Nói thì có bác lại bảo tôi khó tính, nhưng như ở phần đầu tôi đã mô tả: thị trường nội thất là một thị trường bất đối xứng thông tin điển hình. Trong cuộc chơi thì bên mua hay bị lợi dụng, làm giá và bên bán dịch vụ dễ giành phần thắng cuộc. mà thị trường này giờ bùng nổ với quy mô và nhu cầu đa dạng tăng rất mạnh tạo sự sôi động của thị trường đặc biệt này. Đến nỗi bác Quách Thái Công đang hái ra tiền bên Hamburg cũng phải nhảy bổ về Việt nam kinh doanh kiếm bộn tiền ở phân khúc nhà giàu. Rồi các công ty bất động sản (làm dự án) có năng lực tý là làm nhà bán cả nội thất lắp sẵn (như ví dụ cái chậu rửa teka Universo 79 2A giá 3,5 tr mà dự án họ tính hơn 10 triệu cho khách hàng)... Công ty tư vấn, thiết kế (kiêm sản xuất luôn) nội thất mọc lên như nấm...
Trong khi đó, hầu như vắng bóng công ty thật chuẩn mực về ngành hàng này. Công ty có tiếng chút thì tính giá trên trời và do cơ chế khoán, nhân viên không ngại ngùng khi chặt chém khách, làm ấu làm giả, thậm chí treo đầu dê bán thịt chó....
Trong khi đó, vắng bóng các siêu thị đồ gỗ A-Z kiểu IKIA ở các nước...
Siêu thị lớn nhất Melinh plaza thì cho thuê năm cha ba mẹ, ban đầu còn đông đông khách, nay vắng như chùa bà đanh...
Siêu thị, showroom của các công ty riêng lẻ thì: chỉ chuyên ngành 1 mặt hàng nào đó hoặc phân khúc của mình (Đức Dương, IMA, Funiland...)
Showroom đa dạng tý thì đa phần quảng cáo mạnh hơn năng lực thật, câu khách ỡm ờ sẵn tiền để bán giá cao (Nhà đẹp, nhà xinh, nhà phố, Hoàn Mỹ...).
Một số showroom chuyên nhập đồ Trung quốc tôi không tính...
Đê La Thành thì toàn hàng lởm, chỉ được cái giá rẻ ...
Xưởng sản xuất lớn thì thiếu việc làm nếu không có những hợp đồng gia công xuất khẩu đồ thông dụng, nhân công lành nghề cũng không mặn mà.
Xưởng nhỏ cũng phải vật lộn để tồn tại do chi phí sản xuất, khấu hao, vật tư luôn là áp lực... Nhiều xưởng phải ngóng chờ đơn hàng của mấy bác thiết kế nhận của khách 2 giao thầu lại 1...
Một vài công ty bài bản thì chỉ tập trung vào sản xuất phân khúc của mình như Đức Dương, HaTran...
Chỉ có mảng vật tư, nguyên phụ liệu, máy móc... là ngày càng thuận lợi. Ván cốt An Cường, gỗ óc chó Mỹ, Phụ kiện habele đã trở thành phổ biến giúp ngành nội thất VN dù bát nháo cũng không ropwi vào quỹ đạo Tàu.
Tôi chưa thấy dấu hiệu thị trường phát triển theo hướng tốt cho khách tiêu dùng...
Vậy làm sao để trở thành người tiêu dùng thông minh?
1. Ở Việt nam bắt buộc phải thuê thiết kế nội thất chứ đừng tự mình ra đê La thành vừa thiết kế trong đầu vừa mua đồ về kê nhé các bác.
2. Nhưng cũng đừng nên lười biếng, ỷ lại đến mức giao phó mấy trăm triệu, có khi cả tỷ cho một cty hay ai đó mà phó mặc cho họ toàn bộ công việc ý tưởng, thiết kế, sản xuất, lắp đặt... Nếu bạn thật nhiều tiền, sẵn sàng chịu ăn giá 1/3 hay 1/2 thì có thể tìm đối tác khả tín tý cũng OK... Nhưng nếu muốn tiền chi phí ra phải mua được sản phẩm đung đúng giá tý, chất lượng yên tâm khi sử dụng, bạn phải động não và chịu khó khá nhiều.
3. Khi chọn nhà thiết kế, bắt buộc phải tiếp xúc với KTS trước khi ký HĐ (có bằng hay tay ngang không quan trọng lắm nếu bạn đủ năng lực đánh giá qua các công trình, sản phẩm họ dã làm). KTS phải là người có khả năng hiểu được ý tưởng và nhu cầu của bạn, làm việc có tâm, yêu nghề, có năng lực thiết kế nội thất, biết giữ những nguyên tắc chuyên môn (chứ không chiều theo ý khách hàng dở hơi cũng cố làm)...
Phía khách hàng phải biết rõ mình muốn gì: Ý tưởng gì trong nội thất, dùng đồ gỗ gì, màu gì, văn hoa gì, tiền chi max, min bao nhiêu...
4. Khâu sản xuất phải căn cứ vào đơn giá dự toán của thiết kế, năng lực của nhà sản xuất để đặt hàng tổng thể hay tách một số đồ đặt riêng các công ty chuyên sâu...
Nếu xưởng sản xuất trong cơ cấu trực thuộc nhà thiết kế thì quá tốt ở khâu phối hợp thiết kế - thi công.
Nếu bóc tách một phần hay đặt hàng nơi khác, bạn phải yêu cầu thiết kế họ có trách nhiệm tư vấn, giám sát sản xuất thi công (tiền thiết kế phải giữ lại 1/3)...
Đó là những kiến thức tôi thu thập được từ khi mở topic này muốn chia sẻ với các bác cùng nhu cầu. Mong được thảo luận thêm..,.