Trời về chiều, hoàng hôn buông dần. Đang từ đường ven suối dẫu có trơn trượt nguy hiểm nhưng vẫn dễ chịu hơn loại đường chân núi này, dốc ngược dựng đứng, đường thì nhiều đất khô và sỏi nhỏ rất trơn lại không chỗ bấu víu. Bọn em liên tục dừng lại nghỉ ngắn, mỗi lần chỉ dưới 3 phút nhưng cũng khá mất thời gian. Ban đầu Sinh đi khá gần, thấy nghỉ lại đứng đợi, thấy thế em mới thay đổi chiến thuật, bảo Sinh cứ đi trước, hễ thấy ngã 3 thì dừng lại đợi bọn anh, nhưng đừng đi quá xa, cứ nghe tiếng là được, chứ đi thế này bọn anh không có động lực phấn đấu đâu. Sinh bèn rảo bước chẳng mấy chốc biến mất khỏi đám cây rừng. Ngoảnh lại thấy Chuẩn còn tệ hơn cả em nhiều, thở bằng cả mũi lẫn tai. Chuẩn hổn hển nói: "Em chưa từng đi dốc dài thế này, thỉnh thoảng cũng luồn rừng mang balo dù lên núi, nhưng thường chỉ phải leo vài trăm mét là cùng". Em bèn dừng lại chặt cho mỗi người một cây gậy làm cái chân thứ 3 để dùng tay đỡ bớt lực cho đôi chân, cũng khá khẩm hơn chút, nhưng vẫn mệt như cũ chỉ có tần suất nghỉ là giảm đi. Dường như kể từ giờ trek thứ 3 đôi chân hai anh em mới bắt đầu quen dần với cường độ vận động, dẻo dai hơn, đi nhanh hơn, hơi thở dần dần điều hòa với nhịp chân bước.
Củ mài trên đường đi - củ này là thực phẩm của người đi rừng ở đây
Thỉnh thoảng Sinh lại dừng đợi ở một ngã ba. Các cụ ạ, giả sử em có đi một mình thì vẫn quyết định được hướng đi đúng, vì giác quan và kinh nghiệm đi rừng của em cũng khá, nhưng với những kẻ ngu ngơ về đường mòn đó có thể là một mê cung khó hiểu chẳng biết đi về đâu. Trong rừng, cứ đường mòn lớn nhất mà đi, thường ở cửa rừng có ngã ba hình chữ "Y xuôi" là đi sâu vào rừng, chữ "Y" ngược là đi ra khỏi rừng. Những quyết định rẽ của Sinh rất hợp với ý em và cái định vị trên bản đồ offline em load sẵn trong con điện thoại P700i, vậy là từ khoảng 1600m trở lên chẳng có lần dừng hội ý nào nữa. Trừ một lần Sinh dừng lại chỉ cho hai anh em toàn cảnh con đường ven suối và cả bản Chu Va dưới chân núi kia. Thực ra vẫn chẳng đi được bao xa, mỗi giờ kể cả thời gian nghỉ, cả ăn nhanh, uống nước, chỉnh trang đồ đạc, cả ba chỉ đi được hơn 2km, sau 3 giờ trek liên tục mới được khoảng 7km, mà như vậy soi vào đường chim bay bằng mắt thường cảm giác như bản của Sinh vẫn ngay dưới chân. Em lại hò dô anh em cặm cụi nối đuôi tiến sâu vào rừng.
Đây là một khu rừng tái sinh, từng bị đốt trụi để làm nương nhưng nay bỏ hoang không trồng thảo quả, không nhiều điều ấn tượng. Đoạn trên kia mới vào rừng già, đẹp lắm - Sinh bảo thế. "Ừ, anh cũng biết vậy, chưa đến khu vực thảo quả thì sẽ không có rừng già". Cứ lầm lũi đi không biết bao lâu, em phải tranh thủ thời gian trời còn sáng để mải mốt đi, vì cứ mỗi phút nghỉ ngơi lúc trời chiều có thể phải trả giá bằng hàng chục phút mò mẫm trong đêm, thậm chí lạc đường. Đã hơn 5h30 chiều, Sinh động viên đi nhanh, còn khoảng 1h nữa mới tới lán thảo quả - còn em cũng không muốn ngủ lại giữa rừng vì sợ rằng thời tiết này dứt khoát sẽ có mưa đêm.