ĐỒ NỘI THẤT VIỆT NAM HAY NƯỚC NGOÀI?
Tôi nghĩ, tôi và bác Tùng có sự khác nhau về cách dùng khái niệm và quan điểm tiếp cận thôi.
Đồ gỗ VN là ngành xuất khẩu thế mạnh, kim ngạch 1 năm khoảng 10 tỷ $ là con số quá lớn rồi. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gần 5000 cũng là rất lớn. Thứ hạng trên thế giới xếp thứ 5 cũng là lớn rồi.
Tuy nhiên, cũng giống nhiều ngành khác như dệt may, giày, thiết bị bếp và gia dụng…, các doanh nghiệp Việt mới chỉ xuất nguyên liệu gỗ, hoặc gia công, hoặc làm theo đặt hàng của các thương hiệu nước ngoài là chính, số doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong kinh tế và thương mại việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một hay vài khâu của chuỗi giá trị một ngành hàng nào đó gần như là bắt buộc, nhất là đối với các doanh nghiệp Việt thường đi sau, chi phí rẻ ở các khâu nặng nhọc, thiếu thiết kế, thiếu thương hiệu uy tín, thiếu cả tiềm năng công nghệ, các ngành phụ trợ… Người ta thường hay ví dụ Việt Nam là nước xuất khẩu điện thoại di động lớn nhất thế giới nhưng đến cái ốc vít cũng chưa làm được và phải do một công ty nước ngoài làm… Do vậy, khái niệm “Sản xuất” hoặc có xuất xứ sản phẩm VN chỉ được dùng khi hãng có giá trị tạo ra chiếm 40% tổng giá trị hàng bán. Khái niệm thứ hai là địa điểm lắp ráp (Made in ở đâu).
Tuyệt đại đa số DN Việt (trừ mảng mỹ nghệ) chỉ là gia công, làm theo đặt hàng, không gọi là sản xuất trong nước được.
Giống như điện thoại Samsung, đúng là làm ở VN nhưng là hàng Hàn Quốc.
Giống cả với điện thoại của bác Quảng Nổ, có cả thương hiệu Bphone nhưng 95% phụ kiện bác ấy nhập ngoại (học mót cả cách quảng cáo và ăn mặc khi quảng cáo theo Iphone), tôi không gọi Bphone là hàng do Việt Nam sản xuất được.
Ngành đồ gỗ nội thất thì mảng nguyên liệu, gia công bán thành phẩm và đồ gỗ mỹ nghệ chiếm tỷ trọng rất lớn. Ta đang bàn đến ngành sofa, tình trạng là gia công, làm theo đặt hàng thương hiệu ngoại là chủ yếu.
Thị trường Việt để lại cho:
1/ Khối hàng chợ kiểu Hữu Bằng, Đê La Thành.
2/ Khối hàng “may đo” do các công ty kiểu như của bác Tùng khá bát nháo về giá và chất.
3/ Khối hàng tự thiết kế (IMA), hoặc khá độc lập như Đức Dương , Sophia… quảng cáo là phong cách Italy này nọ: chất lượng được, kiểu dáng được nhưng giá cao, mẫu mã đơn điệu, khó đặt may đo…
4/ Khối hàng các công ty nhập sofa về bán (BTM) bao gồm cả các công ty nói là nhập nhưng thương hiệu không rõ, xuất xứ sản phẩm không rõ : giá trên trời…
5/ Có thể còn một phân khúc kiểu của bác Tùng làm nữa mà tôi không biết. Nếu có thì giá cũng rất cao.
Tôi đã tham quan một cơ sở trên Trôi, họ chuyên sản xuất chân bàn ăn sắt sơn tĩnh điện cắt CNC và hàn công nghệ cao. Các bác kiến trúc sư đến đặt chân bàn theo mẫu Italy triễn lãm với giá 12tr, về các bác lắp thêm mặt đá vicostone (do cty vicoston lắp ráp) khoảng 28 triệu nữa, tổng giá thành bàn khoảng 30 triệu, các bác ấy tính theo 70% giá bán trên thế giới là 80 triệu. Vị chi bộ bàn ăn cả ghế trên 100 tr.
Thế tôi mới bàn đến khái niệm phân khúc thị trường.
Tôi đã làm việc trên thực tế với KTS Đỗ Lan Anh (hiện mới lập văn phòng KTS riêng ở Trần Thái Tông, Cty Châu Á) mà tôi cho là đạt đẳng cấp cao ở HN về thiết kế và sản xuất kiểu tân cổ điển. Tôi rất thích đồ gỗ do Châu Á sản xuất và đã từng mua của họ cách đây 15 năm. Thiết kế của Đỗ Lan Anh cũng không cao như bác Tùng, nhưng khi đàm phán đến điều kiện sản xuất và báo giá thì thôi phải good bye, đơn giản vì nó quá cao đối với tôi.
Bác Tùng tôi gặp trên trang web này cũng là một KTS đáng ngưỡng mộ. Nhưng chắc chắn tôi không dám đặt hàng bác ngay từ khâu thiết kế. Cũng đơn giản là ở chi phí cuối cùng khá cao đối với căn hộ 3 tỷ thô của tôi.
Tôi ca ngợi nước ngoài hơi quá, nhưng đúng là ở nước ngoài ngô khoai rõ ràng, phân khúc nào ra phân khúc ấy, thương hiệu nào ra thương hiệu ấy.
Còn ở Việt nam mình thật giả lẫn lộn, thương hiệu không rõ ràng, rất thách thức người tiêu dùng.
Tôi rất bằng lòng với Vicostone, cửa Huge, dây điện Trần Phú, vài tấm Arcylic bóng mờ của PMA … vì thương hiệu rõ ràng, sản xuất và lắp đặt chuyên nghiệp, bảo hành rõ ràng…
Tôi cũng bằng lòng với một số thiết bị xịn nước ngoài như vòi nước, khóa cửa (do tôi trực tiếp mua ở Đức)
Những sản phẩm hãng nước ngoài sản xuất tại Việt nam tôi cũng rất ưng như thiết bị điện Panasonic.
Một vài thứ đành chép miệng dùng thôi vì sản phẩm thì toàn bộ phụ kiện nhập ngoại nhưng lại do một thương hiệu Việt Nam tên tây – nhật như hút mùi Kotcher, bếp cheafs, giàn phơi quần áo Senkaku…
Đồ gỗ thì đặt đóng theo thiết kế trên Thạch Thất (kết hợp mua các đồ rời), giá rẻ hơn các cty kiến trúc Hà Nội nhiều.
Mảng sofa tôi vẫn loạn trí chưa chọn được: Trên 100tr hay 60tr hay 30 tr hay 10 tr? Bác Tùng mà có địa chỉ thương hiệu sofa hợp lý giá phải chăng, chất tốt, mẫu đẹp thử giới thiệu xem sao?