Mỗi khi nhận được nhắn tin hỏi mình rằng “Em có nên nói với con là ba mẹ đã ly hôn hay không?”, mình cứ muốn vặn hỏi lại: “Bạn nghĩ gì về con mình?”
Có phải bạn nghĩ rằng nói dối con, che giấu con dễ lắm?
Có phải bạn nghĩ con mình dễ lừa lắm?
Hay bạn đang hi vọng rằng chỉ cần nói “Không”, là con sẽ thấy “Không”? Lời nói chỉ chiếm khoảng 7% giá trị giao tiếp thôi ạ. Còn lại là ngôn ngữ cơ thể, là cảm xúc, là năng lượng... của bạn.
Thực ra thì cũng có người giấu được. Mình đã từng tiếp xúc với các ngôi sao màn ảnh hoặc là các chính khách. Trong hậu trường có thể họ vừa cãi nhau, có thể mới đưa đơn ly hôn lên toà, nhưng bước ra sân khấu một cái, ánh đèn flash loé lên một cái, là họ lại tươi cười rạng rỡ.
Nhưng họ có năng khiếu, và họ sống bằng nghề diễn. Và chúng ta đứng rất xa họ, hoặc chỉ nhìn thấy trên báo và ti vi.
Còn con cái chúng ta, khoảng cách bằng 0, tụi nó hít thở và cảm nhận trực tiếp năng lượng của bạn. Bạn làm sao có thể giả nhịp đập của trái tim mình? có thể giấu được ánh mắt, được sự tức giận, giấu cảm giác trống rỗng của bạn khi ôm con trong vòng tay mình ko?
Không!
Mình đã có con, và mình làm truyền thông 20 năm nay, mình biết không giấu được đâu.
Nhớ ngày Xu vài tháng tuổi, chưa biết nói, nhưng cứ hôm nào mình và chồng cãi nhau là đêm đó Xu trằn trọc, khó ngủ, Xu sẽ ói nhiều hơn và khóc quấy nhiều hơn.
Nhớ hồi mình còn nhỏ, có những ngày bước chân về nhà, không nghe tiếng cãi nhau nào cả, nhưng không gian ngột ngạt và nặng nề. Ngay ở công ty cũng thế, bước vào phòng sếp, cũng cảm được ngay các sếp có vừa đang cãi nhau hay không.
Vậy mà nghĩ là giấu con là sao?
Trong vụ việc đáng tiếc của cô bé 11 tuổi tử vong từ lầu 39 chung cư Goldmark hôm qua, đọc thư cũng thấy, thậm chí, cô bé đã biết cả những điều ba mẹ ko rõ nữa.
Tác giả “Ăn cầu nguyện yêu” nói: Ly hôn như thể mỗi ngày có 1 vụ tai nạn xe hơi suốt cả năm ròng.
Về hậu quả thì mình đồng ý. Nhưng về tiến trình thì ko.
Ly hôn nó ko thể đột ngột như khi bạn va cái đùng vào 1 vụ tai nạn giao thông. Nó diễn ra từ từ, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, nó ngấm ngầm đục ruỗng mỗi người.
Làm sao mà giấu con?
Nên mình ko giấu.
Mình chia sẻ từ từ, từ khi con nhìn thấy mẹ đau khổ, thấy mẹ buồn. Mình nghĩ rằng, con mình cần được hiểu về quy luật của đời sống. Con cần hiểu và biết gọi tên cảm xúc của người khác và của mình.
Sẽ thế nào nếu bạn đang khóc vì buồn, nhưng khi con hỏi, bạn cứ né tránh là “Mẹ chỉ bị bụi bay vào mắt”
Sau này khi tới lớp con gặp chuyện buồn, con cũng sẽ về nói với mẹ là “Con chỉ bị bụi bay vào mắt thôi!”, (và bạn cũng chỉ được đứng bên lề hành trình của con thôi)
Bạn nghĩ sao khi lòng bạn nát bấy hoặc ghen tức ngùn ngụt khi chồng bỏ nhà đi với bồ, mà bạn nói với con là “Không sao đâu, ba đi công tác thôi!”. Vậy sau này khi lớn lên, khi phải đi công tác, con bạn cũng sẽ nhớ về không gian tràn đầy những uất hận đó.
Theo mình, khi bạn đang nói dối, tức là bạn đang cảm thấy sự thật nó không thể gánh đỡ được.
Tức là bạn đang quá sợ hãi nó.
Thực ra ly hôn không phải là chết. Mỗi ngày nước ta trung bình khoảng 500 vụ li hôn diễn ra.
Ở nhiều quốc gia khác tỷ lệ lên ly hôn tới 60%, vậy mà họ vẫn phát triển, và người Việt mình vẫn sẵn sàng liều mạng để chạy qua nơi tới 60% ly hôn đó để tỵ nạn, để định cư. Tổng thống Bill Clinton và Obama đều lớn lên trong những gia đình khuyết, rồi bầy con của vợ trước nhà ông Trump vẫn rạng ngời và thành đạt.
Xã hội VN ngày xưa tỷ lệ ly hôn ít hơn, ko phải là các ông bà hạnh phúc hơn chúng ta, mà chỉ vì ngày đó đói khổ và lạc hậu nên không dám ly hôn mà thôi.
Mình tin ở VN, nếu luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt như Mỹ, Úc, Châu Âu, thì tỷ lệ ly hôn sẽ cao vọt ngay trong vòng 1 nốt nhạc.
Tóm lại, Con quan trọng đủ để không bị gạt ra rìa, không phải là người biết cuối cùng trong những quyết định lớn của mẹ.
Con được trân trọng đủ để không bị mẹ nói dối, không bị mẹ đóng kịch.
Con có quyền được học về cảm xúc.
Con được dạy về nhân quả và sự chịu trách nhiệm với cảm xúc và ứng xử của mình thông qua những trực quan con nhìn thấy trong nhà mình.
Trong truyền thông thì nói thật là cách dễ nhất. Với con, hãy nói trung thực, nói giản dị, nói chân thành. Nhỏ thì nói ít, nói hẹp thôi. Lớn thì nói nhiều, nói rộng hơn. Càng vòng vo, càng lấp liếm, càng nói giảm nói tránh, sẽ càng làm con thấy bẽ bàng hơn.
Còn nếu bạn muốn bảo vệ con, muốn con bớt tổn thương, thì hãy đừng đổ lỗi, đừng nói xấu người kia, cũng đừng hành hạ chính mình. Dù sao ADN của 2 người cũng đã nằm trong từng tế bào của con rồi, dòng máu của 2 người đang chạy trong từng mạch máu của con rồi. Chê ba, hay chê mẹ, cũng chỉ làm con giận ghét chính bản thân con mà.