Cân bằng trắng và nhiệt độ mầu trong nhiếp ảnh số
Posted by Nam Lee | Filed under
Thủ thuật chụp hình
Một trong những vấn đề gây nhầm lẫn khi chuyển sang chụp ảnh số là thiết lập cân bằng trắng trong máy ảnh. Chúng tôi sẽ giải thích lý do cần phải thiết lập CBT và cung cấp một số mẹo trong cân bằng trắng để tăng tính sáng tạo trong ảnh của bạn.
Có 3 màu sắc cơ bản trong ánh sáng trắng là Đỏ, Xanh lá cây và Xanh da trời (Red, Green, and Blue) tồn tại với nhiều mức độ khác nhau trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào-phụ thuộc vào nhiệt độ màu của ánh sáng đó. Khi nhiệt độ màu cao, ánh sáng xanh nước biển (blue) sẽ nhiều, còn khi nhiệt độ màu thấp thì nhiều màu đỏ.
Có thể bạn đã từng chụp ảnh trong nhà trong điều kiện ánh sáng đèn tròn với film ánh sáng ban ngày (daylight film). Kết quả là bức ảnh có tông màu đỏ-da cam. Hiệu ứng này là do sự khác biệt trong nhiệt độ màu giữa ánh sáng ban ngày và ánh sáng đèn đỏ. Phim của bạn đã được tối ưu theo điều kiện ánh sáng ban ngày trong khi ánh sáng đèn đỏ lại có nhiệt độ màu thấp hơn.
Hệ thống thị giác tự nhiên của chúng ta dễ dàng chuyển đổi để thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ màu. Khi chúng ta nhìn vào vật thể dưới ánh sáng đèn đỏ (incandescent light), chúng ta nhận được màu tự nhiên. Nhưng phim và cảm biến kỹ thuật số không làm được như vậy. Chụp bằng phim ánh sáng ban ngày (daylight film) được thiết kế cho ánh sáng có nhiệt độ màu khoảng 5500K. Phim chụp trong nhà thiết kế cho ánh sáng có nhiệt độ 3400 K (3200 K đối với film chuyên dụng). Chụp trong nhà với ánh sáng đỏ sẽ làm ảnh tăng thêm sắc đỏ -da cam. Chụp ngoài trời dưới bóng râm hoặc trời u ám sẽ tăng thêm sắc xanh nước biển (blue) vào ảnh. Ánh sáng đèn huỳnh quang tăng thêm sắc xanh lá cây với phim hoặc chế độ cân bằng trắng ánh sáng ban ngày (daylight).
Bạn có thể thay đổi các kết quả trên bằng cách thiết lập chế độ nhiệt độ màu trong máy kỹ thuật số. Thiết lập cân bằng trắng ở chế độ ánh sáng ban ngày (daylight) (thông thường là hình mặt trời) và chụp thử ở các điều kiện ánh sáng kể trên. Để so sánh rõ hơn, chụp trong nhà với chế độ đèn đỏ (incandescent), chụp ngoài trời với chế độ bóng râm/âm u, và chế độ ánh sáng đèn huỳnh quang (fluorescent) khi chụp trong nhà dưới ánh sáng đèn huỳnh quang.
Với máy ảnh phim, bạn có thể bù sự sai màu do ánh sáng bằng cách lựa chon filter màu và cân bằng ánh sáng phù hợp. Một lựa chọn khác là sử dụng phim tungsen để chụp trong nhà. Máy ảnh số cho phép bạn sửa sai màu bằng cách lựa chọn chế độ cân bằng trắng trong máy.
Lúc này, đầu bạn có thể đang bị rối tung, băn khoăn tại sao ánh sáng lại có thể được miêu tả bằng nhiệt độ mầu. Hãy hình dung ánh sáng của đèn đỏ trong bóng tối. Khi đèn vừa được bật lên ở cường độ thấp, dây tóc bóng đèn có màu đỏ đậm. Khi cường độ càng tăng lên thì dây tóc càng nóng lên và đèn càng sáng trắng và mất dần màu đỏ. Khi nhiệt độ màu tăng dần từ thấp lên cao, độ tương phản màu sắc cũng thay đổi theo thứ tự: đỏ, cam, vàng, trắng, xanh nước biển (trắng xanh).
Nhiệt độ màu của ánh sáng được đo bằng thang Kelvin. Thang nhiệt độ Kenvin (viết tắt là K). dựa vào màu sắc của ánh sáng phát ra từ một vật thể giả thiết màu đen. Nhiệt độ màu trong nhiếp ảnh có thể gây nhầm lẫn, vì nó trái ngược với khái niệm nhiệt độ màu thông thường. Ví dụ, khi nhà nhiếp ảnh nói anh ta muốn màu ấm lên, nghĩa là anh ta muốn thêm tông màu đỏ vào ảnh và ngược lại khi nhà nhiếp ảnh nói về tông màu lạnh nghĩa là anh ta muồn nói đến màu xanh trong quang phổ.
Hãy suy nghĩ về đèn đốt Bunsen, hoặc khúc gỗ đang cháy. Khi ngọn lửa có nhiệt độ thấp, màu sắc của chúng là màu đỏ. Nhiệt độ càng cao thì ngọn lửa dần chuyển sang màu xanh. Do đó nhiệt độ Kenvin càng nóng thì ánh sáng có màu càng xanh.
Hãy xem bảng nhiệt độ màu Kelvin trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Chú ý là các giá trị này chỉ mang tính tương đối do có nhiều yếu tố có thể tác động đến nhiệt độ màu. Trong điều kiện ngoài trời, góc của mặt trời và điều kiện của bầu trời (mây, sương mù, bụi…) có thể làm tăng hoặc giảm nhiệt độ màu. Ở trong nhà thì nhiệt độ màu thay đổi theo tuổi của bóng đèn, điện áp, loại hắt sáng.
Ghi chú: Ánh sáng đèn Fluorescent có sáu loại với nhiệt độ màu khác nhau. Ví dụ như đèn fluorescent trắng có nhiệt độ là 5200 K. Do đó chụp ảnh dưới ánh sáng của đèn này rất khó.
Những người chụp phong cảnh thường được khuyên nên chụp vào thời điểm “kỳ diệu”, là vào thời điểm xung quanh hoàng hôn hay bình minh. Trong khoảng thời gian này, ánh sáng thường ấm và tôn vẻ đẹp của chủ thể. Nhiệt độ màu của bình minh (2000 K) thay đổi rất nhanh theo thời gian. Khoảng nửa giờ sau đó nhiệt độ đã tăng lên 3500K. Vào giữa buổi sáng nhiệt độ màu là 4300K. Ánh sáng “ấm hơn” của hoàng hôn sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi ánh sáng “lạnh hơn” của buổi sáng.
Tất cả những thông tin trên về nhiệt độ màu Kelvin rất thú vị, tuy nhiên có thể bạn sẽ đặt câu hỏi là tại sao bạn lại cần biết đến điều đó trong khi bạn đã có chế độ Nhiệt độ màu tự động (AWB) trong máy ảnh? Chế độ tự động sử dụng cảm biến để tính toán nhiệt độ màu. Thông thường nhiệt độ màu K trong chế độ AWB nằm trong khoảngtừ 3000 – 7000 K. Sử dụng AWB thường cho kết quả tốt. Tuy nhiên, bạn có thể đạt kết quả tốt hơn nếu sử dụng chính xác chế độ cân bằng trắng cho nhiệt độ màu của nguồn sáng. Hãy thử chụp một cảnh với chế độ AWB và sau đó sử dụng chế độ cân bằng trắng phù hợp. Trong nhiều trường hợp sự khác biệt là rất rõ ràng.
Xiu tầm by Kang_photo