M.U: Nhà hát về cuộc sống
(BongDa.com.vn) -
Đã vài năm nay, cụ thể là từ khi mất Ronaldo rồi thua toàn diện trước Barca ở lần thứ hai chạm trán tại chung kết Champions League, M.U không còn câu lạc bộ so kè trên đỉnh thế giới. Chính sách mua bán tương đối khiêm nhường so với vị thế một đội bóng lớn, lực lượng không mấy “khủng khiếp” khi đặt cạnh khá nhiều các đại gia, tất cả khiến cho sức “uy hiếp” của “Quỷ đỏ” trên sân phần nào không còn như những giai đoạn tươi sáng nhất. Vậy nhưng số lượng người yêu mến M.U cứ ngày một nhiều, và những ai đã yêu từ lâu thì càng “bám riết không buông” đội bóng “không phải mạnh nhất” ấy. Lý do không gì khác ngoài những cảm xúc trái chiều thăng hoa bất tận mà M.U đem lại cho người xem - thứ bây giờ đã trở thành thương hiệu riêng, và duy nhất.
Nhà hát về cuộc sống
M.U là một đội bóng lớn, nhưng đó cũng là một đội bóng “bình dân”. Chiếm số đông nhất trong xã hội là tầng lớp trung lưu, những người vật chất đủ dùng, có những khả năng và tham vọng riêng, nhưng không phải thiên tài, cũng không phải giàu có tới mức thích gì mua nấy, hoặc đạo mạo như một chính trị gia. Sir Alex sao thì M.U vậy, đi lên từ xuất phát điểm rất… tầm thường, đội bóng có được vị thế hôm nay trong lòng người hâm mộ bởi họ mạnh nhưng không hủy diệt, danh tiếng nhưng không quá cao sang, làm ra tiền nhưng không tiêu bạt mạng, và đặc biệt- điều không thể thiếu ở một đội bóng lớn, đó là luôn cháy hết mình từng giây từng phút, lấy tình yêu với bóng đá đổi lấy tình yêu từ khán giả.
Thật ra M.U nhiều lúc dở lắm, đá tối lắm, cầu thủ xuống phong độ lắm, nhưng cứ nhìn những trận cầu mà họ vùng lên tới những giây cuối cùng để giành về điểm số, vượt qua những trở ngại tưởng như đã phải ngã lòng, thì cổ động viên lại bỏ qua hết. Lãng mạn hơn, trong thực tế cuộc sống, chính những va vấp, những tổn thương người ta gây cho nhau lại khiến những lần trở lại thêm bùng cháy, những lầm lỡ, khoảng đen càng làm sáng rực hơn, giá trị hơn những khoảnh khắc hạnh phúc ùa về, như thế làm sao không yêu? như thế làm sao từ bỏ? chỉ có thể yêu nhiều hơn.
M.U không phải đội bóng chỉ biết mang về hoặc sử dụng những gì hay nhất, tốt nhất để đảm bảo những chiến thắng dễ dàng. Ở đây, Old Trafford này, người ta thấy một ông già 71 tuổi say mê công việc coi cầu thủ như con, một lão tướng sắp Ryan Giggs sẵn sàng cày ải 90 phút vì niềm kiêu hãnh Quỷ, một Evans chẳng là ai với thế giới nhưng từng ngày được nuôi lớn, được chờ đợi để vươn lên, một Rooney nổi danh nhưng không quan trọng hơn bất kỳ ai khác, một Van Persie mới đến mà như về nhà,… Tất cả cứ vận động một cách chuyên nghiệp, liên hồi, vững chắc, bỏ lại những chấn thương, bỏ lại những thất bại. M.U chưa bao giờ “khủng hoảng”, tưởng thế rồi lại trở lại, như một người lao động từng ngày phấn đấu chẳng quản khó khăn, bệnh tật, và cứ thế đều chân trên con đường của mình suốt 26 năm, có ngã nhưng không bao giờ gục xuống.
Quỷ đội mai rùa
Luôn là những kịch bản kinh điển trong Nhà hát chờ đợi những người không tắt tivi sớm. M.U có thể thắng, có thể thua, có cầu thủ được tung hô, có người bị ca thán, nhưng đó vẫn là một gia đình, cả người đá và người xem. Ai cũng biết, Sir Alex chỉ dành cơ hội cho những người hết mình vì đội bóng, và khi đã ra sân, họ luôn là như thế, dù hay dù dở. May mắn cũng có, có những sự việc xảy ra suốt 26 năm và 19 lần trở thành lịch sử vẫn được coi là may mắn. Hưởng lợi từ trọng tài có nhiều, cả cho M.U lẫn cho các đối thủ- những đội truyền thống không bằng, không nhiều người ghét bằng, quan tâm bằng. Không trách được những định kiến M.U phải chịu, vì một nhà vô địch, một ông lớn thì rất khó trông giống “người bị hại”, mà khi được lợi thì ai cũng căng mắt nhìn ra ngay.
M.U “rùa” thật, thường khởi đầu chậm chạp, uể oải trước các đội bóng nhỏ, “hiền lành” thấy lạ. Nhưng “rùa” chậm thế mà vẫn đầu bảng đấy thôi, càng lạ. Bởi lẽ dưới “lớp mai” nặng nề, cứng nhắc vẫn là hình dáng Quỷ, sau những tình huống phòng ngự tệ hại vẫn còn những phút thăng hoa vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển, rất phong phú, dễ chịu khi theo dõi. Chẳng có ai tập trung bằng các cầu thủ M.U khi… bị dẫn, mắt họ dường như dính vào trái bóng chừng nào chiếc còi còn chưa bị trọng tài đưa lên thổi. Có lẽ họ không nghĩ nhiều, họ đá để chiến thắng trong suốt 90 + x phút mà mình được đá.
Hình ảnh Sir Alex nhảy cẫng như đứa trẻ nhận quà trong những lần M.U lội ngược dòng là tài sản vô giá trong lòng các Manucians, nó bình dị quả, đời quá. Barca đá hay hơn M.U, có khi Real hay Man City cũng thế ở nhiều trận đấu, nhưng “một trận bóng đá có M.U” có lẽ luôn hay hơn so với những cái tên đình đám khác. Đó là thể thao, đó là điện ảnh, đó là muôn trùng xúc cảm được khơi ra trong mỗi tâm hồn, có lên có xuống, có vực có trời, ta thích gọi thế nào cũng được. May là sức khỏe Sir Alex khá tốt và các fan M.U đều đã quen, bởi M.U không phải “tình yêu” dành cho những trái tim yếu ớt, ta phải chấp nhận những đắng cay, tuyệt vọng cùng cực nếu vẫn muốn có những hạnh phúc vỡ òa, đó là cuộc sống. Sẽ khó có Manucians nào được lựa chọn lại mà thay đổi tình yêu, bởi sẽ không ở đâu, và có thể sẽ chẳng bao giờ người ta còn tìm thấy những cảm xúc ấy hàng tuần trên sân bóng.
http://www.bongda.com.vn/Bong-da-Anh/Giai-ngoai-hang-Anh/249247_M_U_Nha_hat_ve_cuoc_song.aspx