Nhà cháu trả lời chi tiết để cụ cân nhắc (cụ nhớ rót rượu đới)
1. Nếu cụ bắt đầu công việc với trình độ cử nhân, giảng viên cơ hữu, lương của cụ khởi điểm hệ số 2,34 x 1150k lương tối thiểu x 85% lương tập sự 1 năm = 2287k (chưa trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) + 8% trợ cấp từ 2015 đối với người có hệ số lương thấp. Hết 1 năm tập sự, cụ hưởng 100% mức lương trên, và nếu được đi dạy, cụ được thêm phụ cấp đứng lớp 30% của lương. Tuy nhiên, nhiều trường (trong đó có các trường thành viên ĐHQG) chỉ cho dạy khi có bằng ThS.
2. Cứ 3 năm, nếu bình thường, cụ sẽ được tăng lương thêm một bậc, mỗi bậc có hệ số 0,33. Là giảng viên chính thì mỗi bậc hệ số là 0,34 (nhưng để là giảng viên chính thì còn lâu, ít nhất 9 năm, ít nhất ThS, có công trình, phải thi tuyển).
3. Bên cạnh lương, một số trường có tiền công tăng thêm, phụ thuộc ngân sách của trường, nhưng không nhiều. Đối với các trường thành viên ĐHQG, phần tăng thêm này dao động từ vài trăm k đến 1 củ/tháng. Lễ (1-5, 2-9, 20-11...) cụ có thêm vài trăm k mỗi lần, riêng Tết âm lịch thì vài ba củ. Cụ đi dạy, ngoài định mức (280 tiết/năm nếu là cử nhân, ThS), số tiết còn lại sẽ được tính tiền vượt giờ. Tùy môn, tùy khoa, tùy trường mà số tiết vượt giờ và đơn giá vượt giờ khác nhau, nhưng tối đa chỉ được vượt 200 tiết/năm (quy định của Bộ TC), đơn giá cũng còn tùy theo học hàm học vị nhưng không quá 100k/tiết (các trường phía Nam thường đơn giá vượt giờ cao hơn). Đối với ĐHQG, số tiết vượt giờ không nhiều, đơn giá thấp, nên may ra cụ được 1 củ/năm.
Như vậy, tổng thu nhập một năm dao động 40-50 củ/12 tháng.
4. Các trường đều yêu cầu giảng viên sau một thời gian nhất định kể từ ngày về trường phải có bằng ThS (thường là 3-5 năm), TS (3-5 năm) vì đây là chuẩn, nếu không sẽ hạ thi đua (liên quan đến quyền lợi) thậm chí xem xét lại hợp đồng lao động. Để có bằng ThS, thường cụ mất 2-3 năm học, chi phí trung bình 50-100 củ. Từ ThS để là TS cụ mất 3-4 năm nữa, chi phí trung bình 200 củ.
5. Nếu là ThS, TS:
- Có thể ngồi các hội đồng chấm đề tài khoa học, luận văn, luận án, nhưng cũng không nhiều, được chăng hay chớ, mỗi lần ngồi được vài trăm k.
- Có thể chủ trì/tham gia đề tài nghiên cứu (nhưng phải xét mới được chứ cũng không dễ), kinh phí cho một đề tài cấp trường khoảng 10-20 củ, cụ làm mất 1 năm, mất rất nhiều công sức, thường kinh phí đề tài không đủ để chi, nên không mấy khi người ta cho rằng nghiên cứu khoa học đem lại thu nhập.
6. Đủ 5 năm giảng dạy, cụ được phụ cấp thâm niên 5% trên mức lương cơ bản, sau đó mỗi năm tăng thêm 1%.
7. Một số giảng viên thoái hóa kiếm thêm từ SV, nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu (xã hội cứ tưởng được nhiều lắm, thực tế SV nghèo lấy đâu ra) sẽ bị SV coi thường, rêu rao ngoài đời và trên mạng, dễ lộ, phạm pháp, trái với đạo làm thầy. Nhà cháu phản đối cái này.
Túm lại, làm nghề này đừng mong giàu, chỉ đủ ăn là may, chưa kể đồng nghiệp phức tạp, môi trường thăng tiến chật hẹp, khép kín. Chỉ một số rất ít giảng viên là sống được bằng nghề (chuyên môn giỏi, đẳng cấp khoa học cao, môn học quý hiếm), do đó chỉ theo được nếu có lòng đam mê.