Tình trạng 2 tỷ giá lại xuất hiện trong ngân hàng
Giá niêm yết trên bảng kịch trần 21.246 đồng một đôla, ngân hàng bán ra cao hơn thế vài trăm đồng cho một số khách với lý do khan hàng.
Tăng tỷ giá đôla Mỹ thêm 1%
Yếu tố tâm lý đang chi phối tỷ giá
Tình trạng hai tỷ giá lại xuất hiện trong ngân hàng. Ảnh: Lệ ChiTừ ngày Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1% đến nay, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết rất khó mua đôla. Câu trả lời thường trực mỗi khi gõ cửa nhà băng là "khan hàng".
"Một số doanh nghiệp cùng ngành đang cần thanh toán đơn hàng nhập khẩu phải chấp nhận mua với giá vượt trần và mức này chả thấp hơn bao nhiêu so với chợ đen", giám đốc một công ty nhựa tại Tân Phú nói. Khoản chênh lệch phát sinh này, doanh nghiệp phải chấp nhận hợp thức hóa bằng cách tính vào các loại phí (phí chuyển tiền, phí phạt...) có khi lên tới vài trăm đồng mỗi USD.
Sau hơn một năm rưỡi ổn định, từ 28/6, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh lên 21.036 đồng. Các ngân hàng thương mại không được mua bán thấp hơn 20.826 đồng và không cao hơn 21.246 đồng một đôla, theo quy định hiện hành. Chỉ vài ngày sau đó, niêm yết bán tại các ngân hàng đều kịch trần, trong khi giá chào tại các điểm thu đổi tự do đang tiến sát 21.900 đồng.
Theo Phó tổng giám đốc một công ty nhập khẩu đồ nội thất tại Hà Nội, trước ngày 28/6, doanh nghiệp của ông hầu như không mua được đôla từ ngân hàng. "Sau khi nới biên độ, tình hình tiếp tục khó khăn hơn", lãnh đạo này cho biết.
Các lô hàng nhập khẩu gần đây, công ty phải gom đôla từ thị trường tự do hoặc chấp nhận giá cao trong ngân hàng. Đợt hàng gần đây nhất, ông mua được chỗ ngân hàng quen, nhưng giá chênh khoảng 200 đồng, tức lên gần 21.500 đồng một đôla.
Với doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, tình hình có vẻ khả quan hơn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, vì ngành này xuất khẩu chiếm tới 90% nên nguồn cung USD khá dồi dào. Do đó, các doanh nghiệp thành viên trong hội không gặp khó khăn gì về nguồn cung đôla và luôn được ngân hàng đáp ứng đầy đủ.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, tỷ giá thường căng thẳng vào cuối năm còn hiện nay, nhu cầu chưa quá lớn đến mức các ngân hàng khan đôla và bán giá vượt trần niêm yết. Theo ông, hiện nay việc vượt trần này chỉ có thể là số ít trường hợp vì những lý do nào đó.
Không ít ý kiến cho rằng cung đôla không khan như thực tế mà có thể do một số nhà băng chủ động làm giá, đẩy lên cao để ngăn chặn việc một số tổ chức nước ngoài rút tiền đầu tư khỏi Việt Nam, đặc biệt giới đầu tư Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thiết.
Khác với phản ánh từ phía doanh nghiệp, hầu hết các ngân hàng vẫn cho biết cung - cầu đôla "rất bình thường" và ngân hàng hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của những doanh nghiệp nhập khẩu. Lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, nguồn USD tại nhà băng này hiện khá ổn định và không có gì đáng ngại.
Trao đổi với
VnExpress.net chiều 8/7, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng, các ngân hàng trên địa bàn hiện vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng. Thời gian qua, cơ quan này liên tục thanh kiểm tra hoạt động liên quan đến vàng và ngoại tệ của các nhà băng và chưa phát hiện ra trường hợp ngân hàng nào vi phạm.
Ông Minh cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ tiếp tục tăng cường việc thanh, kiểm tra. "Nếu phát hiện nhà băng nào vi phạm trong việc mua bán USD không đúng giá niêm yết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 95", ông Minh nhấn mạnh.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/tinh-trang-2-ty-gia-lai-xuat-hien-trong-ngan-hang-2845127.html
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu