Bản đồ này có thể giúp cụ phần nào hiểu lịch sử của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và biển trong các giai đoạn 9.200-9.000 năm trước ngày nay, 7.800-7.000 năm trước ngày nay và dự báo tới năm 2050, 2100 và 2150. Đường màu đỏ đứt nét là ranh giới đất liền - biển khoảng 9200 năm trước (theo Nguyen et al., 2020), đường vàng đứt nét là ranh giới đất liền - biển khoảng 9000 năm trước (theo Tanabe et al., 2006), đường màu đỏ liền nét là ranh giới đất liền - biển khoảng 7800 năm trước (theo Nguyen et al., 2020), đường vàng liền nét là ranh giới đất liền - biển khoảng 7000 năm trước (theo Tanabe et al., 2006). Các chỗ với màu xanh dương đậm nhạt khác nhau là dự báo sự biến mất của một phần đồng bằng do nước biển dâng (năm 2050 dự báo dâng lên 0,239 m, năm 2100 lên 0,901m và năm 2150 lên 2,042 m.). Hình trích từ bài báo năm 2023 này (
https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0280126,
Prehistoric pathways to Anthropocene adaptation: Evidence from the Red River Delta, Vietnam).
Cụ thể thì trong một giai đoạn địa chất ngắn, cỡ 0,5 - 1 triệu năm trở lại thì các yếu tố chính hình thành / biến mất vùng đồng bằng ven biển là:
1) Do biển tiến / biển thoái (= nước biển dâng lên / nước biển rút xuống), hậu quả của các thay đổi khí hậu dẫn tới các mảng băng khổng lồ ở hai địa cực/các dãy núi cao tan chảy nhanh/chậm hơn so với mức trung bình dài hạn. Gần đây người ta cho rằng các hoạt động của con người (đặc biệt là từ thời kỳ cách mạng công nghiệp tới nay) góp phần làm tốc độ ấm lên toàn cầu tăng nhanh (do hiệu ứng nhà kính từ phát thải CO2 và các khí nhà kính khác tăng mạnh) và hậu quả của nó là góp phần làm nước biển dâng nhanh hơn. Tuy nhiên, lý giải này chưa thực sự thuyết phục, bởi về mặt địa chất thì Trái Đất hiện tại đang trong thời kỳ gian băng (
interglacial) - bắt đầu từ thế Holocene khoảng 11.700 năm trước, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn so với thời kỳ băng hà (
ice age).
2) Sự bồi tụ dần dần của phù sa do các sông suối đổ ra biển.