Trần Văn Bằng, 21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, vừa đoạt giải Nhất chung cuộc Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hôm 19/5.
Sinh viên năm thứ ba khoa Tài chính-Ngân hàng nói anh say mê môn triết học Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ khi vào đại học.
Bằng được nói là thường nghe giảng về triết học Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh thay cho nghe nhạc và trong điện thoại có tới hơn 5 GB dữ liệu về những chủ đề trên.
Điều này gây chú ý vì các môn trên bị coi là không thời thượng và ít học sinh, sinh viên tìm hiểu.
Năm 2013, Chính phủ Việt Nam còn ra Nghị định cho phép miễn học phí đối với sinh viên chuyên ngành Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để khuyến khích học ngành này.
Tuy nhiên, cho dù có miễn giảm học phí, các bộ môn nói trên dường như vẫn không phải lựa chọn của nhiều sinh viên.
Ngược lại, Trần Văn Bằng nói với BBC: "Khi vào trường đại học, tiếp cận các môn này là em thích ngay. Một phần cũng vì cô giáo đã truyền lửa cho bọn em".
"Em thấy nó có ý nghĩa cho cuộc sống và cho em phương pháp làm việc khoa học hơn, cũng như nền tảng kiến thức để vận dụng các môn chuyên ngành vào cuộc sống."
Bằng cho hay rằng việc vận dụng khoa học triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp kết quả học tập của anh được nâng cao.
Sinh năm 1994, sinh viên này quê ở Hải Dương. Anh cho hay bố mẹ anh rất vui khi con trai được giải và "sẽ để dành tiền thưởng để mua cho mẹ em một chiếc tủ".
Bị công kích
Trần Văn Bằng nói sau khi báo chí trong nước viết nhiều về thành tích của anh, nhiều người đã bình luận với các chỉ trích rất nặng nề.
"Đấy là đam mê của em và em sẽ tiếp tục theo đuổi, dù các bạn nói thế nào thì em vẫ́n vững vàng."
"[Chúng ta] đang trong thời kỳ quá độ. Cái gì hoàn hảo mấy cũng không thể tránh những sai lầm."
Anh khẳng định: "Em tin là chủ nghĩa Mác-Lê sẽ chiến thắng".
Sinh viên này tâm sự sang năm 2016, khi tốt nghiệp, anh muốn được làm việc ở một ngân hàng.
Anh nói việc anh say mê triết học Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ không khiến các nhà tuyển dụng ngại ngùng.