Theo em được biết thì vào năm 1993 đèn bi- xeon đã được trang bị cho xe BMW 750i, e mao muội gửi bác bài về đèn bi-xeon
Hiện nay trên thế giới, đèn pha bi-xenon mới chỉ được trang bị trên các dòng xe sedan cao cấp. Tại Việt Nam, nó là một trong những tiêu chuẩn để giới mê ôtô đánh giá độ sang của chiếc xe, bên cạnh những tính năng về động cơ, kết cấu, chất liệu, kiểu dáng và trang thiết bị an toàn.
Năm 1993, đèn xenon được trang bị trên chiếc BMW 750i và đó là dấu hiệu đầu tiên cho một cuộc cách mạng về đèn pha trong ngành công nghiệp ôtô. Nguyên lý hoạt động của đèn xenon lấy cảm hứng từ tự nhiên, một hiện tượng đã có từ thời hồng hoang của trái đất: sét đánh. Những vệt ánh sáng cường độ cao trải dài trong không trung, sinh ra do hiện tượng phóng điện giữa những đám mây tích điện và bề mặt trái đất, là nguyên nhân để các nhà khoa học thuộc công ty Hella Corp. đưa ra ý tưởng sản xuất ra những chiếc đèn pha cường độ cao, thay thế cho những chiếc đèn halogen ngày càng trở nên già cỗi.
Nguyên lý hoạt động của đèn bi-xenon.
Vào năm 1992, Hella Corp. sản xuất thành công đèn pha xenon thế hệ thứ nhất theo công nghệ HID (High Intensity Discharge - sự phóng điện cường độ cao), lúc đó đèn xenon chỉ dùng làm đèn cốt, còn đèn pha vẫn sử dụng halogen. Sau đó 5 năm, Hella Corp. cải tiến đèn xenon trở thành bi-xenon (một đèn xenon cho hai chùm sáng pha và cốt, chữ viết tắt của bifunction xenon).
Đèn bi-xenon không có dây tóc như các loại đèn halogen hay đèn wonfram, thay vào đó là hai bản cực điện đặt trong khí trơ xenon, được bao bọc bằng bình thuỷ tinh thạch anh. Khi đóng nguồn điện, giữa hai bản cực này sinh ra hiện tượng phóng điện do hiệu điện thế vượt ngưỡng đánh thủng (vào khoảng 25.000 V). Tia lửa điện sinh ra kích thích các phân tử khí trơ xenon lên mức năng lượng cao, sau khi bị kích thích các phân tử khí xenon sẽ giải phóng năng lượng để trở về trạng thái bình thường, bức xạ ra ánh sáng theo định luật bức xạ điện từ.
Tuy nguyên lý hoạt động HID hết sức đơn giản, nhưng để chế tạo được sản phẩm hoàn chỉnh, nhà sản xuất phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật hết sức khắt khe. Một trong những yêu cầu đó là khí xenon phải hoàn toàn tinh khiết, nếu không, chúng ta sẽ được một quả pháo chứ không phải là một chiếc đèn. Chi phí cho công nghệ tinh chế xenon là nguyên nhân chính làm cho đèn bi-xenon vẫn là xa xỉ phẩm.
"Tiền nào của nấy", khi sở hữu chiếc xe được trang bị hệ thống đèn pha bi-xenon, người sử dụng sẽ cảm thấy yên tâm vì những tính năng vượt trội của nó so với đèn halogen truyền thống.
Trước hết, tuổi thọ của đèn bi-xenon gấp 10 lần so với đèn halogen do dây tóc của đèn halogen rất dễ bị đứt bởi hiện tượng va đập trên đường, còn đèn bi-xenon chỉ có hai bản điện cực được cố định bởi lớp vỏ thạch anh. Để chứng minh, các nhà kiểm định chất lượng đã đưa ra một con số: Đèn halogen có thời gian sử dụng trung bình 300-1.000 giờ, còn bi-xenon là 3.000 giờ. Với tuổi thọ như vậy, rất có thể chúng ta sẽ phải thay xe trước cả khi thay đèn.
Tiếp đến, công nghệ HID tăng tính an toàn cho bạn khi lái xe trong đêm, đặc biệt ở những nơi không có đèn chiếu sáng công cộng, do loại đèn này phát ra ánh sáng trắng - xanh rất giống với ánh sáng ban ngày, giúp người lái dễ dàng quan sát với hình ảnh rõ nét, sâu và thật hơn. Các thống kê đã chỉ ra rằng, người lái xe cần phát hiện, xử lý và phản ứng với các thông tin từ tín hiệu giao thông trong khoảng 70 m, vì nếu chạy với vận tốc 100 km/h, chúng ta chỉ có khoảng 2,5 giây để phản xạ trước các biến cố xảy ra trên đường. Do đó, đèn pha xe hơi có chùm sáng dài, tầm quan sát rộng để phát hiện sớm các sự kiện là yếu tố an toàn hàng đầu đối với người cầm lái.
Mercedes-Benz E200K sử dụng đèn pha bi-xenon.
Một ưu điểm nữa của đèn bi-xenon là do không tốn năng lượng để đốt nóng dây tóc nên không những tiết kiệm năng lượng - tiêu thụ bằng 1/3 so với đèn halogen truyền thống - mà còn cho cường độ sáng cao hơn gấp 2-3 lần.
Ngoài những ưu điểm về mặt kỹ thuật, HID thu hút dân mê "độ" xe ở sự phong phú và đa dạng về màu sắc, tất cả đều rất thời trang và nổi bật. Kết hợp với những yếu tố khác, đèn pha bi-xenon sẽ làm cho chiếc xe trở nên sang trọng và sành điệu hơn.
Hiện nay, các hãng xe và các nhà sản xuất đang cố gắng giảm chi phí sản xuất, cải tiến công nghệ, kết hợp giữa halogen và xenon nhằm giảm giá thành của bi-xenon. Và rất có thể, trong tương lai không xa nữa, toàn bộ xe hơi sẽ được trang bị hệ thống tân tiến này.