sinh ra trong màu áo hai đội tuyển đối địch là một niềm vui với người hâm mộ Brazil và Argentina, nhưng lại là thiệt thòi với những CĐV trung lập. Ngay lần đầu chơi bóng cùng nhau ở một trận giao hữu, họ đã ăn ý nhường ấy, hãy thử tưởng tượng các hàng phòng ngự sẽ khổ sở thế nào nếu cả hai được ăn tập hàng ngày và cùng khoác áo một đội tuyển. Sự khéo léo, kỹ thuật và tốc độ của Ronaldo kết hợp cùng bản năng săn bàn của Batistuta đơn giản là không thể ngăn chặn.
Batistuta chơi ăn ý với Ronaldo trong màu áo Các ngôi sao thế giới năm 1997.
Nhưng trái với Ronaldo của năm 1997 - người khi đó khoác áo Inter sau hai lần phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới và có trong tay cả hai danh hiệu "Cầu thủ hay nhất thế giới" của FIFA lẫn Quả Bóng Vàng châu Âu, Batistuta có một sự nghiệp khiêm tốn hơn. Xét về mặt tài năng, anh là chân sút hàng đầu thế giới bấy giờ. Anh hai lần là Vua phá lưới Copa America các năm 1991 và 1995, đồng thời ghi bàn trong 11 trận liên tiếp để phá vỡ kỷ lục tồn tại 32 năm của Ezio Pascutti và đứng đầu danh sách ghi bàn mùa giải 1994-1995 của Serie A - giải đấu khốc liệt thế giới thập niên 1990.
Nhưng tại cuộc bầu chọn Quả Bóng Vàng của tạp chí
France Football, Batistuta lần lượt xếp thứ 20, 13, 23 và 6 trong giai đoạn từ 1995 tới 1998. Khi Ronaldo được trao giải "Cầu thủ hay nhất thế giới" của FIFA năm 1997, Batistuta cảm thán: "Tôi hạnh phúc cho Ronaldo, nhưng thực sự tôi không hiểu phải làm những gì để đoạt giải".
Sự khác biệt lớn tới từ việc Ronaldo toả sáng trong màu áo của Barcelona và Inter, còn Batistuta chung thuỷ với Fiorentina suốt giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Trước tuổi 30, suốt chín năm, từ 1991 đến 2000, anh chỉ đoạt hai danh hiệu duy nhất cấp CLB, và đều rất khiêm tốn, là Cup Quốc gia Italy và Siêu Cup Italy.
Batistuta là biểu tượng của một Fiorentina bình dân chống lại những thế lực hùng mạnh nhất Serie A trong thập niên 1990.
Batistuta lần đầu gặp Irina Fernandez năm 16 tuổi và kết hôn năm năm sau đó tại một nhà thờ ở quê nhà Santa Fe, Argentina. Đến giờ, cả hai đã trải qua 29 năm hôn nhân với bốn cậu con trai. Trong thế giới bóng đá đỉnh cao, đó là chuyện tình đáng ngưỡng mộ, đặc biệt với một cầu thủ điển trai, nổi tiếng và giàu có như Batistuta. Nhưng với các CĐV Fiorentina, mối lương duyên của anh với CLB thành Firenze đẹp chẳng kém. Batistuta dành trọn những gì đẹp nhất thời thanh xuân để phụng sự màu áo tím.
Lần gần nhất Fiorentina vô địch Serie A và đoạt Cup châu Âu đều đã từ thập niên 1960, và vị trí cao nhất của họ trong giai đoạn có Batistuta từ năm 1991 tới 2000 chỉ là thứ ba. Thậm chí trong mùa giải 1992-1993 mà Batistuta ghi 16 bàn ở Serie A, Fiorentina còn không thể trụ hạng và rơi xuống Serie B.
Mùa hè năm ấy, Batistuta mới 24 tuổi và đã là chủ công của đội tuyển Argentina. Sẽ chẳng ai có thể trách cầu thủ sinh năm 1969 nếu anh muốn chuyển sang khoác áo một CLB lớn hơn với những đồng đội đẳng cấp, để được hít thở bầu không khí bóng đá đỉnh cao và tìm kiếm những danh hiệu. Nhưng Batistuta vẫn ở lại cống hiến cho Fiorentina và đưa đội bóng trở lại Serie A chỉ sau một mùa, với 16 bàn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà với các tifosi của Fiorentina, Batistuta được tôn sùng như một vị Thánh sống. Năm 1996, một bức tượng đồng tạc hình Batistuta được dựng lên trước sân Artemio Franchi.
Trong bài phỏng vấn được thực hiện đầu năm 2019, Batistuta hé lộ với tờ
Marca lý giải việc anh khước từ những đội bóng lớn như Real Madrid, Man Utd hay AC Milan: "Tôi không bao giờ thích cảm giác trở thành cầu thủ ngôi sao, bởi ngay khi bạn trở thành tâm điểm của đội bóng, bạn sẽ có thêm gánh nặng từ trách nhiệm. Tôi đã nhận rất nhiều lời mời chào từ những đội bóng như Real Madrid hay Man Utd, nhưng tôi thích sự yên bình khi chơi cho Fiorentina. Nếu tôi tới Madrid, tôi có thể đã ghi hơn 200 bàn. Nhưng tôi biết mình sẽ trở nên chán chường".
Với những người yêu thích sự lãng mạn, lối chơi phóng khoáng của Fiorentina với bộ đôi ăn ý Batistuta - Rui Costa ít năm cuối thế kỷ 20 là một hoài niệm đẹp. Mùa hè năm 2000, Batistuta chuyển sang khoác áo AS Roma với khoản phí kỷ lục 70 tỷ lire (tương đương 36,2 triệu euro). Đây là mức phí chuyển nhượng kỷ lục với một cầu thủ trên 30 tuổi tại Italy, và chỉ bị phá vỡ vào năm 2017 khi Leonardo Bonucci chuyển từ Juventus sang AC Milan với giá 42 triệu euro.
Batistuta ôm mặt khóc sau khi ghi bàn vào lưới Fiorentina.
Trong màu áo Roma, Batistuta tiếp tục duyên ghi bàn với 20 pha lập công tại Serie A, giúp đội bóng áo bã trầu đoạt scudetto đầu tiên kể từ năm 1983. Ấn tượng nhất trong 20 bàn đó là cú vô-lê từ ngoài vòng cấm giúp Roma đánh bại đội bóng cũ Fiorentina tháng 11/2000. Sau khi ghi bàn, Batigol từ chối mừng bàn thắng, dù được cả đội lao tới chia vui, còn HLV Fabio Capello ở ngoài sân không giấu nổi sự phấn khích. Khi trận đấu kết thúc, anh chạy tới cảm ơn khoảng 3.000 CĐV Fiorentina có mặt tại thủ đô và vẫn nhận được những tiếng hô vang "Batigol".
"Tôi đã chơi suốt 90 phút với những suy nghĩ trái ngược trong đầu. Tôi muốn giúp Roma giành chiến thắng và nỗ lực về điều đó, nhưng cùng lúc tôi cũng cảm thấy tiếc cho Fiorentina. Tôi không thể nói rằng mình hạnh phúc khi ghi bàn vào lưới những đồng đội cũ, nhưng Roma cần chiến thắng này. Có những trận đấu đáng lẽ không nên được chơi", Batistuta giãi bày.
Năm 2014, cái tên Gabriel Batistuta chính thức trở thành bất tử tại thành Florence khi anh được đưa vào bảo tàng của đội bóng. Có mặt tại buổi lễ, Batistuta, ở tuổi 45, không kìm nổi những giọt nước mắt. Anh nói trong nghẹn ngào: "Ngay từ khi mới đặt chân tới Fiorentina, tôi đã muốn khắc tên mình vào lịch sử đội bóng. Giờ đây, tôi có thể nói mình đã thành công".
Màu tím được ví von như biểu tượng cho sự thuỷ chung. Và sẽ chẳng có ví dụ nào trong bóng đá thích hợp hơn Batistuta và màu áo tím của "Viola", khi anh đã tận hiến vì đội bóng trong suốt những năm tháng đỉnh cao phong độ, kể cả khi Fiorentina xuống hạng. Giá trị của Batistuta với Fiorentina không chỉ nằm ở 207 bàn thắng sau 333 trận, mà còn vì sự trung thành và tâm huyết của anh. Như chính Batistuta tự hào: "Dù không có danh hiệu lớn nào, tôi vẫn xem mình là một người chiến thắng vì đã giúp Fiorentina cạnh tranh với những gã khổng lồ".
Danh thủ Argentina bên bức tượng đồng của chính anh tại sân Artemio Franchi.
Những tiền đạo tài danh vẫn thường được báo giới và người hâm mộ đặt biệt danh "sát thủ vòng cấm". Nếu Batistuta là "sát thủ", lựa chọn vũ khí của anh có lẽ không phải súng giảm thanh mà phải là một khẩu bazooka, bởi cách Batistuta dứt điểm luôn đem tới cho người xem cảm giác anh... có thù với trái bóng. "Batigol" vẫn có thể dứt điểm nhẹ nhàng tinh tế khi cần - tiêu biểu như cách anh tâng bóng bằng gót trước khi gọn gàng đưa bóng vào lưới Vicenza năm 1996, song thương hiệu của anh phải là những cú sút sấm sét. Dù là ngoài vòng 16m50 hay trong vòng cấm địa, những cú ra chân cực mạnh của Batistuta gần như không cho thủ môn cơ hội cản phá.
Không được chơi bóng nhiều tại Champions League, nhưng Batistuta vẫn biết cách để lại dấu ấn với những cú rocket xứng tầm siêu phẩm. Như cách anh đảo bóng bằng hai chân trước khi sút ở góc cực hẹp vào lưới Arsenal, hay xé toang mành lưới Man Utd từ cự ly gần 30 m ở mùa giải 1999-2000. Cây viết Tom Victor của trang
Planet Football mô tả: "Batistuta trút sự cuồng nộ lên trái bóng như thể nó vừa sát hại cả gia đình anh ta. Thế rồi anh ta sẽ sút bóng mạnh hơn lần thứ hai, lần thứ ba... như muốn chắc rằng không cho nó cơ hội hồi sinh".
Những cú "đại bác" của Batistuta.
Thật khó tin nếu biết rằng người được Maradona đánh giá là "tiền đạo hay nhất tôi từng chứng kiến" lại... không yêu bóng đá. Anh từng có ý định theo đuổi sự nghiệp bóng rổ hoặc trở thành một bác sĩ, cho tới khi chứng kiến huyền thoại Mario Kempes đưa Argentina lên ngôi vô địch thế giới năm 1978 bằng những bàn thắng. Trong một cuộc phỏng vấn với
FIFA, Batistuta tâm sự: "Tôi sống và hít thở bầu không khí bóng đá, nhưng chưa khi nào thực sự tận hưởng và hạnh phúc với trái bóng. Nếu tôi ghi được hai bàn, tôi sẽ muốn có tiếp bàn thứ ba. Tôi muốn có nhiều hơn nữa. Giờ đây tôi có thể nhìn lại mọi thứ với sự hài lòng, nhưng khi chơi bóng tôi chưa từng có cảm giác đó".
Trái với sự nghiệp có phần khiêm tốn ở cấp CLB, thành tích của Batistuta ở đội tuyển Argentina hiển hách hơn nhiều. Cho đến nay, anh vẫn là cầu thủ ghi bàn số một của Argentina tại các kỳ World Cup với 10 bàn, vượt qua cả Maradona, Messi hay thần tượng Kempes. Hai hat-trick tại các kỳ World Cup 1994 và 1998 cũng giúp Batistuta trở thành người duy nhất trong lịch sử lập hat-trick tại hai kỳ World Cup khác nhau.
Batistuta và thế hệ của anh năm 1993 là những người gần nhất giúp bóng đá Argentina đoạt một danh hiệu lớn ở cấp ĐTQG - với chức vô địch Copa America. Ảnh:
Canalnet.
Batistuta cũng là thành viên của đội tuyển Argentina cuối cùng biết mùi danh hiệu. Với "Batigol" trên hàng công, Argentina vô địch liên tiếp hai kỳ Copa America 1991 và 1993, xen giữa là thành công tại Confederations Cup 1992. Kỷ lục ghi 54 bàn trong 77 trận của Batistuta cho đội tuyển quốc gia cũng tồn tại tới tận năm 2016, trước khi rơi vào tay Messi. Batigol chia sẻ với đài
Telefe: "Thú thực là tôi bực mình. Đó là một danh hiệu mà tôi nắm giữ. Tôi thích cảm giác đi khắp thế giới và được giới thiệu với tư cách chân sút số một của đội tuyển Argentina. Nhưng cũng may là tôi chỉ chịu xếp sau một người ngoài hành tinh".
Tài hoa là thế, nhưng bóng đá cũng đem tới nhiều bi kịch cho Batistuta. Năm 2014, Batistuta hé lộ rằng có lúc chân anh đau tới mức "đi tiểu ngay tại giường vào 4h sáng dù nhà vệ sinh chỉ cách vài bước chân". Anh thậm chí còn
từng van xin bác sĩ hãy cưa chân đi. Tới tháng 10/2019, danh thủ 50 tuổi một lần nữa trải qua cuộc phẫu thuật mắt cá chân. "Ngay khi giải nghệ, tôi cảm thấy như mắt cá nhân vỡ ra. Nó không thể gánh vác trọng lượng cơ thể 87 kg. Chuyển động nhẹ cũng gây cảm giác đau. Tôi gặp vấn đề tương tự Marco Van Basten, người nói 'thế là quá đủ' ở tuổi 28", Batistuta nói.
Chấn thương là nỗi đau với bất kỳ ai, huống chi một danh thủ từng mang tới niềm vui cho hàng triệu người bằng đôi chân của mình. Và sau tất cả, bây giờ anh chỉ muốn được đi lại như một người bình thường.
Thịnh Joey