TRUYỆN CỔ TÍCH ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG
Chuyện kể lại rằng, có một bác nông dân nghèo, công việc của bác lúc nào cũng gắn liền với đồng áng, cái cày và con trâu. Bác muốn tự làm một chiếc cày thật tốt để giúp cho năng suất làm việc thêm hiệu quả hơn.
Một hôm bác nông dân xin được một khúc gỗ tốt nhưng bác chưa bao giờ làm cày, bác nghĩ ra một cách là mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo rồi hỏi ý kiến mọi người qua đường.
Bác nông dân ngồi hì hục đẽo được một lúc thì có một người đi qua bảo:
– Bác đẽo thế này không đúng rồi, bác đẽo to quá
Bác nông dân nghe thấy có vẻ như có lý nên bèn làm theo. Bác đẽo tiếp được một lúc thì lại có một người đi qua bảo:
– Bác đẽo thế này thì không cày được đâu, cái đầu cày bác đẽo to quá.
Bác nông dân nghe thấy vậy cũng có lý nên tiếp tục làm theo lời khuyên. Bác tiếp tục đẽo thì lại có một người nữa đi qua nói với bác:
– Bác đẽo thế này thì không ổn lắm, bác làm cái cày bị dài quá nên sẽ không thuận tay.
Bác nông dân nghe thấy cũng có lý nên tiếp tục đẽo theo lời khuyên của người thứ 3. Cứ như vậy cứ mỗi người đi qua khuyên bác một câu thì bác lại đẽo chiếc cày theo ý của người đó. Kế cục cuối cùng là cuối buổi hôm đó trong tay bác chỉ là một khúc gỗ nhỏ, bác không thể đẽo thành một chiếc cày được nữa. Tất cả cây gỗ quý nay chỉ còn thành một đống củi vụn do bác đã sửa đi sửa lại quá nhiều.
Bác rất buồn vì điều mình muốn làm đã không thực hiện được, nhưng bác cũng đã ngộ ra một điều rằng:
– Chính sự không có chính kiến của riêng mình đã làm bác thất bại. Lần sau bác sẽ tự đẽo một chiếc cày theo ý của bác.