Đồng hồ Liên Xô này nhìn rất kỳ lạ
Chiếc đồng hồ này gắn liền với sự kiện dưới đây cụ ah! Arktika là BẮC CỰC và tên của 4 nhà thám hiểm được in bên trên...
Thế giới bị sốc khi Liên Xô chinh phục xong Bắc Cực
Trong thành phần chung của đoàn thám hiểm có 4 nhà thám hiểm vùng cực, những người có nhiệm vụ chính là sẽ ở lại trên vùng băng giá với tư cách là những nhân viên của trạm nổi "Bắc Cực-1".
Ivan Papanin được bổ nhiệm làm Trưởng trạm "Bắc cực -1". Phụ trách vô tuyến điện là Ernst Krenkel – một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, Pyotr Shirshov thực hiện những nhiệm vụ về thủy văn, và nhà địa vật lý Yevgeny Fyodorov.
Tháng 2/1937, Schmidt báo cáo lại với điện Kremlin là cuộc thám hiểm đã sẵn sàng và nhận được lệnh bắt đầu thực hiện dự án.
Ngày 19/4, phi đội máy bay đáp xuống căn cứ trên đảo Rudolph. Sau đó, họ đã nỗ lực để thực hiện các chuyến bay tiếp đến vùng cực. Song điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho không chiếc máy bay nào có thể hạ cánh.
Ngày 21/5/1937, chiếc máy bay của Mikhail Vodopyanov, mặc dù gặp khó khăn về kỹ thuật, nhưng đã hạ cánh trên băng ở khu vực Bắc Cực, nhưng đã "bay quá" địa điểm định trước khoảng 20 km. Và ngày hôm đó chính là ngày thành lập trạm nổi "Bắc Cực-1".
Mikhail Vodopyanov nhớ lại một chi tiết thú vị: khi trưởng trạm Ivan Papanin vừa bước ra bên ngoài, theo bản năng, anh lấy chân dậm thử xem liệu băng có chịu nổi trọng lượng của mình hay không? Trong khi đó, chiếc máy bay nặng hàng chục tấn đứng đó như muốn nói: chắc là chịu được!
Đến ngày 5/6, các máy bay đã chở đến mọi thứ cần thiết cho hoạt động của trạm nổi trên băng. Hành khách cuối cùng đến trạm "Bắc cực -1" là một chú chó giống vùng cực có biệt hiệu là Vesjoly (Nghĩa là vui vẻ).
Chú chó Vesjoly có mặt cùng 4 nhà thám hiểm tại trạm nổi "Bắc cực -1"
Ngày 6/6, một cuộc mitting được tổ chức ngay trên mặt băng và lá cờ của Liên Xô được kéo lên, sau đó các máy bay cất cánh bay đi.
Chỉ còn lại 4 thành viên của đoàn thám hiểm và một con chó ở lại giữa cánh đồng băng.
Vào thời gian đầu của cuộc thám hiểm, địa điểm trú ngụ của đoàn là một khối băng có chiều dài, chiều rộng là 3 và 5 km và có độ dày khoảng ba mét.
Tuy nhiên, diện tích khối băng cứ giảm dần, và quá trình này tiếp diễn cho đến khi kết thúc cuộc thám hiểm.
Trạm thám hiểm nổi "Cực Bắc-1" hoạt động trong các điều kiện không khác mấy so với điều kiện làm việc trên vũ trụ. Không thể trông chờ vào bất cứ ai, ngoài bản thân, trong trường hợp khẩn cấp sẽ không không có sự hỗ trợ tức thì, và chỉ có thể sống sót dựa vào bạn bè.
Khả năng hòa hợp về tâm lý trong môi trường như vậy là điều quan trọng nhất. Chỉ cần một xung đột nhỏ nhất cũng có thể biến thành thảm họa.
Không phải ai cũng biết rằng, vì phải làm việc trong môi trường cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên lãnh đạo trong các cuộc thám hiểm Bắc Cực có những quyền hạn đặc biệt.
Nếu một trong những thành viên của đoàn thám hiểm không thể chịu được tình trạng quá tải và bắt đầu có những hành xử không thích hợp, thì lãnh đạo có quyền áp dụng những biện pháp khắc nghiệt nhất, vì sự tồn tại của những người khác. Trong tiếng lóng, điều này được gọi là "đi ngủ dưới băng".
Ivan Dmitrievich Papanin, một người từng tham gia Nội chiến, cựu nhân viên an ninh Trê-ca, từ năm 1932 đã lãnh đạo nhiều trạm khoa học khác nhau ở Bắc Cực.
Ông là một người cứng rắn và quyết đoán. Tuy không được học hành nhiều, nhưng bù lại, ông có óc quan sát trời phú, sự linh lợi thực tế và tài năng của một nhà lãnh đạo.
Trạm thám hiểm trên băng tồn tại trong những điều kiện khó khăn nhất, nhưng các thành viên trong nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ của họ ngay cả khi tình hình trở nên thực sự nguy kịch. Cả Ernst Krenkel và Peter Shirshov, cũng như Yevgeny Fedorov đều làm cho sếp hài lòng.
Duy chỉ có một nhân vật ngang bướng với Papanina là “nhân viên thứ tư” của ông - con chó Vesjoly. Nó đã coi kho thực phẩm của đoàn thám hiểm như là thiên đường của riêng nó nên thường xuyên lỉnh tới đó.
Tuy nhiên, những mánh khóe này của Vesjoly cũng được bỏ qua, vì đúng như cái tên “vui vẻ” của mình, nó đã giúp cho những nhà thám hiểm vùng cực giảm bớt được gánh nặng tâm lý.